Nỗi đau tột cùng của người mẹ mất con, 3 năm sau mất chồng ở chính con đường ấy

23/03/2021 14:36 GMT+7

Năm 2017 con mất vì tai nạn trên QL50, sợ hãi, vợ chồng chị Dung chạy xe rất cẩn thận. Năm 2020, khi băng qua đường trên QL50, chồng chị đột ngột bị một thanh niên ‘nhắm mắt nhắm mũi’ tông trúng, anh cũng đi mãi mãi…

Tai nạn giao thông đã cướp đi sức khỏe, tính mạng của hàng ngàn người Việt mỗi năm. Vì tai nạn giao thông gia đình đang hạnh phúc bỗng chốc chia ly hoặc để lại vết thương đi cùng họ cả cuộc đời về sau. Nhưng họ vẫn phải vực dậy, bước qua nỗi đau về thể xác và tinh thần để bước tiếp trong cuộc sống này.

Mọi chuyện quá đột ngột

Tôi đến thăm nhà trọ của chị Trương Thị Mỹ Dung (40 tuổi, ngụ Bình Chánh, TP.HCM) nằm sâu trong con hẻm ở Quốc lộ 50 (QL50). Đã nửa năm sau vụ tai nạn cướp đi người bạn đời, đôi mắt của chị Dung vẫn còn sưng húp vì khóc nhiều, quanh nhà, ra đường, đâu đâu chị cũng thấy hình bóng của chồng, con.

Đã hơn nửa năm từ ngày chồng ra đi mãi mãi vì tai nạn giao thông, nhưng chị Dung vẫn chưa thôi khắc khoải nỗi đau

Ảnh: Vũ Phượng

Cuối năm 2017, con trai 17 tuổi của chị đi cùng 1 người bạn 20 tuổi vừa băng qua QL50 ở đầu hẻm vào nhà trọ để đi làm thì bị va quẹt té xuống đường, không đội mũ bảo hiểm, con trai chị mất tại chỗ, giữa vũng máu tràn đầy mặt đường.
Cố nén đau thương để lo đám tang cho con. Nhà 2 con 1 trai 1 gái giờ chỉ còn cô con gái sắp đến tuổi lấy chồng nên vợ chồng chị sinh thêm con để có người bầu bạn tuổi già. Cuối năm 2018, cậu nhóc kháu khỉnh, giống y chang ba chào đời là niềm an ủi, động viên lớn của vợ chồng.
Chị Dung kể, sau vụ tai nạn của con, chồng chị ra đường đi chậm thật chậm, quan sát trước sau vì quá ám ảnh, sợ hãi. Nhưng trong một lần đi chợ về, cũng trên QL50 cách nhà chừng 1km, anh bị một nam thanh niên phóng nhanh tông trúng. Người này sau đó cũng thừa nhận mình “nhắm mắt nhắm mũi” chạy xe.

Niềm động viên, an ủi duy nhất của chị lúc này là cậu con trai giống hệt cha

Ảnh: Vũ Phượng

“Tôi tới nơi thấy ổng nằm bất tỉnh, chảy máu miệng nên đưa đi viện cấp cứu, trên đường đi còn nghĩ ổng bị vầy chắc nằm viện 1 – 2 tháng, vái thằng con phù hộ cho cha nó. Vậy nhưng tới Bệnh viện Chợ Rẫy họ nói chết não rồi, đưa giấy báo tử cho về. Trời đất quay cuồng, tôi không tin là vừa mất con, nay lại mất chồng cùng vì tai nạn giao thông, cùng trên một tuyến đường, quá đột ngột”, chị đau đớn chia sẻ.
Người tông vào chồng chị là một thanh niên 20 tuổi, cha mẹ chia tay, mẹ đi tù, đang ở với cậu dì nên chị xin bãi nại để người này đi làm kiếm tiền nuôi em. Số tiền bồi thường vừa đủ lo đám tang, chị nghĩ tiền bạc hay cậu thanh niên kia ngồi tù thì cũng không trả lại được cho chị hạnh phúc gia đình nên không đòi hỏi gì thêm.

Nhiều khi muốn gục ngã, bỏ cuộc nhưng vì con trai, chị Dung lại gắng gượng

Ảnh: Vũ Phượng

“tai nạn giao thông làm cả gia đình chia ly hết, không biết kiếp trước tôi làm gì mà kiếp này chịu nghiệp lớn như vậy. Nhiều khi chán nản, hoang mang cuộc sống lắm, chồng con như máu thịt của mình vậy. Nhưng giờ còn thằng nhỏ, nó giống cha như đúc là điều động viên duy nhất để tôi vực dậy”, chị bộc bạch.

Phải đứng lên mà sống tiếp

Ngày chị làm đám tang cho chồng, hàng xóm đến thăm hỏi, động viên chị rất đông vì cũng không ai ngờ rằng, chị có tới cả 2 người thân cùng mất vì tai nạn giao thông. Suy sụp tinh thần, cả ngày chị nhốt mình trong nhà trọ, cậu con nhỏ được người bác (chị ruột của chồng) ở gần bên chăm lo giúp.
Hằng ngày, chị mua cà phê, nấu cơm cúng chồng, nhìn di ảnh anh cười hiền, chị nói: “Đây là ảnh chụp hôm đám cưới con gái, 1 tháng trước ngày ổng mất. Ổng lo gả con đâu đó rồi mới đi, cũng như trời tính”. Rồi đúng 1 tháng sau ngày chồng mất, chị trở lại công việc làm thuê ở chợ đầu mối Bình Điền.

Còn đau khổ nào hơn khi hằng ngày vẫn phải đi qua đoạn đường mà chồng, con cùng nằm xuống

Ảnh: Vũ Phượng

Mỗi ngày tự chạy xe đi làm, đi qua đoạn đường con trai và chồng nằm đó, lòng chị như thắt lại, nước mắt cứ vậy chảy dài, nhưng nghĩ đến con trai út, chị không cho phép bản thân được sống theo cảm xúc của mình.
Ở nơi làm, chị lao vào công việc để quên đi mọi ưu phiền. Về nhà, chị vừa làm cha vừa làm mẹ, bù đắp những điều tốt đẹp nhất cho con trai của mình. Mọi đau thương dần dần nguôi ngoai bằng tình cảm chị dành cho con, những giây phút mẹ con chơi đùa cùng nhau.

Cậu bé hơn 2 tuổi chưa thể hiểu rằng cả cuộc đời này đã vĩnh viễn mất cha

Ảnh: Vũ Phượng

Cậu bé hơn 2 tuổi đi đâu được ai cho gì cũng mang về đặt lên bàn thờ ba bập bẹ: “Cúng ba”, “Ba đi làm xa” rồi đôi khi lại hỏi "Ba đâu" khiến chị vừa thương, vừa thấy tội con. “Đi làm thì không sao, về đến nhà là thấy nhớ ổng. Tối ngủ mơ thấy ổng về hoài, ổng còn nói “anh đi tu mà em buồn cái gì”, còn con trai thì rất lâu rồi không mơ thấy nó nữa. Người ta nói không mơ thấy nữa thì họ đã đi tái sinh rồi, tôi cũng cầu vậy cho nó vào nhà giàu để đời bớt khổ cực. Tôi cảm thấy được an ủi phần nào, cố gắng vì hiện tại”, chị Dung chia sẻ.
Không còn chỗ dựa của mình, nhưng chị phải làm chỗ dựa cho con, từ đó chị tự đứng lên, tự mạnh mẽ để có sức đi làm nuôi con. Mỗi đêm bán hàng ở chợ đầu mối, chị được trả công 300 ngàn đồng, ban ngày ở nhà lo cúng cơm cho chồng, chăm con.
Nhiều lần chị tính chuyển đi nơi khác ở để thoát khỏi nỗi ám ảnh trên QL50, nhưng đi nơi khác thì không có người thân chăm con giúp nên chị chọn cách ở lại, đối diện với chính những nỗi đau để bản thân trở nên mạnh mẽ.

Chị ruột không kìm được nước mắt khi nhớ về vụ tai nạn của em trai và cháu ruột

Ảnh: Vũ Phượng

Bà Nguyễn Thị Thơm (49 tuổi, chị chồng chị Dung) cũng chia sẻ, lần lượt cháu rồi đến em trai mất vì tai nạn giao thông khiến cả gia đình ám ảnh, không dám ra đường. Mỗi lần có việc kẹt lắm mới ra đến QL50, nhưng đến chỗ gần chợ nơi em chị mất thì phải nhờ người dắt qua đường.
Bà Thơm chia sẻ: “Không ai ngờ tai nạn lại có thể xảy ra với 2 người trong gia đình. Con gái lớn thì đi lấy chồng về Cần Thơ rồi, thương nhất là vợ nó với thằng con nhỏ, hai mẹ con lủi thủi vậy, nó nhỏ xíu đã không còn cha. Tối mẹ nó đi làm tôi cho ngủ nó kêu ba ba suốt, thương lắm. Mong mọi người chạy xe cẩn thận để không gia đình nào phải chịu những đau đớn như gia đình tôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.