Nỗi đau

09/07/2017 12:11 GMT+7

Em là cô bé có gương mặt sáng. Câu chuyện về bố, với em là những quá khứ hằn vệt roi trong ký ức. Bố làm ăn thất bát, bố rượu chè, bồ bịch, bố dã man như hung thần đánh con gái đang tuổi lớn nổi vằn vện cả lươn.

1. “Mẹ em hy sinh nhiều cho em, mẹ ốm em còn chăm chứ mai mốt tới lượt bố bệnh nằm một nơi đó thì tự thân bố bố lo. Em không chăm bố, bố cũng không có quyền trách…”.
Nghe em nói ra điều ấy không khỏi khiến tôi rùng mình. Hạnh phúc cho ai còn có bố mẹ, mà mẹ mất rồi, em chỉ còn bố.
Em là cô bé có gương mặt sáng. Câu chuyện về bố, với em là những quá khứ hằn vệt roi trong ký ức. Bố làm ăn thất bát, bố rượu chè, bồ bịch, bố dã man như hung thần đánh con gái đang tuổi lớn nổi vằn vện cả lươn. Hồi đó, em mới lớn, ương ngạnh cãi lại bố, bố không nói lại được, buông những lời xúc xiểm: “Thứ con cái mất dạy như mày mai mốt lớn chỉ đi làm đĩ”. Như vậy, bố chẳng có quyền đòi hỏi gì ở em.

tin liên quan

Con cái thất vọng khi bố mẹ mải dùng điện thoại
Việc ba mẹ luôn tay luôn mắt với chiếc điện thoại đang để lại hình ảnh xấu trong mắt trẻ nhỏ. Bằng chứng là hơn 30% trẻ được khảo sát cho biết chúng muốn ba mẹ hãy đặt điện thoại xuống để nói chuyện với các con.
Em là một trong những tác giả trẻ được đánh giá có vài tác phẩm sâu sắc. Và để có những câu chuyện ấn tượng, bố là một trong những “cảm hứng” của em. Em kể một ông bố giống y bố mình từ A đến Y. Cái phần Z thì không giống, phần Z ấy, bố em mạnh khỏe, còn ông bố trong truyện bị tai biến ngồi một nơi, cô con gái đi qua đi lại nói, đó, quả báo đó. Người đọc, biết hoàn cảnh nhà em, biết ông bố trong truyện và ông bố ngoài đời khác nhau chỉ một gang tay, sửng sốt tự hỏi, viết thế khác chi trù ẻo ông bố tội nghiệp?
Tác phẩm của em viết về bố khiến bố em ở quê đau đầu, chảy nước mắt vì họ hàng, hàng xóm vô tình đọc được, đưa qua cho bố xem. Họ hỏi, sao con bé viết vậy? Bố chẳng biết trả lời ra sao, chỉ nước mắt chảy ngược vào trong, chảy xuôi ra ngoài.
Mà bố chẳng phải là “vật tế thần” duy nhất trong tác phẩm của em, gia đình nhà bác, nhà ông… hết thảy lần lượt đều được em “để bút” tới. Ai đó khuyên em đừng như vậy nữa chứ, thương lấy những người gần mình nhất đi em. Em gằm gằm đáp: “Đạo đức giả vừa thôi. Người ta có thương em đâu? Ai đối xử ra sao sẽ nhận về như thế”.
Mà em à, em có biết không, khi em đi ăn tối ở Sài Gòn, đi qua đường chểnh mảng bị giật bay cái bóp. Bố em đếm từng giờ khắc chờ trời sáng để chạy ra ngân hàng chuyển tiền cho em tiêu. Bố thắc thỏm nhắc hoài, sao mãi trời chưa chịu sáng, sao ngân hàng mở cửa trễ thế, rồi con bé lấy tiền đâu mà tiêu…
Mà tiền ấy đâu ra? Tiền ấy là của ông bố già ngoài 60 hàng ngày lụi hụi chở xe than tổ ong đi bỏ mối, ngồi còng lưng vỉa hè vá từng chiếc xe bể lốp ở quê gửi cho con gái U.30 đấy. Hỏi vậy thôi, chứ những chuyện đó em biết hết mà, chỉ có điều, em chẳng muốn nhớ, chẳng muốn nhắc. Em cứ muốn nhắc hoài tới những trận đòn ngày bé, dù đã hơn 20 năm rồi.
2. Tôi gặp Huệ trong một mái ấm nằm sâu trong một con hẻm ở Sài Gòn. Em và những bè bạn của em nơi đây là số rất ít trong rất nhiều nhân vật tôi gặp mà không biết trước một thông tin gì hoặc chỉ biết sơ sơ chút ít. Huệ là một trong ba chị em gái từng phải trải qua cơn ác mộng có thật ngay trong gia đình mình. Ba chị em Huệ từng phải chịu làm nô lệ tình dục cho chính ba mình khi chưa dậy thì.
Tôi đến gặp Huệ trong tâm trạng nặng trĩu, có cả sự ám ảnh. Huệ ngồi bên những chị em, bè bạn. Những em gái đến từ nhiều vùng miền nhưng có cùng một nỗi đau bởi những người lớn gieo nên. Đôi mắt những cô bé ấy to, long lanh và buồn trĩu. Huệ nói với tôi, chị biết không, em có kinh nghiệm rồi. Thời gian sẽ khiến vết thương lành da. Vết thương sẽ để lại thẹo. Nhưng nếu mình nhìn vào những mặt tích cực bên cạnh nỗi đau, mình sẽ không e ngại vết thẹo, thậm chí thấy nó chẳng đáng quan tâm.
Lần đầu tiên tôi nghe một cô bé tuổi 18 nói về mặt - tích - cực - bên - nỗi - đau. Đó là thế này: Sau bi kịch gia đình, ba mẹ em phải vào tù. Em vào mái ấm. Từ mái ấm, mấy chị em được tiếp tục đi học, được các cô bác, anh chị quan tâm. Đôi khi em còn thấy chính từ nỗi đau ấy, mấy chị em em mới mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn. Dám chấp nhận một nỗi đau như thế thì sẽ không có nỗi đau hay bất hạnh gì khác khiến em ngán ngại, sợ hãi.
Mấy chị em Huệ được một gia đình Mạnh Thường Quân ở Mỹ thương, đón qua đó học nghề. Đối với ai đó, qua Mỹ học nghề nail hay nghề gì đó thì chẳng có gì đáng khoe, đáng vui nhưng với những số phận mà tôi gặp, đó thực sự là sự đổi đời. Huệ cười trong veo: “Em vẫn nghĩ, nếu em không vào mái ấm, không phải trải qua những bi kịch ngày xưa thì hôm nay em vẫn là con bé Huệ bán hàng rong đen nhẻm ven sông”.
Những đứa nhỏ trong mái ấm cũng háo hức theo. Chúng nói với tôi rằng sẽ cố gắng học tốt hơn, để sống xứng đáng với tình yêu mọi người sẻ chia với nỗi đau của chúng. Và sẽ có thể có những cơ hội quý báu như của chị em Huệ đến với chúng.
“Có một lần mất mát mới thương người đơn độc… Qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về…” Câu hát trong ca khúc Đời đá vàng của Vũ Thành An tôi vẫn thường nghe, nhưng lần này tôi nghe với một cảm giác thật thấm, thật thương. Trong cơn mưa chiều, tôi tin những ngày nắng đẹp sẽ đến với những cô gái hồn nhiên như thế.
Những khổ đau, mất mát dường như vẫn tồn tại song hành với niềm vui, hạnh phúc, và mình chẳng dại gì mà không chọn niềm vui, phải không, em của tôi ơi?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.