Những thư viện đặc biệt

30/01/2010 00:39 GMT+7

Đây không phải là những thư viện của trường học, cơ quan... mà là những thư viện do người dân tự nguyện lập nên, cho cộng đồng được vào đọc sách, báo miễn phí.

Thư viện tư nhân Hưng Phúc ở phường Đồng Mai, Hà Đông là do anh Trần Văn Chín thành lập, phục vụ miễn phí cho những người dân tại đây.

Từ năm 2005, ngôi nhà hai tầng khang trang, rộng rãi của gia đình được anh chuyển thành những phòng đọc miễn phí cho người dân trong làng, xã.

Thư viện này có tổng số hơn 4.000 đầu sách các loại từ các sách về giáo dục, văn hóa, tư tưởng đến các loại sách khoa học - kỹ thuật, truyện tranh thiếu nhi, từ điển và kể cả một số sách tiếng nước ngoài...

Tại đây còn lưu giữ nhiều đầu sách quý được xuất bản vào thế kỷ 19, những năm đầu thế kỷ 20. Một số cuốn hiện nay trong Thư viện Quốc gia cũng khó tìm được.

Với số lượng đầu sách lớn như vậy nhưng việc sắp xếp, phân chia các loại rất quy củ, chặt chẽ. Phòng đọc “bình dân” tầng 1 có gần 3.000 đầu sách phổ thông phục vụ nông dân và thanh - thiếu nhi trong làng, xã. Còn tầng hai là nơi dành cho những người “hiếu học, ham đọc sách” (lời anh Chín - PV), với hơn 1.000 đầu sách, trong đó có nhiều loại sách quý. Các phòng đọc ở đây có nước uống miễn phí phục vụ cho người dân đến đọc sách.

Trả lời về nguyên nhân thành lập thư viện, anh Chín cho biết: “Trước mình chỉ sưu tập để đọc, nhưng sau này khi trở về thấy dân quê mình nghèo tri thức quá, mà sách của mình muốn phát huy hết tác dụng thì phải có nhiều người đọc, người làm theo. Vì vậy mình quyết định mở thư viện”.

Sau hơn 4 năm mở cửa, thư viện anh Chín đã thu hút hàng ngàn bạn đọc, giúp nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. “Chính nhờ những cuốn sách trong thư viện của gia đình chú Chín mà em đã thi đỗ vào đại học mà mình mong muốn”, Nguyễn Hương Giang (sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Đà Lạt) tâm sự.

Thư viện làng

Khác với thư viện của anh Chín, thư viện thôn Bình Vọng (Văn Bình - Thường Tín) được đặt ngay tại nhà văn hóa, với hai phòng đọc và kho sách cũng được phân chia rõ ràng, với hơn 6.000 đầu sách, báo. Đặc biệt thư viện còn có hai tủ sách về đạo đức Bác Hồ và thơ - bình luận thơ, với những cuốn sách có giá trị.

Thư viện này được thành lập từ năm 1999 với những người điều hành chủ yếu là các cụ cao tuổi và một số đoàn viên. Tất cả những người tham gia vận hành thư viện đều làm việc với tinh thần tự nguyện là chính. Mặc dù vậy, công tác tổ chức, hoạt động của thư viện rất chặt chẽ, linh hoạt để phục vụ bạn đọc một cách tốt nhất.

Hàng ngày, buổi chiều từ 14 giờ 30 đến 17 giờ 30, các thành viên trong thư viện lại phân công nhau mở cửa đón bạn đọc trong thôn, trong xã và các vùng lân cận. Khách đến đây chỉ cần nói tên sách với cô thủ thư (một cô giáo về hưu tình nguyện làm - PV) sẽ được nhanh chóng đáp ứng. Ngoài việc đọc tại chỗ, thư viện còn cấp thẻ mượn sách miễn phí cho bạn đọc, mượn sách về nhà trong thời gian quy định là 7 ngày.

“Để có được thư viện như ngày hôm nay chính là nhờ vào sự đóng góp rất lớn của các cụ cao tuổi trong thôn, kèm theo đó là sự giúp đỡ của chính quyền và các cháu đoàn viên trong việc ủng hộ, phát động, kêu gọi quyên góp các loại sách, báo. Thư viện ra đời đã thực sự là một điểm sinh hoạt hữu ích cho người dân, đặc biệt là các cháu học sinh”, ông Lưu Kim Thiệu - Phó chủ nhiệm thư viện chia sẻ.

“Trước chúng tôi ở xóm nào biết xóm đấy, nhưng nay có thư viện, ngoài việc có nơi đến đọc sách, báo nắm tin tức chúng tôi còn có dịp trò chuyện với nhau, bàn luận các vấn đề với nhau, giúp tăng tình đoàn kết xóm làng. Các cháu học sinh có chỗ để học tập, đọc sách, bớt đi chơi bời, lêu lổng sau giờ học”, ông Trần Đình Lan (một người dân thôn Bình Vọng) tâm sự.

Thành Chung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.