Những thiên thần bị bỏ rơi: Tiếng gọi mẹ của cậu bé chào đời trong toilet

Hoài Nhân
Hoài Nhân
09/10/2018 12:16 GMT+7

Con chỉ được tìm mẹ bằng vỏn vẹn 3 lá thư. Cho đến lúc lá thư cuối cùng không có ai hồi đáp, con biết mẹ đã quên mất rồi…

Đêm 15.7, con đã đủ khỏe đủ mạnh để không phải nằm trong bụng mẹ nữa. Con quẫy đạp lung tung, đòi mẹ để chui ra. Con nôn nao! Thế giới bên ngoài chắc nhiều điều thú vị lắm, giống như lời mẹ thủ thỉ hằng đêm.
Đón con chắc là những chú bác sĩ, cô y tá, trong căn phòng nồng mùi thuốc của bệnh viện. Con định sẽ khóc thật to, thay lời thông báo cho mẹ biết là con khỏe mạnh lắm. Với lại, biết đâu ba đang ở ngoài hành lang mong ngóng con, nên con cũng muốn báo cho cả ba biết nữa. Nhưng sao con lại có cảm giác không bình thường, vì mẹ cứ liên tục đứng ngồi lạ lắm.
[VIDEO] Những thiên thần bị bỏ rơi
Thực hiện: Hoài Nhân
Sau một hồi vùng vẫy, con cũng rời bụng mẹ. Con hé mắt nhìn mẹ ngay, nhưng chỉ có mẹ nằm đó đau đớn, không có một cô chú bác sĩ nào. Không phải ở bệnh viện, cũng không có ai đưa tay đỡ lấy con.
Một vài giây, ánh sáng bên ngoài làm con chói mắt. Sàn gạch làm con lạnh. Con cất tiếng khóc đầu đời. Sau đó rất lâu, có tiếng ai đó xôn xao…
 
Đến nay, đã gần 3 tháng, nhưng con vẫn không thấy mẹ đâu. Lá thư thứ 3 đã được các cô chú ở bệnh viện gửi về mẹ, nhưng đổi lại vẫn là sự im lặng. Mỗi bạn nhỏ vào khoa Sơ Sinh, có hoàn cảnh như con, sẽ được bệnh viện liên hệ mẹ đón về, thường bằng những lá thư vì thông tin để lại quá mỏng manh. Đến lần thư thứ 3, nếu vẫn là sự im lặng, con biết mẹ đã quên mất rồi…
“Nhà” của tụi con là phòng Tiêu Chuẩn 2. Đây là căn phòng của những đứa trẻ đã qua giai đoạn phải chăm sóc đặc biệt, đang hồi phục khả quan nhất. May mắn là 8 người bạn cùng tuổi con, không ai đón về giống như con, giờ đây đều nằm trong căn phòng này.
Tụi con không có mẹ đón về, nhưng lại được chăm sóc bởi nhiều người “mẹ”. Đó là cô Hồng điều dưỡng, cô Tiên bác sĩ,… Các cô chăm sóc tụi con hệt như những bạn khác, nhiều khi còn có phần ưu ái hơn một chút, vì dù sao cạnh bên những bạn đó cũng có mẹ, có ba, có ông bà bồng bế. Thỉnh thoảng, các cô lại đem đâu đó vài ba món đồ chơi xanh đỏ cho tụi con. Đứa nào cũng mê!
Nằm hai bên con là hai bạn nữ N.T.K.Thúy và bạn T.T.Hạnh. À, đó không phải là tên tụi con. Các bạn bình thường chào đời sẽ được ba mẹ gọi bằng những cái tên đặt trước từ lâu lắm. Còn tụi con ở đây đều mang tên mẹ, mãi cho đến lúc hồ sơ được chuyển cho các chú công an. Các chú sau khi tìm cách liên hệ với mẹ từng đứa thêm nhiều lần nữa mà vẫn không có phản hồi, sẽ làm khai sinh và đặt tên cho tụi con.
Bạn Thúy và bạn Hạnh xinh đẹp lắm, bụ bẫm và trắng hồng. Bạn Thúy nhỏ hơn con nửa tháng tuổi, chào đời ngay tại bệnh viện Hùng Vương luôn. Nhưng đến khi mẹ Thúy khỏe thì lại bỏ về... và không quay lại nữa. Bạn ấy uống sữa khỏe lắm nên mau lớn. Sáng nay cô Hồng ẵm bạn ấy đi cân, xong cô trầm trồ: “Chà chà, nay lên 4 kí rưỡi rồi công chúa”.
Còn bạn Hạnh hơn con nửa tháng tuổi thì phải sinh non. Lúc chào đời, bạn ấy chỉ mới có 32 tuần, nặng 2 kg. Ngoài ra còn có bạn V.T.T.Trang, L.T.Hồng, N.T.B.My cũng sinh non. Bạn My còn sinh rớt trên đường đi. Sau khi nhập vào bệnh viện Quốc Ánh thì được về chung “nhà” với tụi con.
“Nhà” tụi con có đến 30 bạn. Các bạn khác có ba mẹ, ông bà vào chăm bẵm, nói chuyện mỗi ngày. Con cũng hay nghểnh cổ nhìn ra cửa, biết đâu lại trông thấy mẹ vào đón con, ôm con vào lòng. Nhưng con không buồn, vì cũng có các cô chú điều dưỡng, bác sĩ thủ thỉ, kể chuyện cho con nghe. Cũng thỉnh thoảng thôi, vì mỗi ngày chỉ có 2 cô chú trực, trong khi phòng con có tới 30 bạn.
Con nghe bác sĩ Tiên nói, vừa qua có 4 bạn bị bỏ rơi đã được mẹ vào đón về. Cô vui lắm. Cô mong tụi con cũng vậy, vào một ngày không xa.
Con mến nhất là cô Hồng. Cô làm điều dưỡng ở đây đã 14 năm rồi. Cô vẫn hay kể chuyện này chuyện kia cho tụi con nghe mỗi khi cô rảnh. Cô cứ nhắc đi nhắc lại câu chuyện về một anh nào đó, vì cách đây đã 4 – 5 năm nên cô không nhớ được tên. Anh ấy sinh non, đến nỗi chưa nặng tới một kg, lại bị tật đầu nhỏ. Gia đình anh quyết định… không nuôi nữa. Ấy thế mà được các cô chăm sóc, anh lớn nhanh và khỏe mạnh bình thường.
Cô bảo, vì phải theo dõi sức khỏe anh đến 4 tháng, nên anh là đứa trẻ lớn nhất trong phòng, lại rất lanh. Thế là “ỷ lớn hiếp nhỏ”, ngày nào anh cũng thò tay qua giường giật áo, kéo tay hai bạn nằm bên khóc í ới. Vậy là cô phải dời anh qua nằm kế bàn của cô, cách xa các bạn để không nghịch nữa. Rồi cũng đến ngày anh phải chuyển về các mái ấm. Hôm anh đi, các cô ai cũng quyến luyến rờ tay, vuốt chân. Anh là một đứa trẻ có sức sống vô cùng mạnh mẽ.
8 đứa tụi con, đã ở đây đủ tháng đủ ngày, đủ khỏe mạnh để bắt đầu một cuộc sống mới. Vài hôm nữa, khi hồ sơ hoàn tất, tụi con sẽ phải rời “nhà” chung này để đến một nơi khác. Đó là các mái ấm, trại mồ côi, cũng sẽ là “nhà”, chỗ nương náu của những đứa trẻ chào đời đơn độc như tụi con.
Còn mẹ đang ở đâu? Nhà mình ở đâu?
Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Hồng (khoa Sơ sinh, Bệnh viện Hùng Vương) cho biết, tính đến đầu tháng 10.2018, bệnh viện đã tiếp nhận tổng cộng 28 trường hợp trẻ bị bỏ rơi. Trong đó có 4 trẻ đã được người thân nhận lại, 16 trẻ đã hoàn thành thủ tục và chuyển về các mái ấm, trại trẻ mồ côi, làng S.O.S,… trên địa bàn thành phố, còn lại 8 trẻ đang được chăm sóc tại bệnh viện. So với toàn năm 2007 là 12 trẻ, con số này đã tăng vọt.
“Các bé bị bỏ rơi trong rất nhiều hoàn cảnh, như mẹ sinh tại các bệnh viện, sinh rớt trên đường, sau khi khỏe thì không quay lại, hoặc người dân nhặt được trẻ và bàn giao cho bệnh viện. Một số trẻ có dị tật, phơi nhiễm HIV, hội chứng down, não úng thủy,… nhưng sau khi được điều trị, theo dõi tại bệnh viện thì hồi phục bình thường, nhưng vẫn không có người thân đến nhận lại”, bác sĩ Bùi Thị Thủy Tiên (Trưởng khoa Sơ Sinh, Bệnh viện Hùng Vương), cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.