Những ông bố lóng ngóng sau chiếc lồng kính của con

30/04/2016 09:36 GMT+7

'Ở đây mãi cũng mệt, mỗi ngày chỉ nhìn con qua cửa kính 5-10 phút. Vợ ngày nào cũng gọi điện hỏi rồi khóc'.

Mỗi ngày vạ vật ngoài hành lang chờ gọi tên đưa con đi xét nghiệm là hình ảnh thường thấy ở bệnh viện Nhi đồng 2. Chờ ngoài cửa khoa sơ sinh đa phần là phụ nữ. Lác đác trong đó bóng dáng của những ông bố mong được ôm con.
Trẻ sơ sinh nuôi trong lồng kính thường do sinh non, bị các bệnh về tim và đường ruột là chủ yếu.
Mỗi người một nơi
Con nằm lồng kính, bố ngoài hành lang còn mẹ về quê là tình cảnh của anh Nguyễn Văn Thành (30 tuổi, ngụ tại Đaklak).
Con sinh ra đã được 2 tháng, hết nằm viện tỉnh rồi tới Sài Gòn nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Thành vẫn chưa được ôm con. Mới sinh ra bé đã mang trong mình nhiều bệnh nặng (viêm màng não, suy thận, suy tim, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm đường ruột) nên phải đưa vào lồng kính chăm sóc.
Mỗi ngày anh Thành đều nằm ngoài hành lang khoa sơ sinh bệnh viện Nhi Đồng 2, chờ gọi tên rồi mang con đi xét nghiệm như nhiều người cùng cảnh ngộ tại đây.
Anh Thành mệt mỏi:” Ở đây mãi cũng mệt, mỗi ngày chỉ nhìn con qua cửa kính 5-10 phút. Vợ ngày nào cũng gọi điện hỏi rồi khóc. Mà chẳng biết khi nào mới ra viện”.

Anh Nguyễn Văn Thành chờ con ở hành lang
Anh Nguyễn Văn Thành chờ con ở hành lang
Ngoài hành lang lầu 1 và 2, những người nuôi con trong lồng kính trải chiếu, võng, giường xếp la liệt. Do không làm xét nghiệm mỗi ngày mà tùy vào thể trạng của trẻ nên ngày nào có bác sĩ gọi thì đưa con đi xét nghiệm. Luôn phải chờ vì sợ có trường hợp khẩn cấp.
Cùng hoàn cảnh như trên, anh Nguyễn Phúc (27 tuổi, ngụ tại Bình Dương) cũng vất vả chờ ôm con. Vợ anh sinh đôi hai con đầu lòng nhưng một bé bị tim bẩm sinh phải nằm lồng kính. Vợ cùng một con được về nhà nghỉ cữ, anh ở lại Nhi Đồng 2 với bé còn lại chờ theo dõi.
“ Ngày đông người nên không sao, cứ đêm là buồn nhất. Nhớ con ở nhà và cả ở đây vì có được ôm con đâu” – anh chia sẻ.
Bên nuôi vợ, bên chăm con
Không phải xa cách về địa lí nhưng anh Hoàng Văn Chung (37 tuổi, ngụ tại Lâm Đồng) hơn hai tháng qua chật vật chạy qua chạy lại. Vừa chăm vợ mới sinh vừa lo cho con trong lồng kính.
Không chỉ nhớ con, nỗi lo cho tương lai của con còn làm những người làm cha, làm mẹ phải bận tâm nhiều hơn. Anh Chung nói: "Bác sĩ nói, về sau cháu cũng sẽ chậm hơn những trẻ khác, cái gì cũng chậm hơn. Giờ ở bệnh viện ăn uống cũng hạn chế, lo lắng công việc ở nhà rồi tiền bạc nữa”.
Những người đàn ông trụ cột của gia đình ở đây trông vô cùng bận rộn. Sáng sớm vội vã mang cơm cho vợ rồi giặt giũ. Xong là nhanh chóng có mặt ở phòng sơ sinh chờ thăm con. Khuôn mặt đầy mồ hôi, tay không hộp cơm thì bình nước nóng. Tất bật suốt cả ngày.
Mỗi ngày ở bệnh viện sẽ phát cơm từ thiện hai lần. Những ông bố lại tất tả chạy xuống xin cơm, đêm thì ngủ luôn ở hành lang. Đến chiều mọi người lại vội vã đẩy giường xếp, kéo đồ đạc lỉnh kỉnh qua lại cho các cô lao công tại bệnh viện dọn vệ sinh.
Mẹ sinh con, chăm con đã vất vả, hình ảnh những ông bố trông con nhìn càng vất vả hơn. Trong bệnh viện không thiếu cảnh những ông bố ôm con bệnh, dỗ con ăn hay nhìn con chơi. Sinh con không chỉ mẹ mà bố cũng vất vả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.