Những nữ 'chiến binh' khu dân cư Ehome 4 bị phong tỏa: Tạm gác chuyện gia đình

11/02/2021 13:31 GMT+7

30 Tết, người dân khu dân cư Ehome 4 bị phong tỏa phòng dịch Covid-19 lẫn lộn nhiều cảm xúc ở thời khắc chuẩn bị đón một cái Tết Nguyên đán đặc biệt nhất cuộc đời.

Giữa những ngày bị phong tỏa, nơi đây có những người phụ nữ vẫn thầm lặng làm công việc tự nguyện để giúp cư dân trong ngày cuối cùng chuẩn bị bước sang năm Tân Sửu 2021. Họ bỏ lại những công việc gia đình trong những ngày giáp Tết để làm cầu nối ấm áp đến với cư dân bị phong tỏa từ ngày 6.2, có khi đến kiệt sức.
Người viết cũng là một cư dân của Ehome 4 đang bị phong tỏa. Ngoài cảm nhận tình làng nghĩa xóm hỗ trợ nhau trong những ngày bị cách ly, hầu hết cư dân nơi đây đều thực sự cảm kích trước những người phụ nữ đêm ngày làm các công việc “không tên” chỉ để mang lại sự bình tâm, niềm tin cho cộng đồng cư dân Ehome 4 với một mong muốn: dịch bệnh qua mau để cuộc sống trở lại bình thường.

Vũ Phương Thu (trái) tiếp nhận những hàng hóa hỗ trợ cư dân Ehome 4

Giặc đến nhà, đàn bàn cũng đánh

Ngay sau khi khu dân cư Ehome 4 bị phong tỏa, Phạm Thị Kim Ngân, Trương Thị Hoa, Vũ Phương Thu và một số phụ nữ khác tạm gác chuyện gia đình chuẩn bị cho ngày Tết trong khu cách ly để tình nguyện lao vào “cuộc chiến” xóa nỗi lo dịch bệnh. Họ là những người từ tờ mờ sáng cho đến tối mịt đứng ra tiếp nhận những nhu yếu phẩm của chính quyền địa phương, mạnh thường quân ở bên ngoài và các cư dân trong khu phong tỏa để san sẻ cho hơn 1.000 hộ dân đang bị cách ly.
“Cuộc chiến” nghe có vẻ chẳng có gì đáng nói, nhưng khi chứng kiến sự vất vả của họ, ai nấy đều cảm mến. Bởi họ đều có gia đình, con cái và dĩ nhiên đều mong muốn cùng vui vầy bên nhau trong những ngày cận Tết trong hoàn cảnh đặc biệt này. Không phải nhiệm vụ bắt buộc và không hưởng một chế độ nào, nhưng những phụ nữ trên vẫn xông pha ra “chiến tuyến” với một mong ước duy nhất: góp một tay để cùng đất nước đẩy lùi Covid-19. Họ xem đó là niềm hạnh phúc lớn dù gia đình không mấy bằng lòng vì ngoài kia có biết bao nhiêu rủi ro, rất dễ nhiễm bệnh.
“Khi em nói sẽ tình nguyện ra làm chốt san sẻ nhu yếu phẩm cho cư dân Ehome 4, chồng không đồng ý vì rất dễ nhiễm Covid-19 khi 2 đứa con em còn nhỏ, ông bà lại có bệnh nền. Em phải cố giải thích rằng đây là thời điểm nhiều người cần mình, hơn nữa em còn làm bên ngành y. Góp sức được chút nào hay chút đó, rồi cuối cùng cũng được chồng động viên. Em cũng chuẩn bị sẵn va-li vì nếu mình có nguy cơ nhiễm Covid-19 thì sẵn sàng đến nơi cách ly tập trung. Em chỉ nghĩ rằng, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, chị Phương Thu chia sẻ.

Phạm Thị Kim Ngân trước đợt dịch Covid-19 bùng phát

Anh em nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất mắc Covid-19, chung cư đảo lộn cuộc sống

Phải đối phó với vài lời thị phi... 

Chị Ngân, một phụ nữ dáng người mỏng manh nhưng năng lượng dường như không bao giờ cạn. Từ ngày bị cách ly cho đến 30 Tết (tức ngày 11.2), chị là “nhân vật chính” kết nối giữa cư dân và chính quyền địa phương, đứng ra tiếp nhận những chuyến hàng hỗ trợ cho cư dân Ehome 4, với hàng tấn gạo, rau, củ, quả, cho đến hàng ngàn suất ăn cho cư dân, đặc biệt là trẻ em…
Chị Ngân cùng nhóm của mình tỉ mỉ phân chia, kêu gọi các hộ dân đến nhận hằng ngày, hằng giờ để họ có đủ nhu yếu phẩm trong giai đoạn bị cách ly. Mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày người phụ nữ 38 tuổi này kiệt sức vì vừa phân bổ hàng hỗ trợ, vừa trả lời thắc mắc, thậm chí phải đối phó với vài lời thị phi do không thể quán xuyến hết một khối công việc “khổng lồ”. “
Mình tình nguyện làm những công việc như vậy chỉ vì muốn chung tay cùng cư dân Ehome 4 an tâm vượt qua dịch bệnh. Niềm vui của họ là niềm hạnh phúc của mình, vậy thôi! Có nhiều khi mệt mỏi lắm, muốn buông bỏ vì mình đâu được giao trách nhiệm quá lớn như vậy. Là phụ nữ, giờ này năm ngoái, mình phải tất bật lo nhiều thứ trong gia đình, mua cho con một bộ đồ mới, chuẩn bị cho ba mẹ một số thứ để đón giao thừa”, chị Ngân nói với một nụ cười rất tươi hiện rõ trên khuôn mặt mà tôi cảm nhận được phía sau lớp khẩu trang.
Mỗi ngày trôi qua đối với Ngân rất nhanh, khi về đến nhà thì cũng sắp sửa sang ngày mới, mệt vùi, ăn vội chén cơm rồi gửi đi thông điệp cho thành viên trong đội ngày mai dậy sớm tiếp tục góp sức hỗ trợ cư dân.

Chuẩn bị phân phối rau cho cư dân Ehome 4

Quân đội khử khuẩn chung cư Ehome 4 – nơi ở của hai anh em mắc Covid-19

Cũng như chị Ngân, chị Hoa tình nguyện tham gia vào đội làm những công việc “không tên” ngay sau khi khu dân cư Ehome 4 bị phong tỏa. Hoa kể, vì là một thành viên ban quản trị trước đây của block C2 (tòa chung cư bị cách ly hoàn toàn), chị đảm nhận ngay mọi việc kết nối mà không suy nghĩ do hầu hết các thành viên trong ban đều bị đưa đi cách ly tập trung ở nơi khác.
Thay vì giải thích, chị Hoa động viên chồng mình cùng ra “chiến tuyến” dù gia đình đã chuyển ra sinh sống ở phía sau chung cư. “Từng chung sống cùng một chung cư, mình không nỡ ngồi nhà chứng kiến những hàng xóm thân thương trước đây đang gặp khó được. Mình chỉ nghĩ, nếu mình như họ thì sao?”, chị Hoa tâm sự.
Sáng sớm 30 Tết, nhóm phụ nữ khu dân cư Ehome 4 lại hẹn nhau ra chốt phong tỏa để nhận 400 phần cháo miễn phí cho các bé nhỏ đang bị cách ly. Họ vui cười, nói rôm rã dù vừa trải qua thêm một ngày làm việc mệt mỏi hôm trước. Tôi hỏi: “Các bạn có điều ước gì trong năm mới?”. Chị Hoa cho biết: “Mình chỉ ước tinh thần tương trợ lẫn nhau của người Việt Nam trong lúc khó khăn vẫn sẽ mãi như vậy, thì chẳng có gì không thể vượt qua. Đó là động lực cho tụi mình những ngày qua”.

Nhóm phụ nữ Ehome 4 lên kế hoạch

Nhóm phụ nữ Ehome 4 làm cà phê, trà sữa mỗi ngày tặng cư dân bị cách ly

Block C2, nơi bị cách ly hoàn toàn trong khu dân cư Ehome 4 bị phong tỏa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.