Những người "sống trong sợ hãi"

18/09/2006 22:47 GMT+7

Hầu hết người dân tại thị trấn Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) sinh sống bằng nghề dò tìm phế liệu chiến tranh. Cái nghề mà người ta đặt tên cho nó là "đông ri" (nghĩa là đi rông). Ruộng rẫy không, nghề nghiệp cũng không nên dù biết lưỡi hái tử thần treo lơ lửng nhưng vì mưu sinh, cái nghề đã trở thành nghiệp chướng đeo bám họ từ đời này đến đời khác.

Ký ức hãi hùng

Chuyện ông Nguyễn Văn Mộc, ở khối 8, thị trấn Đăk Tô đã trở thành "giai thoại" bởi ba lần bị bom nổ mà không chết! Lần đầu tiên, ông và một người bạn đào được một quả đạn pháo 105 ly chưa nổ, cả hai hì hụi ngồi tháo, cảm thấy khát quá mà nước trong bi-đông lại hết, ông đi xuống con suối gần đó để uống nước, mới đi một đoạn thì quả đạn phát nổ. Người bạn đi cùng ông tử nạn. Tuy may mắn thoát chết nhưng ông cũng bị đứt mấy khúc ruột vì mảnh đạn bắn trúng vào người. Lần thứ hai, ông và hai người cùng làm nghề "đông-ri" tháo một quả bom tạ, gỡ được kíp nổ thì chính cái kíp ấy phát nổ, một người chết, hai người may mắn sống sót trong đó có ông Mộc. Lần thứ ba, lưỡi "cúp" của ông đụng phải bom bi, quả bom phát nổ, hàng chục viên bi găm vào người, ông vẫn không chết! Nhưng di chứng của những vụ nổ đó thật khủng khiếp, cả khuôn mặt và hình hài của ông hiện bị biến dạng, chân tay co rút, sức khỏe mười phần hiện chỉ còn chưa đầy hai phần.

Cái chết của anh Hồ Văn Toàn ở khối phố 4, thị trấn Đăk Tô mà mới chỉ nghe kể sơ sơ tôi đã rùng mình kinh hãi. Ngày định mệnh đó cách đây gần hai năm, khi anh Toàn đào phải một quả bom lân tinh. Ngọn lửa quái ác từ quả bom ấy đã thiêu rụi thân thể, cướp đi sinh mạng của anh và nó chỉ bị dập tắt khi gia đình anh (theo sự mách bảo của người khác) mua rất nhiều bia đổ lên người nạn nhân. Đây không phải là trường hợp duy nhất ở khối phố 4 tử nạn vì nghề "đông-ri", người dân nơi đây còn chứng kiến tới 4 trường hợp khác đều là đàn ông trụ cột trong gia đình bị chết thảm vì nghề này...

Nghiệp chướng đeo đẳng

Theo những người đã xem nghề "đông-ri" như cái nghiệp của đời mình thì ở thị trấn Đăk Tô này, hiện tại vẫn còn hàng trăm người kiên trì "trụ hạng". Không ai trong nghề "đông-ri" ở thị trấn này biết người khai sinh ra nghề, nhưng hầu hết tất cả các khối phố đều có người bị khai tử vì nghề này. Trước đây, việc nhặt phế liệu để bán chỉ đơn giản ở xung quanh khu vực dân cư sinh sống. Khi nguồn phế liệu dễ tìm đó cạn kiệt, người ta mới bắt đầu đi đào phế liệu chiến tranh khắp các hang cùng ngõ hẻm. "Hồi đó cứ vào rừng là bom, đạn, phế liệu chiến tranh ngổn ngang, tha hồ đào, nhặt, nhưng nay thì kiệt rồi", anh Lê Chí Hải, một "đông-ri" có thâm niên trong nghề cho biết. Gia đình anh Hải đã có ba đời làm nghề "đông-ri": cha anh đã giải nghệ, anh tiếp tục theo nghề bố, đến nay, đứa con trai lớn của anh cũng đã nối nghiệp anh. Cũng như Hải, sau tai nạn khủng khiếp, biết không thể tiếp tục đùa giỡn với tử thần, ông Nguyễn Văn Mộc quyết tâm giải nghệ từ đó. Nhưng vì kế sinh nhai, hai đứa con trai của ông vẫn phải tiếp tục "nối nghiệp" ông...


"Đông-ri" và các phương tiện hành nghề - Ảnh: H.H - N.N

Dụng cụ của những người làm nghề "đông-ri" khá gọn nhẹ, gồm một chiếc "cúp" của công binh Mỹ (một loại dụng cụ đa năng), một bộ dò kim loại bằng cảm ứng từ được đặt hàng lắp ráp tại các tiệm điện tử dân dụng với giá từ 800.000 đến 1.500.000 đồng/bộ, một chiếc xe máy "chinh chiến đường rừng". Sáng sáng, họ lại "cơm đùm, mắm gói" rong ruổi trong rừng, tự đưa mình vào cuộc mưu sinh đầy mạo hiểm. Những trận địa, chiến trường khốc liệt trong chiến tranh như Tân Cảnh, đồi Sạc Ly, Bến Héc... lại là những mảnh đất màu mỡ cho nghề "đông-ri"!

Đổi đời từ... phế liệu

Khối phố 8 có 2 người chết; khối phố 2 có 2 người; khối phố 6 có 3 người; khối phố 4 có 4 người... còn số người bị cụt tay, cụt chân, chột mắt hoặc tàn phế suốt đời do nghề dò tìm phế liệu chiến tranh gây ra thì rất nhiều, chưa thống kê được. Đó là con số thống kê nhanh bằng cách bấm đốt ngón tay của một cán bộ UBND thị trấn Đăk Tô. Và con số này mỗi ngày một tăng... Đã đến lúc chính quyền các cấp nói chung và thị trấn Đăk Tô nói riêng nên có những biện pháp hữu hiệu để "khai tử" cái nghề nguy hiểm này.

Hôm chúng tôi đến thị trấn Đăk Tô là một ngày "vô mánh" của Lê Chí Hải, anh dò và đào được tới 11 ống liều phóng của một loại hỏa tiễn đất đối đất có đường kính cỡ 25 cm, mỗi ống nặng tới hơn 15 kg, đó là chưa kể mấy mảnh đồng khá nặng. Tổng cộng hôm đó, anh Hải kiếm được hơn 600.000 đồng. Ném cái ống liều phóng đã cân vào kho của vựa thu mua phế liệu, Hải cho biết: "Riêng về sắt vụn cũng có nhiều loại, nhưng "ngon" nhất vẫn là... bom". "Sao bom lại "ngon" nhất?", tôi hỏi. Người đàn ông này tỉnh rụi: "Vì bom không cồng kềnh, dễ chở mà lại đặc sắt. Giá của sắt bom cũng cao nhất, 3.000 đồng/kg".

Thu nhập đem lại từ nghề "đông-ri" là một hấp lực lớn. Bình thường, mỗi ngày trừ chi phí, mỗi người cũng kiếm được không dưới 50.000 đồng, đó là chưa kể những lúc gặp may. "Vô mánh" như Hải hôm nay cũng chỉ là cò con, nếu đào được bom tạ trở lên thì mới được xem là trúng đậm. Đang nói chuyện với Hải thì một "đông-ri" khác xen vào: "Nhiều đứa làm nghề này còn đào được cả xác xe tăng, xác máy bay đấy. Gặp được những thứ đó coi như đổi đời".

Tổ 12, khối phố 4, thị trấn Đăk Tô còn được gọi là xóm "đông-ri" bởi xóm này có tới 90% số hộ đã từng hoặc hiện vẫn gắn bó với nghề "đông-ri". Nghề "đông-ri" đã từng nuôi sống gần cả trăm gia đình ở đây... Anh Bùi Xuân Giới, khối trưởng khối phố 4 cho biết: cũng đã có nhiều người may mắn đổi đời từ nghề này. Họ kiếm được chút vốn liếng và lập tức giải nghệ, tậu vườn, rẫy hoặc tìm một công việc khác ít nguy hiểm hơn để mưu sinh.

V.D

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.