Những người lặn 50-60 mét dưới đáy sông bật mí chuyện vớt ghe tàu lật mưu sinh

02/10/2017 09:40 GMT+7

Dù phải đối mặt với nhiều rủi ro, nhưng những người sống bằng nghề lặn dưới đáy sông để vớt xác tàu chìm, mò phế liệu, bắt cá... vẫn chấp nhận bởi đó là kế sinh nhai.

Dọc các con sông ở miền Tây Nam bộ có nhiều nơi mực nước sâu, dòng chảy xiết khiến tàu bè thường xuyên gặp nạn. Bên cạnh đó, nguồn thủy sản ở đây rất phong phú nên nhiều người sống ven sông dần hình thành nghề lặn sông kiếm sống.
 
Ông Tùng có gần 32 năm làm nghề lặn sông đang xuống nước Ảnh: Phạm Hữu

Có cái gì cũng lặn
Phía dưới tối om, lặn xuống chỉ có lần mò thôi chứ không thấy gì. Người ta nói dưới sông có ma da, cá sấu nhưng tôi có thấy gì đâu
Ông Trần Thanh Dũng  (52 tuổi, biệt danh Tùng lặn)
Những thợ lặn thường hoạt động độc lập hoặc theo nhóm. Do vậy công việc của họ đa phần giống nhau, khác chăng là trải nghiệm ở những lần lặn sâu. Trong lần theo chân một nhóm thợ lặn ở Bến Tre đi trục vớt ghe, chúng tôi mới thấy được công việc lao động tận đáy sông như thế nào.
Nhóm lặn có 5 thành viên gồm các ông Hùng, Hải, Hiếu, Luận và ông Nguyễn Thanh Dũng (52 tuổi, biệt danh Tùng lặn) làm đội trưởng.
Ông Tùng lớn tuổi nhất với gần 32 năm kinh nghiệm. Nhóm của ông thường lặn ở khu vực sông Hàm Luông và kéo dài đến khu vực H.Bình Đại.
Ông Tùng cho biết ông không rõ nghề lặn sông có từ khi nào, chỉ biết rằng đã có rất lâu và được truyền từ đời này sang đời khác. Ngay từ lúc nhỏ, ông đã theo cha lênh đênh lặn ngụp khắp các con sông ở Cần Thơ rồi lưu lạc về Bến Tre. Dần dần ông học được cách lặn xuống đáy sông. Để có thể lặn sâu, phương tiện hành nghề của dân lặn rất đơn sơ, chỉ là chiếc ghe nhỏ, máy hơi và ống dây thở. Tuy nhiên, kỹ năng lặn mới là điều quan trọng nhất. Ngoài việc bơi lội giỏi, muốn lặn được sâu nhất, mỗi người thợ phải có sức vóc và độ gan lì nhất định mới có thể ở lâu dưới lòng sông.
Nghề lặn đầy vất vả và nguy hiểm Ảnh: Phạm Hữu
“Cái nghề này đều chỉ dạy bằng miệng, không hề qua sách vở. Khi lặn quen rồi thì dễ lắm, muốn lặn đầu hay chân xuống trước thì tùy mỗi người. Riêng sức tôi, muốn lặn ở dưới nước bao lâu thì muốn, chừng nào thấy lạnh quá thì trồi lên. Cảm giác khi lặn xuống sông cũng bình thường, không có gì đáng sợ. Phía dưới tối om, lặn xuống chỉ có lần mò thôi chứ không thấy gì. Người ta nói dưới sông có ma da, cá sấu nhưng tôi có thấy gì đâu”, ông Tùng chia sẻ.
Chỉ tay về hướng con sông Hàm Luông, ông Tùng cho biết thêm: “Tụi tôi ở đây lo vớt chiếc ghe chở gạch bị chìm 4 ngày rồi. Chút nữa tôi lặn xuống vớt gạch cho hết rồi ngày mai kéo ghe lên. Mà muốn xác định chiếc ghe chìm ở đâu, phải căng dây ở hai chiếc ghe vừa kéo vừa dò. Nếu dây rà vướng lại thì lặn xuống khảo sát rồi thả neo đánh dấu. Kế đến cột dây vào ghe rồi bơm hơi vào thùng phuy cho ghe từ từ nổi theo”.
Sau giờ nghỉ trưa, ông Hùng mở máy hơi rồi cùng ông Hiếu tiến về phía đầu ghe, lấy dây hơi quấn quanh người, ngậm đầu dây vào miệng rồi nhảy xuống nước mất hút. Thoáng trong phút chốc, mặt nước sủi bọt ùng ục, ông quạt tay trồi lên với mớ gạch vớt được.
Không những lặn trục vớt ghe tàu, ông Tùng còn lặn bắt tôm cá và mò phế liệu ở đáy sông. Ông nói mục đích lặn tuy khác nhau nhưng hoàn toàn giống nhau về cách lặn. Mấy chục năm mưu sinh bằng nghề lặn, ông Tùng am hiểu rất nhiều về đáy sông. Chỉ cần nhìn ven bờ có vết lở là biết ngay nơi đó có thể thả lưới chùm gốc.
“Khi xác định được một gốc dừa, gốc đá là tôi thả lưới, xong lặn xuống dằn chài lại, lùa cá tôm rồi gom chài lên kéo từ từ”, ông Tùng mô tả cảnh lặn khi bắt cá. Ngoài ra, vào những mùa ít cá, ông lại đưa ghe đến khu vực các chân cầu mò tìm phế liệu. Ông ngâm mình, mò mẫm đáy sông hàng giờ để tìm sắt thép từ những công trình rơi xuống.
Người làm nghề lặn phế liệu chỉ trông chờ vào độ may rủi. Nếu trúng lớn sẽ kiếm được nhiều tiền, còn không thì rất ít. Ông Tùng cho biết khoảng chục năm trước ông lặn ở các chân cầu, tiền kiếm được dành dụm mua được miếng đất và căn nhà đang ở hiện nay.
Ông Tùng lặn (phải) có gần 32 năm làm nghề lặn sông
Đánh đổi sức khỏe
Cũng làm nghề như nhóm lặn của ông Tùng, cựu thợ lặn Trần Văn Mi (69 tuổi, tức Ba Mi, ngụ H.Chợ Lách, Bến Tre) có 30 năm làm nghề. Tuy nhiên, ông phải giã từ nghề lặn cách đây 15 năm trong một tai nạn khi lặn vớt tàu chìm. Đó là lần lặn nhớ đời nhất của ông và vợ.
“Lần đầu tiên tôi đi lặn với ổng, tôi cầm ống hơi còn ổng lặn xuống. Lâu quá không thấy lên, làm tôi sợ muốn chết. Còn lần cuối là lúc ổng lặn ở dưới nước lâu lắm, rồi trồi lên là không còn biết gì, gần như muốn xỉu. Tôi hoảng hồn lấy dầu xoa bóp. Xong tôi bắt xe chở ổng đi bệnh viện ở Mỹ Tho. Sau lần đó ông nằm viện cả tháng trời, đi lại không được. Kể từ đó tôi không cho ổng đi lặn nữa”, bà Trần Thị On, vợ ông Ba Mi, kể lại.
Sau tai nạn kinh hoàng đó, ông Ba Mi ngưng hẳn việc lặn sông. Đôi chân ông bị sưng phù, di chuyển rất khó khăn. Còn đôi tai bị giảm thính lực rõ rệt vì những lần lặn sâu.
Một trường hợp nguy hiểm khác ông Ba Mi từng chứng kiến: “Có người ở Hồng Ngự xuống lặn chài ở vàm Ba Kẽm (H.Chợ Lách) này. Khi lặn xong, người đó ngoi lên chỉ có bò trên mặt đất chứ không đi được nữa”.
Hồi tưởng về năm tháng “sống ở đáy sông”, ông Ba Mi trầm ngâm: “Tôi sống bằng nghề lặn sông từ năm 1972. Những lần đầu lặn cảm thấy sờ sợ nhưng vì nghèo nên ráng làm liều, lâu rồi cũng quen. Trong 30 năm làm nghề, tôi đã cùng vợ lênh đênh ở vùng Chợ Lách, Mỹ Tho, Trà Vinh”. Theo ông Mi, nếu lặn nhiều sẽ bị đau hai lỗ tai, nhưng chỉ cần bịt lỗ mũi ém hơi thật mạnh ra ngoài là sẽ hết.
Tuy nhiên, nếu lặn sâu khoảng 40 sải tay (khoảng 60 m - PV) thì người lặn không thể ở lâu. Thời điểm lặn “sung” nhất của ông Mi là những năm tháng tuổi trẻ. Có lúc ông lặn vớt ghe từ 4 giờ đến 20 giờ mới chịu bước lên bờ. Kỷ lục lặn sâu nhất của ông ước chừng đến 45 sải tay người lớn (khoảng 67 m - PV).
Trong một lần trục vớt con tàu bị chìm Ảnh: Phạm Hữu
Bước ra từ ngôi nhà nhỏ nằm đối diện vàm Ba Kẽm, ông Ba Mi chỉ tay về hướng con sông cho hay, ngoài kia là một ngã ba sông, nước chảy một dòng bên bờ này nhưng bờ kia lại chảy ngược, tạo thành dòng xoáy khó đoán. Vài chục năm trước, khoảng tháng 11, 12 hằng năm, ghe tàu tới lui tất bật trên vàm Ba Kẽm, kéo theo là các trường hợp tàu đâm nhau hoặc bị lật do sóng lớn nhiều như ngả rạ. Ông không nhớ nổi đã lặn vớt bao nhiêu ghe tàu tại đây.
Ông cũng từng lặn vớt ghe chở gạch, chở lúa nặng đến 200 tấn. Hầu hết lòng sông ở Chợ Lách, ông Mi đều tường tận. Đáy sông nào có bãi đá, cát ông đều nắm rõ như trong lòng bàn tay.
Có lần một sà lan chở gạo 250 tấn bị lật ở khúc sông gần nhà. Nhiều phương tiện máy móc hiện đại cùng thợ lặn từ TP.HCM được đưa đến. Tuy nhiên, do không am hiểu dòng chảy và nước quá sâu, nhiều thợ lặn “giơ tay đầu hàng”. Ông Ba Mi được dịp mời lặn, nhưng ông chỉ lặn được xuống đáy nối dây lên bờ trong khoảng 5 đến 10 phút rồi trồi lên mặt nước.

tin liên quan

Nữ tài xế lái xe đường dài duy nhất được CSGT hỏi thăm khi vắng bóng
Cánh tài xế xe khách chạy tuyến miền Tây, không ai không biết 'bóng hồng' duy nhất ngồi sau vô lăng miệt mài chở khách mỗi ngày hai chiều từ Đồng Tháp lên TP.HCM. Chị Huỳnh cũng “nổi tiếng” vì có nhiều người nhớ đến, thậm chí là CSGT hỏi thăm, gọi điện khi chị vắng bóng.
Đối với ông Ba Mi, nghề lặn đã gắn bó suốt cả cuộc đời ông, như đã ăn sâu vào máu thịt. Vài người con hay anh em của ông hiện thay ông nối nghiệp lặn sông. Tuy vậy, ông thường nhắc nhở con cái đừng liều mạng lặn sâu quá mức để không ảnh hưởng đến sức khỏe như ông bây giờ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.