Những người cuồng Voọc Sơn trà

Bán đảo Sơn Trà, biểu tượng trong tâm thức người Đà Nẵng, là một cánh rừng nguyên sinh nằm sát nách thành phố. Ở đó có muôn loài muông thú, kỳ hoa dị thảo...

Trong đó, có một loại động vật khiến nhiều người mê mẩn là voọc chà vá chân nâu.
Người thứ nhất


John Norton và bạn gái kết thúc kỳ nghỉ ở  InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, trên đường ra sân bay trở lại Anh quốc, trong hành lý có một thứ mà anh nói là quý nhất, đó là bức ảnh đàn voọc về chính khu resort này mà anh được một nhân viên ở đó chụp tặng. John nói: “Thế giới có thể có những khu nghỉ dưỡng đẹp, nhưng chưa có nơi nào du khách “cùng sống” với đàn voọc ngũ sắc kỳ diệu như ở đây”.

Lê Hải Sơn làm báo nói (Đài tiếng nói VN - VOV), nhưng người ta biết nhiều đến anh với vai trò bình luận viên các buổi tường thuật trực tiếp bóng đá trên Đài PT-TH Đà Nẵng. Biết là biết qua giọng nói nhưng… cái mặt thì mãi sau này đi đá bóng mới gặp.
Gặp rồi thì gặp hoài, vì Sơn làm Chủ nhiệm CLB Bóng đá JFC, nơi tập trung các cầu thủ trứ danh nhất (còn ai nữa mà không nhất?) của các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương khác đóng trên địa bàn, còn tôi thì được làm cái chân… trao giải.
Gần như đối lập với giọng nói bằng ngữ điệu miền Bắc lịch lãm, chơi thể thao nhiều nên nhìn Sơn phong sương và… góc cạnh.
Càng lâu, phát hiện ra Sơn còn nhiều đam mê khác như dù lượn, nhiếp ảnh… Cái gì mê cũng mê đắm đuối. Người như thế khi yêu, chắc chỉ yêu một người, đầu tiên, duy nhất và… cuối cùng mà thôi!
Bây giờ thì Sơn không chỉ mê mà gọi là cuồng. Anh cuồng Sơn Trà đến mức có người (không tiện nói tên) sinh nghi khu rừng ấy chắc có “ma nữ”. Có thật, nhưng cả đực cả cái, có tên chung là voọc chà vá chân nâu.
Năm 2013, khi tập môn thể thao mạo hiểm dù lượn trên đỉnh núi Sơn Trà, chứng kiến từng đàn voọc có bộ lông ngũ sắc chuyền cành với muôn vàn tư thế khác nhau trong ráng chiều muôn sắc, đâm mê, Sơn quyết định phải ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng.
Vác cái Canon 7D ống kính 70-200 có thể gọi là “cà tàng” trong chụp ảnh động vật hoang dã, một mình lang thang trong cánh rừng vắng lặng, chân bước sao để không gây ra tiếng động, mắt dõi theo đàn voọc, nhưng phải phản xạ nhanh để chớp lấy từng khoảnh khắc như chụp ảnh thể thao.
Mẹ con voọc Ảnh: Lê Hải Sơn

Sơn kể: “Lúc đó vừa cô đơn vừa sợ, không phải sợ gì cả, sợ cái thứ con người giăng ra: bẫy thú dày đặc, sơ sẩy cái xong liền!”.
Đến năm 2014, Lê Hải Sơn thực sự sống không thể thiếu… voọc. Có bao nhiêu tiền cắc cụp đầu tư vào máy, vào ống kính… Chưa có thì mua chịu, trả dần. Người mê chụp ảnh bao giờ cũng thế, mê thêm máy ảnh, một thứ vô cùng tốn kém.
Hỏi Sơn: “Chớ vợ không càm ràm à?”, Sơn cười: “Thì cũng còn hơn mỗi chiều lại đi nhậu!”.
Có hôm, vợ Sơn đòi lên coi Sơn Trà có gì mà ông Sơn mê đắm thế. Lên. Đó là một buổi chiều tuyệt đẹp. Nắng như cánh quạt xuyên qua từng kẽ lá, cảnh vật lung linh huyền ảo khiến cô như thấy đang ở… thiên đường.
Sơn kể, em nói với vợ: “Ánh nắng mỗi ngày một khác, mỗi mùa một khác: cảnh vật, hoa lá theo đó mỗi ngày một khác, mỗi mùa một khác, đẹp lung linh và không bao giờ lặp lại khiến cảm giác con người mình luôn luôn tươi mới. Mê là thế đó em!”.
Lê Hải Sơn có thể kể hàng giờ về cách di chuyển, thói quen ăn uống, chăm con và cả vượt cạn của loài voọc này. Thậm chí anh còn nhớ mặt nhiều con. Như có con bị hỏng một mắt, có đôi vợ chồng voọc già thường đi với nhau mà không theo đàn, con đã sinh đến lần thứ mấy, có con voọc cái xinh đẹp thường lắc đầu điệu nghệ làm bờm lông tung bay như thiếu nữ mới gội đầu xong.
Giờ đã làm quản lý, không nhiều thời gian, nhưng khi không phải ca trực Sơn lại vác đồ nghề lên Sơn Trà. Sơn sở hữu nhiều bức ảnh chụp từ dù lượn ở góc độ mà có dùng flycam cũng không chụp được.
Mê ảnh góc độ “độc” mà có lần dù lượn suýt vướng vào đường điện cao thế nếu Sơn không kịp quyết định lao vào vách núi dựng đứng. Khoảnh khắc đó, rất nhanh, Sơn nghĩ, nơi có gió biển đập vào sẽ thốc lên. Sơn đã đúng.
Vui nhất là trên bản đồ của Google có một địa chỉ tên là Doc Le Hai Son (dốc Lê Hải Sơn), vì nó gắn liền với một kỷ niệm để đời của anh.
Nhà báo Lê Hải Sơn Ảnh: T.L
Những người… lần thứ nhất
Đặng Thu Thủy có nickname là “Tóc Bạc Drt”. Vì tóc Thủy bạc sớm và làm việc ở DRT (Đài phát thanh - truyền hình Đà Nẵng). Cái nickname đó cũng phần nào nói lên tính cách con người, có gì nói nấy.
Thủy đam mê chụp ảnh nhưng ban đầu không phải là voọc. Chuyện đến với voọc là từ Lê Hải Sơn. “Dính” rồi thì Thủy cuồng luôn.
Thủy có người em đồng nghiệp tên Phương, chơi thân, rủ gì không rủ lại cứ dụ khị “Để tao chở mày lên Sơn Trà ngắm voọc, bảo đảm mày mê luôn”.
Nói là làm, Thủy “bốc” Phương lên xe máy, thế là đi.
Về rồi, Phương mới tấm tắc: “Lên đó rồi mới thấy vì sao chị ấy cuồng Sơn Trà, cuồng voọc”. Hỏi: “Voọc ám đến thế luôn à?”. “Trời, quá ám. Cứ xong việc là chị ấy chạy lên Sơn Trà ngay và luôn!”.
Thoạt đầu Thủy cũng sợ. Đường rừng, lại là đàn bà con gái, hơn nữa ở trên đó có nhiều câu chuyện có vẻ huyền hoặc lắm. Ví như có một điểm trên đoạn đường đến với voọc mà ai đi xe máy ngang đó cũng rất dễ bị “xòa”. Lại có đoạn khác, ai đi xe một mình ngang qua cũng tự nhiên thấy nặng, xe rung, phải quay lại nói khẽ: “Ngồi yên, đến đoạn nào xuống thì bảo nha”. Thế là đi đến một đoạn thấy xe nhẹ hẳn. Nhiều người sau này nhờ người ta bày, bỏ trong xe miếng trầm hay miếng gỗ huê đi ngang qua mới không “gặp”.
Thủy mê voọc chỉ hơn 3 năm nhưng đã có một triển lãm chuyên đề về voọc.
Thủy kể: “Em có thể ngồi cả buổi để ngắm một ông bố voọc chơi với con, nó tình cảm lắm anh ơi, không khác chi người. Đôi khi nó giành vợ để ẵm con, gây nhau rồi đánh nhau với vợ. Có một gia đình voọc đực có 3 vợ cũng ghen tuông vui lắm. Voọc có đôi mắt to, sáng, toàn lòng đen, nhìn ám ảnh lắm”.
Nhưng Đặng Thu Thủy cũng chỉ là một trong số chừng 30 tay máy cuồng voọc mà thôi. Có người bắt đầu từ cái điện thoại rồi tiến dần lên, “súng ống” đâu vào đấy. Họ là những người đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, có người từ CLB nhiếp ảnh, có người làm điện lực, người làm doanh nghiệp, có người là công an, sinh viên…
Tôi có người đồng hương tên Kỳ, không phải chỉ mình Kỳ mê voọc mà vợ anh cũng mê luôn. Ngày nghỉ và ngoài giờ làm việc, tìm vợ chồng anh rất dễ: Sơn Trà.
Và Sơn Trà không chỉ có voọc mà còn phong cảnh thiên nhiên, hoa lá, chim muông… đó là những đề tài mà mỗi tay máy đều ấp ủ cho ra từng bộ ảnh theo chủ đề định sẵn.
Lê Hải Sơn kể: “Lạ lắm anh, cứ một người mới nhập cuộc thì họ lại được “tổ đãi” một bức ảnh hiếm. Ví như ông Tùng “trọc”, mới nhập môn ít lâu chụp được tấm hình con voọc ngồi trên phiến đá bên chân sóng, chưa ai chụp được khoảnh khắc đó cả”.
Sơn dụ khị tôi vác máy lên Sơn Trà thử coi, tôi cười: “Biết bao giờ anh mới có 30.000 bức ảnh như chú, nhưng mà để anh coi. Hôm nọ nghe ông làm nghề cắt lá dừa rừng bán để cắm hoa kể, trên đó có con voọc bạch tạng, lông nó trắng phau, to như con người, chưa ai chụp được ảnh nó. Anh nhập hội, chưa chừng được “tổ đãi” đó nghe!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.