Những nghề "độc nhất vô nhị"

17/07/2006 12:01 GMT+7

Mỗi khi có sự thay đổi về lễ nghi, tôn giáo, kỹ thuật, khoa học, nghệ thuật... thì cùng với nó, là sự biến động thăng trầm của các loại nghề. Sự thăng trầm ấy không chỉ thay đổi vị thế của từng nghề mà còn thay đổi cả nấc thang giá trị vật chất do chúng mang lại. Những nghề "độc nhất vô nhị" cũng vì thế mà xuất hiện trong giai đoạn chuyển đổi lịch sử.

Có lẽ một trong những nghề cổ xưa nhất trên thế giới là nghề thầy mo. Những ông thầy cúng đầu tiên xuất hiện cùng với sự xuất hiện của trí tuệ, niềm tin. Ở vào cái thời sơ khai, nghề thầy mo không chỉ đơn thuần là tín ngưỡng, niềm tin mà còn là động lực để thúc đẩy sự phát triển. Thời ấy, thầy mo có quyền hành rất lớn, điều chỉnh và thao túng cả xã hội nên mỗi làng có khi hàng chục vị làm nghề thầy này. Thế nhưng với sự phát triển của khoa học, những bí ẩn của cuộc sống ngày được soi tỏ, nghề thầy mo dần mất đi vị thế của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực y học.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật cũng làm biến mất một loạt nghề. Những nghề đã từng ăn sâu vào đời sống xã hội Việt Nam như nghề dệt vải, nghề đóng cối xay, nghề thợ cày bừa, tát nước... đang dần biến mất. Trở lại vài chục năm trước, hình ảnh cô gái bên khung cửi vừa thơ mộng, vừa lam lũ thường xuất hiện trong thơ ca nhạc họa thì nay đang dần biến mất.

Nghề đóng cối xay cũng vậy. Trước kia, khi chưa có máy xay xát, trong bếp mỗi người nhà quê đều có một chiếc cối xay và cùng với nó là nghề đóng cối xay. Bây giờ dù có đi về tận thôn quê hẻo lánh hay miền núi thì cũng khó mà tìm được một người thợ làm cối xay.

Sự biến mất nhanh chóng và khá hoành tráng của một nghề khác, có lẽ là trong lĩnh vực in ấn. Trước đây, mỗi nhà in đều có một bộ phận sắp chữ hùng hậu. Sự ra đời của máy vi tính đã khiến nghề sắp chữ vĩnh viễn lùi vào dĩ vãng.

Có những nghề mà từng một thời là đỉnh cao mơ ước của nhiều người. Nó tồn tại trong sự "vinh danh" nhiều năm trời nhưng các thế hệ 8X, 9X bây giờ khi nghe các bà, các cô kể lại thì đều trố mặt ngạc nhiên, không ngờ rằng lại có những nghề như thế.

Đó là nghề xếp hàng thuê! Tại các cửa hàng bán thực phẩm, bách hóa, bến xe, bến tàu, luôn có một lực lượng đông đảo người làm nghề này. Họ dậy từ rất sớm, nhiều người ngủ qua đêm ngay tại cửa hàng hoặc bến tàu xe để giữ chỗ. Người đến mua hàng, đưa tem phiếu cho họ rồi ngồi ngoài chờ. Khi nào mua xong, thanh toán tiền công.

Thậm chí, để tăng năng suất công việc, giữ được nhiều chỗ, họ thường đặt tượng trưng một hòn gạch, một cái dép, hay mũ, nón. Đến tận bây giờ, ký ức về những buổi sớm theo bố mẹ đi mua thực phẩm vẫn ám ảnh trong một số người

Thời gian gần đây, sự tiến bộ của y học, sự phát triển kinh tế cộng với hệ tư tưởng thông thoáng hơn đã làm nảy sinh nhiều nghề mà chỉ mươi năm trước, dù người có trí tưởng tượng bay bổng nhất cũng không thể nghĩ tới. Ví như nghề đẻ thuê chẳng hạn.

Có cặp vợ chồng lấy nhau đã gần mười năm mà không sinh được mụn con nào. Thế là họ cất công vào tận Sài Gòn, tìm một người phụ nữ khỏe mạnh để "thuê" bà ta sinh cho đứa con. Sau cái đêm định mệnh ấy, người đàn bà đẻ thuê có mang. Suốt quá trình mang thai, bà ta được cặp vợ chồng hiếm muộn chăm sóc 24/24h đề phòng bà mẹ bất đắc dĩ ấy nổi máu muốn làm mẹ mà vác cái bụng bầu bỏ trốn. Khi đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời cũng là kết thúc hợp đồng, hai vợ chồng bế đứa trẻ về, còn người đàn bà đẻ thuê được nhận 30 triệu đồng với cam kết không bao giờ được tìm hay nhận lại đứa bé!

Bây giờ còn có những nghề xâm phạm đến cả phạm trù đạo đức một cách trầm trọng. Theo lẽ thường, một ông chồng mà bị cắm sừng thì thật nhục nhã và không một người đàn ông nào chấp nhận chuyện này. Thế nhưng bây giờ những ông chồng coi đó là "nghề hái ra tiền". Dù chưa công khai như một số nước nhưng nghề làm vợ, làm chồng thuê đã xuất hiện trong xã hội.

Trong chuyến đi công tác tại một tỉnh đồng bằng vùng châu thổ sông Hồng, tận mắt chứng kiến có ngôi nhà lạ lừng lững ngự giữa chốn quê nghèo nàn toàn những mái ngói, nhà tranh lụp xụp. Làng ấy lại chẳng có nghề thủ công hay cái gì đó đặc biệt để mà có thể kiếm ra nhiều tiền xây nhà lớn như thế. Hỏi mãi mới biết, thì ra bà chủ gia đình, bà Diệu vốn nổi tiếng xinh đẹp trong vùng, từng đi Quảng Ninh làm vợ thuê cho một ông chủ kinh doanh giàu có 63 tuổi. Sống xa nhà, bà vợ ông này ở quê thì vừa lớn tuổi vừa xấu người nên ông không dám đưa đến các buổi tiệc tùng chiêu đãi với đối tác.

Về "hợp đồng" làm vợ thuê, danh nghĩa là vậy nhưng thực chất và vừa làm ô-sin chăm lo việc nhà, cơm nước cho ông chủ; vừa là vợ hầu hạ chuyện chăn gối, lại thi thoảng sánh vai ông tới các buổi tiệc ngoại giao với đối tác. Công việc đặc biệt thế nên hợp đồng cũng rất lạ. Ví như mỗi năm, được về quê bao nhiêu ngày, khi người chồng hợp pháp muốn ra thăm vợ thì đối xử ra sao. Nghĩa là nó có đầy đủ tiêu chí của một bản hợp đồng kinh tế.

Mức thù lao mà Diệu nhận được một năm là 24 triệu đồng, chưa kể thỉnh thoảng ông chủ còn hào phóng đưa thêm cho bà vài cái phong bì có ruột khá đầy. Vào thời điểm mà hợp đồng này đang thực thi thì giá trị của 24 triệu đồng lớn hơn gấp nhiều lần so với bây giờ và sau ba năm làm vợ thuê, "ông chủ đặc biệt" lại sinh tình cảm với bà, bảo bà hãy bỏ chồng và làm vợ ông ta. Thế nhưng, bà đã về quê xây nên dinh thự lớn, đoàn tụ với ông chồng tàn tật, và đứa con gái đang ở độ tuổi mới lớn.

Theo báo Gia Đình Xã Hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.