Những mảnh đời ở 'xóm chạy thận'

07/03/2016 10:00 GMT+7

Con hẻm 121 Lê Thanh Nghị (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) 20 năm nay vẫn được mọi người gọi với cái tên quen thuộc “xóm chạy thận”. Nơi đây là mái nhà của 134 bệnh nhân đang từng ngày, từng giờ chống chọi với căn bệnh suy thận.

Con hẻm 121 Lê Thanh Nghị (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) 20 năm nay vẫn được mọi người gọi với cái tên quen thuộc “xóm chạy thận”. Nơi đây là mái nhà của 134 bệnh nhân đang từng ngày, từng giờ chống chọi với căn bệnh suy thận.

Hành lang xóm trọ ẩm thấp, chật chội vừa là lối đi vừa là nơi sinh hoạt cho bệnh nhân chạy thận – Trần HạnhHành lang xóm trọ ẩm thấp, chật chội vừa là lối đi vừa là nơi sinh hoạt cho bệnh nhân chạy thận – Trần Hạnh
Trăm mảnh đời một số phận
Đến “xóm chạy thận” vào một chiều đông, chúng tôi được những cư dân trong xóm chào đón bằng một thái độ thân thiết và cởi mở. Bà Nguyễn Thị Oanh (Nam Sách, Hải Dương), Phó ban liên lạc của xóm, đã 7 năm sống ở xóm chạy thận niềm nở chào đón, mời chúng tôi vào phòng và không ngần ngại chia sẻ về cuộc sống của bà, cũng như cuộc sống của những bệnh nhân chạy thận khác hiện đang sống ở khu xóm này.
“Xóm chạy thận” đã tồn tại cách đây hơn 20 năm, ban đầu do một bệnh nhân chạy thận tên Nguyễn Văn Tấn đứng ra lập danh sách, chia tổ để các bệnh nhân thuận tiện giúp đỡ nhau. Ngày đầu, nơi đây chỉ có khoảng gần chục bệnh nhân nhưng đến nay số bệnh nhân chạy thận tập trung tại khu xóm đã lên đến 134 người.
Khu xóm có khoảng 50 phòng trọ tồi tàn, ẩm thấp. Mỗi phòng trọ chỉ khoảng 8 m2 dành cho 2 người với tiền thuê 1 triệu đồng/ tháng, đó là chưa kể tiền điện, nước. “Biết là phòng trọ đắt những cũng không thể thuê nơi khác rẻ hơn được, ở đây gần bệnh viện phòng khi cấp cứu, với lại còn có anh em cùng cảnh ngộ, dễ sống hơn” bà Oanh cho hay.
Hầu hết bệnh nhân ở đây đều mắc bệnh suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống. Cứ 3 ngày chạy lọc máu một lần, một tháng chạy 13 lần, thiếu lần nào thì sức khỏe suy kiệt, tụt huyết áp, chân tay bủn rủn. Bà Oanh cho biết, những người chạy thận có thâm niên nhất tại khu xóm cũng ngót ngét 20 năm, ngoài ra có cả những người ngoài 80 tuổi hay những thanh niên chỉ mới 24, 25 tuổi vừa tốt nghiệp cao đẳng, đại học.
Trong 134 người của xóm chạy thận thì chỉ có 19 người có chế độ, tức là có lương hưu, còn lại hầu hết là những người làm nông nghiệp, gia đình khốn khó. Mặc dù đến nay được bảo hiểm y tế hỗ trợ 100%, nhưng mỗi tháng, những người bệnh ở đây đều phải chi thêm vài triệu bạc cho các loại thuốc tăng hồng cầu, sắt, đạm, kali… chưa kể tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống. Bà Oanh cho biết, có những lần bà bị vỡ cầu tay, phải làm lại, chi phí lên đến cả chục triệu đồng.
Anh Dâng ở trọ căn phòng này hàng chục năm nay để vừa chữa bệnh vừa đi đánh giày kiếm sống- Thảo Phương

Quay quắt mưu sinh
Ở xóm chạy thận đa số là những bệnh nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Để có tiền trang trải cho sinh hoạt và thuốc men, ai còn sức thì còn đi làm, có những người vừa rút kim truyền, lại quay quắt đi kiếm sống. Một tuần 3 lần, họ gắn với bệnh viện, những ngày còn lại họ chọn những công việc khác nhau để mưu sinh. Người khỏe thì đi bán nước, đi đánh giày, nhặt ve chai. Người yếu hơn thì chọn những công việc nhẹ nhàng.
Bà Oanh cách đây vài năm còn khỏe thì đi làm thuê, bán nước để có thu nhập trang trải cho sinh hoạt, nhưng giờ mỗi ngày một yếu đi bà đành nghỉ làm và trông chờ vào sự chu cấp của con cháu .
Bà Mai Thị Hạnh (72 tuổi, quê ở Tiên Lữ, Hưng Yên), không chỉ là người có thâm niên16 năm gắn bó với xóm trọ mà còn có hoàn cảnh éo le. Chồng bà là liệt sĩ, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cô con gái duy nhất của bà hiện nay đã lập gia đình. 16 năm chữa bệnh là từng đấy năm bà coi xóm trọ là nhà, là “quê hương” thứ hai của mình. Những năm đầu, để có tiền chạy thận, bà Hạnh còn tranh thủ mua hoa quả về đi bán dạo trên phố. Cứ thế túc tắc tuần 3 buổi đi làm, cũng đủ tiền ăn cho cả tuần. Khi sức khỏe yếu hơn, không cho phép đi lại nhiều, bà lại chuyển sang nhặt phế liệu, bán nước lọc ở bệnh viện. Ba năm trở lại đây sức khỏe yếu hẳn, bà đành “nghỉ hưu” không đi làm thêm được nữa.
Tương tự như hoàn cảnh của bà Hạnh, anh Phạm Văn Dâng (43 tuổi, quê ở Mộc Châu, Sơn La) bị bệnh thận từ năm 15 tuổi. Sinh ra trong một gia đình đông anh em, bố mẹ sống chủ yếu nhờ vào vài nương ngô, nên cái ăn lo còn chưa đủ, nói gì đến có khoản tiền dư gửi cho anh mỗi tháng.
Vì thế, ngoài thời gian đến viện lọc máu, anh tranh thủ đi đánh giày kiếm thêm thu nhập. Lần nào cũng vậy, vừa rời khỏi phòng lọc máu, có khi vết kim tiêm còn chưa ráo hẳn, người ta đã thấy anh tay cầm bộ đồ nghề đánh giày đi bộ xung quanh khu vực bệnh viện. Những ngày sức khỏe tốt anh còn đi bộ từ bệnh viện Bạch Mai lên khu vực Cầu Giấy, có khi vòng lên tận Hồ Gươm để tìm kiếm khách. Chỉ hôm nào sức khỏe yếu, anh mới dám nghỉ một ngày.
Đã từ lâu lắm rồi những bệnh nhân trong xóm trọ chưa có ngày về thăm quê. Phần vì lý do nhà xa, phần vì lịch chạy thận 3 ngày/tuần khiến họ cũng khó có thể thu xếp. Trong số 134 bệnh nhân trong xóm có khoảng hơn 20 bệnh nhân là có người nhà ở bên chăm sóc, số còn lại đành phải nương tựa vào nhau mà chống chọi với bệnh tật. Người nào thể lực khỏe chăm sóc người yếu hơn, cũng có khi phải nhờ đến hàng xóm, láng giềng sống quanh khu xóm lúc yếu đau. “Mọi người sống nương tựa vào nhau như một gia đình, có miếng ngon, mảnh chăn ấm cũng sẵn sàng chia sẻ cho nhau”, bà Oanh nói trong nghẹn ngào.
Tồn tại đã hơn 20 năm, “xóm chạy thận” chứng kiến nhiều lớp người đến và đi, già có, trẻ có. Đến đây là không hẹn ngày về nữa vì chẳng biết sẽ “ra đi” lúc nào. “Thôi còn ngày nào thì cố gắng ngày đó!”, người trong xóm vẫn thường cố động viên nhau như vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.