Những lợi ích to lớn khi tham gia BHYT

01/03/2019 08:00 GMT+7

Bảo hiểm y tế không vì mục đích lợi nhuận, do nhà nước tổ chức thực hiện để chăm sóc sức khỏe cơ bản cho nhân dân. Tuy nhiên, những lợi ích thiết thực nhất mà bảo hiểm y tế mang lại thì không phải ai cũng biết.

Thực tế, bản chất của bảo hiểm y tế (BHYT) là chia sẻ rủi ro, giảm gánh nặng chi trả từ tiền túi của người bệnh và tạo nguồn lực quan trọng để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nhiều người nhờ vào BHYT mà vượt qua được giai đoạn khó khăn khi điều trị bệnh.

4 lợi ích to lớn khi tham gia BHYT

Theo quy định hiện hành, người tham gia BHYT có nhiều quyền lợi. Thứ nhất là về đối tượng được cấp thẻ và hỗ trợ đóng phí mua thẻ BHYT. Theo đó, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí; những người trong diện hộ nghèo được cấp thẻ BHYT; Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng phí BHYT đối với người thuộc hộ cận nghèo mới thoát nghèo, những người thuộc hộ cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; Nhà nước hỗ trợ 70% phí BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo; UBND tỉnh/thành phố có thể hỗ trợ mức đóng phí BHYT cho người cận nghèo của địa phương từ 10 - 30%...
Thứ hai, người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh được Quỹ BHYT trả toàn bộ hoặc một phần tiền khám, chữa bệnh (tỷ lệ chi trả phụ thuộc vào việc chữa bệnh đúng tuyến hay trái tuyến); được cán bộ có chuyên môn y tế khám bệnh, chữa bệnh; được chuyển đến bệnh viện tuyến trên khi bệnh nặng.
Các dịch vụ và chi phí y tế được Quỹ BHYT chi trả gồm có khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; khám thai định kỳ; sinh con; thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế trong danh mục của Bộ Y tế.
Thứ ba, trường hợp người có thẻ đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh nhưng thẻ BHYT hết hạn thì Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo chế độ quy định cho đến khi ra viện hoặc hết đợt điều trị ngoại trú.
Thứ tư, theo Thông tư 39/2018/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên, nếu khám chữa bệnh đúng tuyến và số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì người bệnh tập hợp chứng từ đồng chi trả gửi cơ quan BHXH để được cấp giấy miễn đồng chi trả cho những lần sau trong năm.
Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh tại quầy khám bệnh BHYT tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM)
Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh tại quầy khám bệnh BHYT tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) Đình Vy

Tại TP.HCM, đóng BHYT hộ gia đình và BHYT tự nguyện ở đâu ?

Ở TP.HCM, người dân có thể đóng BHYT hộ gia đình và BHXH tự nguyện tại các ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn và hệ thống bưu điện trên địa bàn.
Ngoài ra, còn có các điểm sau đây tiếp nhận việc đóng BHYT hộ gia đình và BHYT tự nguyện: Bệnh viện Q.Gò Vấp (641 Quang Trung, P.1, Q.Gò Vấp); Bệnh viện Q.Thủ Đức (29 Phú Châu, P.Tam Phú, Q.Thủ Đức); Bệnh viện Q.4 (63 Bến Vân Đồn, P.12, Q.4); Bệnh viện Q.5 (642A Nguyễn Trãi, P.11, Q.5); Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi (Nguyễn Văn Hoài, ấp Bàu Tre 2, xã Tân An Hội, H.Củ Chi); Công ty TNHH PK đa khoa Quốc tế Sài Gòn (6 - 8 Trịnh Văn Cấn, P.Cầu Ông Lãnh, Q.1); các chi nhánh của Công ty TNHH Trung tâm y khoa Phước An; Công ty TNHH MTV TM DV Y tế Tân Bình (49/10 Lê Trọng Tấn, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú); Công ty TNHH Trung tâm y khoa Hợp Nhân (95A Phan Đăng Lưu, P.7, Q.Phú Nhuận); Công ty cổ phần Trung tâm y khoa Thành Công (36 Tây Thạnh, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú); Công ty TNHH MTV Phòng khám đa khoa An Phúc (502 - 504 Nguyễn Chí Thanh, P.7, Q.10); Bệnh viện Quân y 175 (786 Nguyễn Kiệm, P.3, Q.Gò Vấp); Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Phước Linh (210 Phạm Đăng Giảng, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân); Phòng khám đa khoa Hưng Dũng (525/15 Sư Vạn Hạnh, P.12, Q.10); Phòng khám đa khoa Pháp Anh (P.4, Q.10).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.