Những lễ hội hài hước: Từ khỏa thân đến vật ngón chân cái...

15/07/2015 07:24 GMT+7

(TNO) Những lễ hội, sự kiện kỳ lạ và thú vị của mỗi quốc gia xuất phát từ lịch sử và văn hóa của từng vùng miền, hay lễ hội cũng chính là bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương đó.

(TNO) Những lễ hội, sự kiện kỳ lạ và thú vị của mỗi quốc gia xuất phát từ lịch sử và văn hóa của từng vùng miền, hay lễ hội cũng chính là bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương đó, theo ABC News.

Thế vận hội khỏa thân - Ảnh: AFP
1. Thế vận hội khỏa thân
Người tham gia vẫn sẽ chơi những môn thể thao thường thấy trong một thế vận hội như đua xe đạp, bơi lội… chỉ có điều, không ai được mặc quần áo.
Ở một số quốc gia, trong những ngày trời nóng, các nhóm, liên đoàn thể thao thường tổ chức ngày hội thể thao khỏa thân hoặc bán khỏa thân như “Ngày hội bơi lội khỏa thân”, “Tuần lễ thể thao khỏa thân”…
2. Bossaball
Bossaball là môn thể thao ngoạn mục và kỳ lạ xuất hiện tại Tây Ban Nha - Ảnh: AFP
Bossaball là môn thể thao ngoạn mục và kỳ lạ được "sáng chế" tại Tây Ban Nha. Nó giống với bóng chuyền, nhưng bổ sung các yếu tố của bóng đá, thể hình và võ thuật châu Phi.
Trong môn Bossaball, mỗi bên sẽ có từ 3 - 5 vận động viên, đứng trên những tấm nệm hơi để tăng thêm sức bật và đưa bóng qua lưới cao sang sân đối phương để ghi điểm giống như trong môn bóng chuyền. Nhiều người ví von môn thể thao này là “bóng chuyền trên mặt trăng”.
3. Giải cờ vua quyền anh

Giải vô địch đấm bốc cờ vua yêu cầu các đấu thủ phải thông thạo cả đấm bốc và cờ vua - Ảnh: Reuters
Giải vô địch đấm bốc cờ vua yêu cầu các đấu thủ phải thông thạo cả đấm bốc và cờ vua. Trận đấu bắt đầu bằng cuộc thi cờ tốc dộ kéo dài 4 phút, tiếp đến là 3 phút đấm bốc, sau đó là 4 phút cờ tốc độ.
Môn thể thao này được nghệ sĩ và nhà làm phim người Pháp Enki Bilal nghĩ ra trong cuốn truyện tranh Froid Equater vào năm 1992. Cuộc thi đầu tiên được tổ chức bởi nghệ sĩ người Hà Lan, Iepe Rubingh, vào năm 2003.
4.  Cuộc thi nhăn nhó
Cuộc thi nhăn nhó - Ảnh chụp màn hình Wonderslist
Đây là cuộc thi mà người chiến thắng sẽ là người biểu cảm được khuôn mặt xấu xí nhất.
Cuộc thi mang tên “World Gurning Contest” được tổ chức lần đầu vào năm 1927 tại Anh.
5. Thi bế vợ chạy

Người thắng cuộc sẽ nhận được số bia tương đương với số cân nặng của người vợ - Ảnh: Reuters
Cuộc thi bế vợ chạy có nguồn gốc từ Phần Lan. Vào thế kỷ 19, có những băng cướp bắt cóc phụ nữ địa phương nên các ông chồng phải bế vợ chạy thoát.
Trong cuộc đua, người chơi sẽ phải vượt qua nhiều loại địa hình, từ vùng đất khô cho đến những trở ngại trên nước.
Giải thưởng cho người thắng cuộc là một chiếc điện thoại di động, và quan trọng hơn là họ sẽ nhận được số bia tương đương với cân nặng của người vợ.
6.  Vật ngón chân cái
Thi vật ngón chân cái - Ảnh: Reuters
Môn đấu vật là bộ môn thể thao quen thuộc nhưng đấu vật bằng ngón chân cái nghe có vẻ rất lạ lùng.
Năm 1976, cuộc thi đấu vật ngón chân cái quy mô thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại Anh. Tương tự đô vật thông thường, các đấu thủ phải hạ gục được... bàn chân của đối thủ xuống sàn trước trong vòng 3 giây.
7.  Đấu vật dầu trơn

Cuộc thi đấu vật dầu trơn - Ảnh: Reuters
Cuộc thi đòi hỏi người tham gia sẽ bôi dầu ô liu lên người và cố gắng hạ gục đối phương.
Cuộc thi diễn ra thường niên tại Kirkpinar (Thổ Nhĩ Kỳ), với hàng ngàn đấu sĩ tham gia. Người vô địch sẽ nhận được một chiếc đai bằng vàng.
Đây được coi là sự kiện lớn nhất trong năm ở Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là một trong những bộ môn đấu vật thuộc hàng cổ nhất thế giới.
8. Bóng đá bong bóng

Bộ môn bóng đá bong bóng - Ảnh: Reuters
Bóng đá bong bóng (Bubble Soccer) có nhiều nét tương đồng với bóng đá. Tuy nhiên, các cầu thủ phải đeo một quả bong bóng cực lớn ở phần trên của cơ thể. Môn thể thao này hấp dẫn ở chỗ những cầu thủ hầu như không bị chấn thương khi va chạm với nhau. Ngoài ra, việc cầu thủ gặp khó khăn trong việc đứng dậy sau khi ngã lăn cũng mang lại sự phấn khích cho khán giả.
Hiện tại, Bubble Soccer đang được phổ biến ở một số quốc gia của châu Âu như Na Uy, Ý, Áo, Đan Mạch, Đức, Hà Lan và xứ Wales (Anh).
9.  Đua đà điểu

Cuộc thi đua đà điểu ở Mỹ - Ảnh: Reuters
Lễ hội đua đà điểu tổ chức thường niên tại Chander, bang Arizonna (Mỹ) từ 25 năm trở lại đây.
Với vận tốc trung bình là 43 m/giờ, đua đà điểu là một thách thức lớn đối với người tham gia. Đó là chưa kể đến mối nguy hiểm khi bị đà điểu giẫm lên người nếu chẳng may bị té, theo Daily Mail.
10.  Đường chạy sắc màu

Đường chạy sắc màu đã được tổ chức ở Việt Nam - Ảnh: Reuters
Đường chạy sắc màu (The Color Run) là lễ hội chạy bộ trong vòng 5 km. Lễ hội chạy bộ không có người thắng thua hay giải thưởng, tất cả người chạy chỉ cùng nhau chạy và tung bột màu vào nhau.
Sự kiện lấy cảm hứng từ lễ hội Holi của người Hindu, cũng như những ngày hội bột màu điển hình là “Ngày hội màu sắc thế giới” của Disney.
Đường chạy sắc màu được đông đảo giới trẻ trên toàn thế giới yêu thích, có mặt ở châu Âu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Úc và đã được tổ chức lần đầu ở Việt Nam cách đây 2 năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.