Những đứa con bên kia đường biên

11/12/2016 15:22 GMT+7

Ai đến các đồn biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh dịp đầu tháng 12 đều thấy cán bộ chiến sĩ trong đồn quyên góp tiền bạc, quần áo, gạo, muối, thực phẩm mang sang bên kia biên giới.

Hỏi mới biết: Đó là phần quà gửi tặng những đứa trẻ Campuchia mà bộ đội nhận đỡ đầu và thường gọi là “con nuôi ngoại biên”...
Yông Ty năm nay 12 tuổi nhưng dáng vóc rất bé, da đen, ngơ ngác trong căn nhà làm bằng những thân tre đập dập, mái nhà trống hoác có cũng như không. Những người dân ở phum Boeng Chroung (xã Choam, H.Memot, tỉnh Tboung Khmum, Campuchia) ai nhìn thấy cậu bé cũng thở dài thườn thượt bảo “Có khổ cũng chỉ đến vậy”.
Họ kể: Mới ra đời 6 tháng, mẹ Yông Ty mất đột ngột vì bệnh hiểm nghèo, để lại đứa con đỏ hỏn cho người chồng trẻ. Chả hiểu vì quá trẻ hay nghèo khó đến kiệt quệ mà vài năm sau đến lượt bố cũng bỏ đi, để lại cậu bé cho bà nội Soc So (78 tuổi) lẩy bẩy nuôi cháu.
Cậu bé Yông Ty và bà nội trong căn nhà tranh dột nát
Áo ấm Kà Tum
Buổi chiều đầu tháng 12.2016, thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Tròn, cán bộ Đồn biên phòng Kà Tum (Tân Châu, Tây Ninh) chở tôi ra chốt cảnh giới giáp biên, đi cùng nhân viên cảnh sát biên giới và đại diện chính quyền xã Choam (Campuchia) sang thăm gia đình Yông Ty nằm cách đường biên chỉ vài trăm mét.
Gặng hỏi qua phiên dịch, mới biết bà nội Soc So nuôi cháu bằng những thân rau dại mọc ngoài cánh đồng mà bà hái hằng ngày đổi gạo. Mỗi ngày chỉ nấu 1 lon gạo vào buổi sáng để ăn cả ngày và nước đun sôi làm canh, muối trắng làm thức ăn. Những ngày mưa gió không thể ra ngoài, hai bà cháu sống bằng những bát cơm hàng xóm san sẻ. Trong căn nhà xiêu vẹo, thứ duy nhất có thể bán được là chiếc cặp sách còn mới của Yông Ty, mới được một nhà hảo tâm tặng. Còn lại, chỉ một chiếc giường, kệ tre đựng nồi niêu - bát đũa lẫn với quần áo và bếp nấu củi ngay cuối giường.
Anh Mot Noeu, Chủ tịch xã Choam (Campuchia), chỉ căn nhà gọn gàng, bảo: “Yông Ty rất chăm chỉ, đi học về là dọn dẹp, nấu nướng, không bao giờ để bà phải nhắc” và lắc đầu: “Có Bộ đội biên phòng đồn Kà Tum nên bà cháu mới có gạo muối đều đặn”. Kể chuyện cậu bé Yông Ty, phải nhắc đến thiếu tá Nguyễn Văn Tròn thường được anh em gọi là “người vận chuyển”. Hằng tháng, anh đều xin phép sang thăm bà cháu cậu bé ít nhất 1 lần, chuyến nào cũng lễ mễ hàng quà của mọi người gửi. Trước năm học mới vừa rồi, anh Tròn rủ rỉ kể chuyện bạn Yông Ty với cậu con trai Nguyễn Đặng Phương Duy (11 tuổi), sáng hôm sau Duy tình nguyện nhường cho bạn 5 bộ quần áo và xin các bạn trong lớp 15 bộ nữa, cùng mẹ đóng bao gọn gàng để ba Tròn chở sang Campuchia tặng bạn Yông Ty.
“Đúng 5 bộ của con trai vừa với Ty, số còn lại chia hết cho bọn trẻ lân cận”, thiếu tá Nguyễn Văn Tròn cười kể lại và cho biết: “Tôi đang vận động bạn bè, anh em quen biết mỗi tháng giúp chút gạo muối, thực phẩm, quần áo, tặng kèm số tiền 500.000 đồng/tháng của đồn, để bọn trẻ trong phum Boeng Chroung đỡ vất vả. Chúng khác quốc tịch, nhưng cũng như con mình ở nhà”.
Tổ tuần tra Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) kiểm tra cột mốc biên giới
Những bao gạo nâng ước mơ thầy giáo
Đại úy Ngô Xuân Kiên, chính trị viên, Phó đồn Biên phòng Phước Tân (H.Châu Thành, Tây Ninh) vốn hay tìm hiểu đời sống người dân ở khu vực biên giới để “nài nỉ” bạn bè gần xa giúp đỡ. Cuối năm 2015, trong một lần đi làm việc với chính quyền xã Bos Mon (H.Romdoul, tỉnh Svay Riêng, Campuchia), đại úy Kiên nghe kể về trường hợp bé trai Kamđa Vy (11 tuổi, học lớp 5 Trường tiểu học Bos Mon) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: mẹ mất khi mới 6 tuổi và phải chăm sóc 2 em nhỏ cho bố đi làm thuê hằng ngày…
Hôm trước em xin được 40 triệu đồng của các nhà tài trợ ở TP.HCM xây lại căn nhà dột nát cho chị Keo Sen (người Khmer ở xã Hòa Hội, Châu Thành, Tây Ninh) chồng bị bại liệt, 3 con còn nhỏ và trao nhà đúng ngày 22.12.2016
Đại úy Ngô Xuân Kiên, chính trị viên Phó đồn Biên phòng Phước Tân (H.Châu Thành, Tây Ninh)
Ngay sau đó, đại úy Kiên đến thăm nhà, chứng kiến gia cảnh khó khăn và nhất là nói chuyện với anh Bun Tha là bố của Kamđa Vy, thấy cậu bé có nguy cơ bị nghỉ học, nên nung nấu ý định “mỗi tháng chu cấp một khoản tiền nhỏ đủ mua gạo ăn cho cả nhà”. Đúng thời điểm này, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh có chủ trương cho mỗi đồn biên phòng giúp đỡ 1 học sinh nghèo hiếu học của nước bạn Campuchia, nên Kamđa Vy được đưa vào danh sách giúp đỡ tức thì.
Hôm cuối tháng 8.2016, khi cùng người thân sang thăm và nhận quà tại Đồn biên phòng Phước Tân, Kamđa Vy mạnh dạn phát biểu: “Có gạo ăn lâu dài của các chú bộ đội biên phòng VN, con sẽ học hết cấp để đi làm thầy giáo”, khiến cả đồn vui cùng nghị lực của cậu bé Khmer đen nhẻm nhưng mắt sáng lấp lánh.
Đại úy Kiên kể với tôi: “Hôm trước em xin được 40 triệu đồng của các nhà tài trợ ở TP.HCM xây lại căn nhà dột nát cho chị Keo Sen (người Khmer ở xã Hòa Hội, Châu Thành, Tây Ninh) có chồng bị bại liệt, 3 con còn nhỏ và trao nhà đúng ngày 22.12.2016. Muốn dân tin yêu thì mình phải lo cho dân”…
Người dân Campuchia ở phum Taboeb (P.Bavet, TP.Bavet, tỉnh Svay Riêng) quen mặt đại úy Nguyễn Minh Trí, Đội trưởng vận động quần chúng (Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Tây Ninh) đến mức cứ thấy mặt anh là gọi bé gái Mol Xray Na: “Chú bộ đội mang gạo sang nè”. Gia đình Mol Xray Na thuộc dạng thiếu đói liên miên trong địa bàn, đến mức ông bố nằm liệt và bà mẹ làm nghề giặt đồ thuê phải gửi anh trai của bé Na vào chùa nhờ nuôi hộ. Những lần gia đình bắt bé Na nghỉ học đi phụ giặt đồ cùng mẹ, đại úy Trí lại lật đật xin phép chính quyền hai bên sang thăm hỏi, rủ rỉ thuyết phục bố mẹ cho Na nuôi ước mơ học lên làm bác sĩ.
Ròng rã suốt 3 năm liền, tháng nào Đồn biên phòng Mộc Bài cũng giúp gia đình 500.000 đồng để mua gạo và những vật dụng thiết yếu khác. Đầu tháng 12.2016, mang đồ của đồn sang tặng như thường lệ, đại úy Nguyễn Minh Trí còn bỏ tiền túi mua tặng một chiếc màn mới cứng, to đùng bởi: “Mùa này bên ấy nhiều muỗi, con bé bị muỗi đốt gây bệnh, không đi học được thì lại bị bắt ở nhà giặt đồ”…
Những câu chuyện nho nhỏ của bộ đội Đồn biên phòng Tà Kum, Phước Tân, Mộc Bài về “con nuôi ngoại biên” khiến tôi nhớ nụ cười của đại tá Nguyễn Hoài Phương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Tây Ninh, khi chia sẻ: “Tớ cứ tự nguyện mỗi tháng trích một triệu đồng tiền lương, hỗ trợ 2 bé đặc biệt khó khăn ở H.Tân Châu” và đại tá Nguyễn Tài Sơn, Chính ủy Bộ đội biên phòng Tây Ninh tỉnh nhận đỡ đầu 2 cậu bé cùng mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng mỗi lần đi cơ sở đều ghé thăm gia đình học sinh mà đồn đỡ đầu, tặng quà với lý do: “Đây là riêng của tớ”…
Láng giềng hòa bình được xây đắp bằng tình hữu nghị, càng vững bền bởi sự sẻ chia - chăm lo đến những mảnh đời vất vả. Sự yêu thương đồng loại này không có biên giới và đang hiện diện trên vùng đất Tây Ninh qua từng chuyện “con nuôi ngoại biên”…
Hiện tại, Bộ đội biên phòng Tây Ninh đang nhận đỡ đầu 76 học sinh hiếu học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cụ thể: lãnh đạo Bộ Chỉ huy nhận 12 cháu; các phòng, văn phòng, tiểu đoàn cơ động - huấn luyện nhận 16 cháu. Đặc biệt, 15 đồn biên phòng mỗi đồn nhận đỡ đầu 3 cháu, trong đó có 1 cháu ngoại biên ở nước bạn Campuchia... Các cháu được đỡ đầu, ngoài số hàng quà thiết yếu, còn được nhận 500.000 đồng/tháng, cho đến khi học hết THPT.
Đại tá Nguyễn Tài Sơn, Chính ủy Bộ đội biên phòng Tây Ninh cho biết: Ngày 28.12.2016 tới đây, trong cuộc giao lưu Quốc phòng biên giới VN - Campuchia lần thứ nhất do Bộ đội biên phòng Tây Ninh đăng cai tổ chức ở cặp cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh, VN) và cửa khẩu Bavet (Svayrieng, Campuchia), Bộ đội biên phòng Tây Ninh sẽ trao 10 suất học bổng cho 10 học sinh Campuchia hiếu học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi suất trị giá 6 triệu đồng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.