Những đứa bé dễ thương, sao cha mẹ nỡ bỏ con - Kỳ 3: 'Nghề làm mẹ'

Mỗi ngày, các 'mẹ' ở đây phải chăm sóc khoảng 30 em nhỏ, từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến dọn dẹp, vệ sinh… Cực nhọc là thế nhưng đồng lương mà họ nhận được chỉ đủ sống qua ngày.

Được sự đồng ý của cô Lê Thị Nguyệt (Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp TP.HCM), chúng tôi đã có buổi ghé thăm lớp học của các em nhỏ tại đây.
9 giờ sáng, dãy phòng học im ắng, khác hẳn với không khí rộn ràng của buổi sinh hoạt lần trước chúng tôi được tham dự.
Các em nhỏ đang chăm chú nghe cô giáo giảng bài, em khác lại đang nắn nót tập viết những chữ cái cho thật đẹp… Dừng chân ở phòng vẽ tranh, tôi khá thích thú với cái chau mày khẽ của cô bé ngồi bàn đầu, góc bên trái. Hẳn là em đang phân vân không biết nên chọn màu nào để tô cho chiếc ô em vừa vẽ xong…
Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp tiếp nhận các em nhỏ khuyết tật, bị cha mẹ bỏ rơi hoặc mồ côi... từ các bệnh viện trong TP.HCM
Theo lời cô Nguyệt, các em nhỏ ở trung tâm được phân chia thành từng nhóm như trẻ khuyết tật, trẻ mắc Hội chứng Down, trẻ bình thường… Dựa vào đó, các thầy cô giáo và nhân viên điều dưỡng cũng được chia thành từng nhóm tương đương để quản lý. Trung bình lớp sẽ có 20 – 30 em, mỗi thầy cô sẽ dạy 2 lớp/ngày.
Việc chăm sóc trẻ em bình thường vất vả một thì chăm sóc các em mắc bệnh nặng càng khó khăn hơn gấp trăm lần
Tuy nhiên, theo những gì tôi quan sát thì đó chỉ là trên lý thuyết, bởi thực tế thì hầu hết mọi người ở trung tâm đều có thể làm rất nhiều việc khác nhau như cô giáo kiêm bảo mẫu, kiêm luôn đứng bếp… Nhiều người gọi vui cái nghề của các cô là “nghề làm mẹ”.
Các y tá, điều dưỡng thay phiên nhau kiểm tra tình trạng của các em nhỏ Ảnh: Lê Nam
Công việc của các “mẹ” bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng và kết thúc vào 17 giờ mỗi ngày. “Thường tôi sẽ tới lớp sớm để dọn dẹp lại phòng học, viết sẵn bài giảng hôm nay trên bảng trước khi đón các con. Dạy học xong là tới giờ ăn trưa, mình phải hướng dẫn các con vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ rồi xếp hàng lấy cơm như thế nào…”, chị Mai Thanh Thủy (33 tuổi, giáo viên tại trung tâm) tranh thủ nói với tôi ngay sau khi kết thúc buổi dạy.
Công việc của các “mẹ” bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng và kết thúc vào 17 giờ mỗi ngày
Chị cũng nói thêm, việc lau dọn, làm vệ sinh cho các con là chuyện bình thường, nhất là đối với các em còn nhỏ tuổi, chưa biết tự thay quần áo, tự làm vệ sinh cá nhân thì các cô phải làm hết.
Nói đoạn, chị ra hiệu chúng tôi đi theo đến khu vực bếp ăn để vừa trò chuyện vừa phụ làm các công việc như bưng bê thức ăn từ nhà bếp lên phòng ăn.
Hầu hết mọi người ở trung tâm đều có thể làm rất nhiều việc khác nhau như cô giáo kiêm bảo mẫu, kiêm luôn đứng bếp
Đồ ăn lúc này đã được chia sẵn thành từng phần dành riêng cho từng nhóm trẻ, mỗi phần đều có đủ 3 món thịt (hoặc cá), rau xào và canh. Cũng như chị Thủy, nhiều cán bộ, giáo viên, điều dưỡng khác cũng đang tất bật lấy cơm trưa cho các em nhỏ mình phụ trách.

Những "người cha, người mẹ" luôn hết lòng vì các con
Ghé vào phòng ăn dành cho trẻ em mắc Hội chứng Down, chị Bùi Ngọc Thảo (33 tuổi, điều dưỡng tại trung tâm) đang đút cơm cho một bé trai tên Minh. Vừa đút, chị vừa dỗ dành, mặc dù cậu nhóc có vẻ không quan tâm (hoặc không hiểu) cho lắm.
Ngược lại với công việc nhiều vô kể là mức lương khá thấp, nếu không muốn nói chỉ... đủ sống qua ngày
Thấy chúng tôi nhìn chăm chú, chị liền giải thích: “Việc để một đứa trẻ thích nghi được với môi trường thường phải mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Mỗi em là một cá tính khác nhau, mình phải vừa làm cô, làm mẹ, làm bạn thì mới tìm ra được phương pháp ứng xử, dạy dỗ phù hợp cho các con được. Minh mắc chứng Down nhưng lại rất thích nghe nói ngọt, phải có người dỗ thì con mới ăn ngoan”.
Song, tất cả các "mẹ" đều lựa chọn công việc này bởi tình yêu thương dành cho các con
Tự dưng, tôi buột miệng hỏi: “Các chị làm việc vất vả vậy thì lương có đủ để chi tiêu không?”. Đáp lại tôi, chị Thảo chỉ cười hiền rồi nói, nhiều người thấy chị chọn về công tác tại trung tâm thì tỏ vẻ ái ngại, sợ lương ba cọc ba đồng không đủ trang trải cuộc sống.
Đối với các “mẹ”, mọi cực nhọc sẽ tan biến theo từng niềm vui khi thấy các con khỏe mạnh, nên người
“Nhưng mà tôi chưa bao giờ làm công việc này vì tiền. Tôi đã dạy cho các em ở trung tâm được 7 năm, thu nhập sau khi trừ bảo hiểm nằm trong khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng. Công nhận như vậy thì bấp bênh thật, nhưng khi nhìn các em, các con tôi lại thấy chính mình ngày xưa. Khó khăn bao nhiêu tôi cũng không từ bỏ, bản thân tôi thấy mình cần phải làm một cái gì đó với chính mái nhà này, giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi để xóa đi mặc cảm, có cuộc đời mới tốt đẹp hơn"...
"Tôi sẽ làm cho đến khi nào không còn đủ sức khỏe nữa mới thôi. Nghề nào cũng gắn với cái nghiệp, “nghề làm mẹ” này cũng vậy”, chị bộc bạch.
Đó cũng là động lực thúc đẩy để họ có thêm tình yêu trẻ và gắn bó với nghề Ảnh: Lê Nam
Trong một thoáng, tôi nhận ra từ nay mình sẽ nhìn những người “mẹ” này bằng ánh nhìn khác hẳn. Bởi họ vốn không phải bà tiên, ông bụt giữa đời thường, họ chỉ là những con người bình thường nhưng có ý chí phi thường. Nhìn cách họ sống, tôi tin rằng chỉ khi nào chúng ta từ bỏ thì chúng ta mới thất bại.

tin liên quan

Khát khao đến trường của cô bé mồ côi
Năm học mới đang đến gần, nỗi lo của cô bé mồ côi cả cha lẫn mẹ Lương Thị Trúc Giang, học sinh lớp 11 Trường THPT An Thới (H.Mỏ Cày Nam, Bến Tre), lại càng bức bách hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.