Những cô nàng sống giữa đô hội suýt tìm đến cái chết vì điều gì?

08/09/2017 12:18 GMT+7

Có những người gia đình hạnh phúc, vật chất đầy đủ mà cứ thấy bế tắc, thất vọng về mình và chỉ muốn tự tử... Cuộc sống ở các thị thành quá áp lực hay vì lý do gì đó khiến nhiều người phải ngày càng 'gồng gánh'?

Ấy là biểu hiện của chứng trầm cảm, một căn bệnh thời đại mà nhiều người cứ ngỡ là "bệnh giả vờ", khiến nạn nhân cứ cảm thấy buồn bã, không còn hứng thú với cuộc sống, luôn cảm thấy mình vô dụng và chỉ muốn kết thúc cuộc đời.
Khi đứng trước những khủng hoảng về kinh tế, áp lực công việc, áp lực gia đình đè nặng lên vai, không ít người đã phải ngậm ngùi vào... viện tâm thần.

tin liên quan

Bạn bị stress? Hãy lập gia đình
Bạn luôn phải nghe những người đã có vợ/chồng than thở rằng cuộc sống của họ cứ căng như sợi dây đàn kể từ ngày “đeo gông vào cổ”? Thực tế thường không phải như vậy. Một cuộc nghiên cứu của các chuyên gia tại Trường đại học Ohio (Mỹ) cho thấy đối với những người bị stress với một cuộc sống có quá nhiều áp lực, lập gia đình chính là một "liều thuốc tiên".
Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ việc một bà mẹ trẻ có biểu hiện trầm cảm đã ra tay dìm chết đứa con mới 33 ngày tuổi của mình, thì mới đây, thông tin một nam thanh niên mắc chứng trầm cảm đã quyết định tự tử chỉ vì xảy ra mâu thuẫn với bạn bè đã khiến nhiều người phải đặt câu hỏi: Trầm cảm đáng sợ như thế nào?
Trầm cảm khiến cơ thể người bệnh suy nhược, lúc nào cũng cảm thấy cuộc sống buồn chán
Để tìm lời giải đáp cho câu hỏi trên, chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với các đối tượng trong độ tuổi từ 18 – 35 tuổi, hầu hết đều đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM.
Cái chết “thầm lặng”
Tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ Anh đã hai năm, nhưng Ngọc Hoa (*) vẫn chưa kiếm được việc làm. Sợ gia đình ở quê biết, Ngọc nói dối đang làm công việc dịch thuật ở một nhà xuất bản sách, lương 5.000.000 đồng/tháng.
Mỗi lần ba mẹ dưới quê lên thăm, Hoa lại phải mượn xe máy của bạn bè, giả vờ bận rộn, sáng đi tối về đúng giờ giấc của một nhân viên hành chính.
“Cùng học, cùng tốt nghiệp một đợt mà giờ bạn mình đứa nào cũng lương tháng hơn chục triệu, chạy xe tay ga, dùng điện thoại xịn. Trong khi mình vẫn đi chiếc xe đạp cà tàng, sáng thì dạy thêm, tối đi chạy bàn trong quán nhậu. Mình cứ cảm thấy bản thân vô dụng, nhiều khi muốn chết quách cho xong”, Hoa ngậm ngùi.
Áp lực càng nặng nề hơn khi cô phải lo cho đứa em út ở quê chuẩn bị vào Sài Gòn học ĐH. Sau một thời gian dài chịu đựng, sống chung với ức chế, mới đây quyết định đi khám và biết mình bị trầm cảm.
Trái ngược với Ngọc Hoa, trường hợp của Bích Ngân (SV năm 3 một trường ĐH ở TP.HCM ) lại mang màu sắc tươi sáng khi cô có mức thu nhập mỗi tháng không dưới 10.000.000 đồng cho công việc cộng tác viên viết báo tự do.
Một nghiên cứu năm 2014 tại Mỹ cho thấy, có khoảng 2/3 bệnh nhân trầm cảm không nhận ra mình có bệnh và không được điều trị
Bạn bè chung khóa đều nhìn Ngân bằng ánh mắt ngưỡng mộ, thậm chí có người nói thẳng là “ghen tị với sự may mắn” của cô. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, Ngân từ một cô nàng vui vẻ, hòa đồng lại biến thành một người lạnh lùng, ít nói và “giống như bị tự kỷ”.
Cô được chẩn đoán mắc chứng Rối loạn trầm cảm sau khi đi khám tại BV Tâm Thần TP.HCM. Cuộc sống của Ngân rơi vào khủng hoảng trầm trọng khi cơ thể cô bị suy nhược vì không chịu ăn uống, học tập xuống dốc không phanh, công việc trì trệ, thậm chí bạn bè cũng bắt đầu xa lánh và “sợ” Ngân.
“Em thấy sợ và rất ngại tụ tập đi chơi hay xuất hiện ở những nơi đông người. Em cũng nhận thấy rõ việc mình từ chối quá nhiều lời mời của bạn bè, đồng nghiệp nên mọi người cũng dần không quan tâm tới em nữa. Nhưng em muốn vậy”, cô tâm sự.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm như căng thẳng, bị sang chấn tâm lý trong cuộc sống, học tập, trong quan hệ gia đình, xã hội hoặc sau khi mắc bệnh khác
Theo lời Ngân, mọi việc bắt đầu kể từ sau cú sốc “bị người yêu phản bội”, cô như hóa điên khi tận mắt nhìn thấy người yêu đang ôm ấp một cô gái khác. “Em chẳng tha thiết gì nữa hết, em chỉ thấy đau lòng thôi. Em đã làm gì sai mà bị đối xử như vậy? Không lúc nào em quên được, em sống khổ sở lắm, mệt mỏi lắm”, Ngân nghẹn ngào kể lại.
Ngân trước mặt tôi lúc này, vô cùng xanh xao, tiều tụy. Tôi không tài nào hình dung được Ngân trong dáng vẻ một cô gái xinh xắn, tràn đầy sức sống, dù khoảng thời gian đó chỉ mới cách đây hơn nửa năm.
Theo các chuyên gia tâm lý, trầm cảm là một triệu chứng tâm lý. Khi bị trầm cảm, con người ta sẽ cảm thấy tất cả mọi thứ thật u ám, buồn bã và tuyệt vọng với cuộc đời này.
Mặc dù không gây đau đớn tức thời và gây tử vong ngay lập tức nhưng bệnh trầm cảm lại là một kẻ giết người thầm lặng. Nó tồn tại bên trong con người, ăn mòn cảm xúc, vắt kiệt sức lực và có thể dẫn đến những hành động tiêu cực. Trong đó, nổi bật nhất chính là nguy cơ tự sát.
Trầm cảm vì ngoại hình xấu xí
Tôi lại nhớ đến câu chuyện của chị “nhà sách”, gọi tên vậy vì chúng tôi quen biết nhau khi chị đang làm nhân viên tại một nhà sách ở quận 5 (TP.HCM).
Chị từng nói với tôi, ông trời chỉ trao cho chị hai thứ, đó là “một ngoại hình được đánh giá ở mức dưới xấu một chút và một gia cảnh nghèo khổ”.
Những người có nhân cách dễ bị tổn thương, ít nói, ít chia sẻ, hay lo lắng dễ mắc trầm cảm hơn những người khác
“Suốt 32 năm sống trên cõi đời này, chị đã trải qua rất nhiều những đau đớn, tủi cực. Bố bị tai biến nên mẹ chị trở thành người lao động chính, là trụ cột của gia đình. Ngày nhỏ chị cứ nghĩ nhà nghèo là khổ nhất, nhưng càng lớn mình càng nhận ra không được xinh đẹp mới thật sự đáng sợ”…
Chị bắt đầu dậy thì khi đang học lớp 8, những thay đổi của cơ thể khiến mặt chị nổi rất nhiều mụn. “Mình đã xấu, đã miệng hô, răng vẩu lại còn nổi mụn khắp mặt, nhìn gớm ghiếc lắm. Đám con trai trong lớp cứ đem mình ra làm trò đùa. Chúng nó trêu chị là đồ quái dị, dơ bẩn, ghẻ nổi cả trên mặt”.
Suốt những năm ngồi trên ghế nhà trường, chị chỉ biết cắn răng chịu đựng, rồi lén khóc trong nhà vệ sinh vì xấu hổ, vì sợ hãi và cả ganh tị “tại sao tụi con gái lớp không ai nổi mụn, tại sao chỉ mình tôi là bị trêu chọc như vậy?”.
Sau khi tốt nghiệp cấp ba, chị khăn gói lên Sài Gòn kiếm việc làm, với suy nghĩ “mình phải làm giàu, có tiền mình sẽ đi phẫu thuật thẩm mỹ, mình giàu thì chẳng ai dám khinh khi”.
Bệnh nhân trầm cảm thường có tâm lý phủ nhận việc mình bị bệnh và sợ mọi người phát hiện
Ngoại hình xấu xí lại thêm ốm vì ăn uống không có chất, tinh thần không thoải mái khiến chị “nhà sách” lúc nào cũng như đang mang chiếc mặt nạ màu xám, u uất. Sau vài lần bị khiển trách vì sắp xếp sách không đúng vị trí, chị bị ông chủ cho nghỉ việc.
Chưa dừng lại ở đó, tâm sự với tôi, chị nói đang có tình cảm với anh chàng gần dãy phòng trọ, nhưng tự ti ngoại hình nên tuyệt nhiên không dám hé môi nửa lời. “Anh ấy cũng quan tâm chị lắm, cũng hay nói chuyện rất vui vẻ, nhiều lúc đi làm về còn ghé mua cho chị bịch trái cây, ly nước mía…. Tất cả những điều đó làm chị ngộ nhận.
Vào cái ngày chị lấy hết can đảm và quyết định sẽ tỏ tình với anh, thì vô tình phát hiện ra một sự thật cay đắng khi nghe được cuộc trò chuyện của anh và bạn bè, họ nói về chị cùng những trận cười cợt nhã…
Tôi nhớ như in gương mặt mếu máo của chị khi vừa khóc vừa kể: “Ảnh nói chị xấu như ma, làm sao ưa nổi. Chẳng qua thấy là thấy chị tội nghiệp, hay rút áo quần giúp ảnh mấy bữa trời mưa, rồi nấu cơm cho ảnh ăn ké. Có người tự dưng cung phụng, ngu gì mà không lợi dụng”…
Những năm gần đây, tình trạng bệnh nhân mắc chứng trầm cảm ngày càng tăng cao Ảnh: Hà My
Bao nhiêu đau khổ dồn nén, nỗi tủi thân chất thành đống, càng cố gắng làm việc, thì đầu óc chị càng trở nên mụ mị, trí nhớ bị giảm sút. Chị sống như một “bóng ma”, có khi cả ngày, chị chẳng nói chẳng rằng, chỉ dán mắt vào cái tivi hoặc một khoảng không vô định nào đó. Không dưới mười lần, chị có ý định tìm đến cái chết để kết liễu cuộc đời mình.
Nghe lời khuyên của tôi, chị đi khám rồi phát hiện mình mắc chứng trầm cảm. Nhưng vì không quyết tâm điều trị nên chỉ một thời gian ngắn sau thì bệnh tình của chị lại càng trở nên nặng hơn.
Có một lần, tôi bắt gặp chị đang lấy lưỡi lam rạch cổ tay, máy chảy lênh láng… Chị chỉ ngồi cười, rồi nói: “Xấu nên thất nghiệp, xấu mới không ai yêu thương. Phải thấy máu, phải đau thì mới thoải mái được”.
Đó cũng là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. Bởi, tôi thấy sợ. Không phải sợ chị làm hại tôi mà là sợ cảm giác bất lực khi nhìn chị tự hủy hoại bản thân mình.
Tôi cũng thương và xót xa cho chị, một người phụ nữ chịu thua số phận để rồi cả một đời đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Liệu hạnh phúc có mỉm cười với một người xấu xí như tôi không?”.
Phụ nữ có nguy cơ cao do bản chất giàu tình cảm

Trầm cảm được xem là một căn bệnh hiện đại đang có xu hướng gia tăng mạnh ở các nước đang phát triển. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, trầm cảm ở phụ nữ đô thị có xu hướng ngày càng tăng. Đây là một sự tồn tại cần được lý giải và quan tâm nhiều hơn dưới góc độ tâm lý học.

Với nền kinh tế thị trường các công việc dần hướng tới lao động trí óc và vận dụng thành tựu khoa học để phục vụ cho cuộc sống con người. Áp lực từ công việc (kiến thức chuyên môn, năng lực, kỹ năng nghề…) khiến cho đời sống tâm lý của con người dễ trở nên căng thẳng hơn. Thêm vào đó, môi trường sống cạnh tranh vì vòng xoay “cơm áo gạo tiền” ở các đô thị cũng khóc liệt hơn các vùng khác. Chính những yếu tố này làm cho thực trạng trầm cảm ngày tăng cao ở các đô thị.

Xã hội hiện đại đã giảm đáng kể khoảng cách bất bình đẳng giới, nhất là ở các đô thị. Điều này dễ thấy là sự phân chia công việc gia đình ở các gia đình hiện nay có sự cân bằng hơn. Tuy nhiên, phải thẳng thắng thừa nhận một điều là công việc gia đình vẫn thuộc về người phụ nữ. Vai trò “xây tổ ấm” từ việc tổ chức đời sống gia đình đến giáo dục, nuôi dạy, chăm sóc con cái và giữ gìn tình yêu thương vẫn là trách nhiệm lớn nhất của người vợ - người phụ nữ trong gia đình. Điều này khiến không ít chị em rơi vào trạng thái quá sức, bế tắc trong suy nghĩ và hành động dẫn đến trầm cảm.

Dưới góc độ tâm lý, nữ giới thường sống thiên về tình cảm. Một khi đời sống tinh thần chưa thật sự được thỏa mãn và không được sẻ chia thì người phụ nữ khó có thể miễn nhiễm cảm giác hẫng hụt, mất niềm tin, suy nghĩ tiêu cực. Một nét đặc trưng trong tâm sinh lý phụ nữ, sự thay đổi hoóc-môn khi vào lứa tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai, giai đoạn mãn kinh hay các cú sốc tâm lý cũng đều có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm. Đây là cơ sở tâm lý phản ánh tỷ lệ nữ giới có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn nam.

Qua phân tích trên cho thấy khi xã hội càng phát triển thì vấn đề về chất lượng đời sống của phụ nữ cần được quan tâm nhiều hơn, nhất là sức khỏe tinh thần. Xã hội hiện đại đã và đang đem đến cho con người nhiều tiện ích, sự lựa chọn và điều kiện sống tốt hơn. Nếu phụ nữ biết cách lựa chọn và áp dụng cho mình thì ít nhiều sẽ làm cho đời sống tâm lý trở nên phong phú và hạn chế mắc phải chứng trầm cảm.

Thạc sĩ tâm lý học Đặng Hoàng An

Giảng viên khoa Tâm lý học, trường ĐHSP TP.HCM 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.