Những chú chim non mất mẹ

17/07/2017 21:02 GMT+7

Tục ngữ có câu “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường”.

Trên Thanh Niên Tuần san số 561, tôi rất xúc động khi đọc những tâm tư từ tận đáy lòng của hoàng tử nước Anh Harry về mẹ - công nương Diana quá cố. Anh chia sẻ: “Việc mất mẹ ở tuổi 12 đã đóng cửa tất cả cảm xúc của tôi suốt 20 năm qua, tác động nghiêm trọng đến cuộc sống và công việc của tôi…”. Nhìn lại đứa con thơ, lòng dâng lên một nỗi sợ bởi bất trắc đâu có chừa ai.
Một dòng tin buổi sáng hiện lên, càng làm nhức buốt trái tim tôi với câu chuyện một đứa bé mới chừng 8 tháng tuổi vạch áo mẹ lần tìm nguồn sữa trong khi người mẹ đã chết rồi, vì đột tử. Hình ảnh đầy ám ảnh đó khiến trái tim của tất cả những người chứng kiến tê dại và xót xa đến tận cùng. Tôi nghe tim mình có ngàn mũi kim đâm và không thể ngăn được nước mắt khi hình dung ánh mắt thơ ngây và nỗi đau sắp tới mà bé phải hứng chịu dù con chưa hiểu gì về cái chết hay nỗi đau mất mẹ cả.
Và mới đây thôi, khi tòa nhà Grenfell Tower ở Anh chìm trong biển lửa, một người mẹ tuyệt vọng đã cầu xin những người bên dưới hãy đón lấy đứa con của mình trước khi thả đứa bé rơi xuống từ tầng 10. Có lẽ, trong khoảnh khắc đau thương ấy, khi đứa bé rơi xuống, nó được cứu sống, nhưng cuộc đời đã lật sang một trang xám xịt vì mất mẹ - người yêu thương nó nhiều nhất trong cuộc đời này.
Tục ngữ có câu “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường”. Chỉ đọc lên thôi cũng đủ xót xa với nỗi bất hạnh của một đứa con mất mẹ. Lại nhớ đến một câu nói mà tôi từng nghe: “Ba điều đau khổ nhất của đời người là mất con lúc tuổi già, mất vợ tuổi trung niên và mất mẹ khi còn nhỏ”.
Phải! Quả đúng như vậy, và có lẽ cũng đúng cả về trình tự liệt kê. Bởi vì, không có nỗi đau nào sánh bằng khi người ta đã đi qua bao năm tháng tươi đẹp của niềm hạnh phúc làm cha mẹ, vui sướng biết nhường nào khi chứng kiến đứa con mình rứt ruột đẻ ra lớn lên, được ôm ấp và cưng nựng… rồi khi đứa con ấy lớn lên thì yêu thương càng nặng yêu thương.
Thế nên, không có gì khổ hơn cảnh tre già phải khóc măng non, và lúc đó chắc hẳn cha mẹ nào cũng chỉ ước ao giá mà có thể chết thay con… Ở vế thứ ba, không hẳn vì đó là nỗi - đau - ít - đau - nhất mà có lẽ vì khi đó những chú chim non chưa biết rằng mình đang trải qua một biến cố lớn, tôi nghĩ vậy.
Tôi từng chứng kiến thời thơ ấu đắng nghét của vài “chú chim non” mất mẹ. Một người là đứa em họ, một là người bạn học cùng lớp và một là em bé trong khu xóm trọ. Tất cả đều có tuổi thơ “bầm dập” vì thiếu mẹ. Khi tuổi còn nhỏ, họ chưa hiểu nhiều về nỗi thống khổ của mất mát, chia ly… thậm chí còn chưa có ý niệm về cái chết nhưng những thiếu thốn tinh thần và vật chất là điều có thật, hiện hữu và nhức nhối.
Một người bạn kể với tôi rằng mẹ mất khi bạn chưa tròn 6 tuổi. Bạn không còn nhớ gương mặt mẹ hay chút kỷ niệm nào với mẹ, nhưng tình yêu của mẹ vẫn còn ở lại bên bạn trong từng dòng nhật ký đầy yêu thương và sự chuẩn bị sẵn những hành trang cho con từ người mẹ ấy.
Bà đã bàn giao lại người thân một số tiền để bạn có thể sử dụng cho việc học mai sau, và một di sản đặc biệt là một chiếc hộp trống rỗng với mẩu giấy nhỏ bên trong ghi những dòng nắn nót: “Mẹ nghĩ với bất cứ ai thì đây là một cái hộp trống không, nhưng mẹ tin con sẽ nhìn thấy một thứ khác, đó là những nụ hôn của mẹ”.
Và dòng nhật ký cuối cùng của bà: “Mỗi ngày, kể từ khi mẹ biết mình mắc bệnh, mẹ đều gửi vào chiếc hộp một nụ hôn. Hôm nay nữa là được 214. Sau này, mỗi khi gặp thất bại, đau khổ, con hãy mở hộp ra và biết rằng mẹ luôn bên con, con không phải một mình cô độc”. Dòng nhật ký của người mẹ dừng lại ở đó, không có nụ hôn thứ 215 được gửi vào chiếc hộp nhưng tình yêu thương thì còn mãi, bất biến. Bạn nói, dù mẹ đã chuẩn bị chu đáo cả về vật chất lẫn tinh thần cho con, nhưng bạn vẫn không sao tránh khỏi những đau khổ, mất mát vì không còn có mẹ trên đời.
Tôi vẫn nhớ mãi ánh mắt đầy tâm tư của cô bé trong xóm trọ mà tôi hay gặp. Những chiều tan sở về qua, tôi thường gặp em ngồi nép bên giàn hoa giấy đỏ trước nhà, nhìn các bạn cùng xóm chơi đùa chạy nhảy. Em cứ ngồi yên và nhìn chứ rất ít khi tham gia cùng các bạn; Thỉnh thoảng em lại nhìn sang băng ghế đá bên cạnh - nơi mẹ kế của em đang đút ăn cho đứa em cùng cha khác mẹ. Trong ánh mắt ngây thơ trong trẻo ấy, ai cũng có thể nhận ra một nỗi thèm ước cháy bỏng và đau đớn.

tin liên quan

Thế hệ không tuổi giữa mẹ và con gái
Ngày càng xuất hiện nhiều hình ảnh về các cặp mẹ - con gái mà người xem không thể tin nổi mối quan hệ ấy bởi hai nhân vật trong ảnh trẻ ngang ngửa nhau. 
Hiểu rõ nỗi bất hạnh của những chú chim non mất mẹ nên dù làm bất cứ việc gì, tôi luôn dặn mình phải cẩn trọng từng chút một… vì nếu mình chẳng may mất đi thì đứa con thơ bé sẽ thiệt thòi nhiều lắm. Nếu có một điều ước, tôi sẽ ước rằng trên đời này không có bất kỳ một đứa bé nào mất mẹ, chỉ có những chú chim non vui vẻ trong chiếc tổ của mình, giữa vòng tay yêu thương của cha mẹ và những người thân yêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.