Những căn nhà "mắt muỗi"

27/07/2010 12:05 GMT+7

Rộng chỉ 3-4 mét vuông, những ngôi nhà "tí hon" trong phố cổ Hà Nội được gọi là những căn nhà “mắt muỗi”!

Thoạt trông, ngõ Phất Lộc ở P.Hàng Buồm, Q.Hoàn Kiếm cũng giống như những ngõ khác ở phố cổ với vẻ cũ kỹ, rêu phong trên những ngôi nhà có tuổi hàng thế kỷ.

Ngõ không rộng, không hẹp, không khang trang nhưng cũng chẳng tiêu điều. Cái tạo nên “thương hiệu” ngõ Phất Lộc chính là những căn nhà siêu nhỏ.

Chị Ngọc ở đầu ngõ có căn nhà 4 mét vuông. Nhà nhỏ tới mức được mời mà không dám vào vì không lẽ cứ đứng trong nhà chị. Như hiểu ý chúng tôi, chị kể, hai đứa con nhỏ của chị thường hỏi, sao nhà mình bé tí thế, sao mẹ chỉ đứng lên giường mà đã sờ được lên nóc nhà...

Còn bà Tỉnh - mẹ chị Ngọc, đã ở tuổi xưa nay hiếm thì bảo, 4 người sống trong căn nhà 4 mét vuông này, lâu dần cũng thành quen.

Rộng nhất trong ngõ Phất Lộc là nhà số 10 của ông Nguyễn Anh Tuấn. Để lên được căn hộ hơn 50m2 này, phải qua một lối đi chật hẹp, tối om, sâu thẳm.

Sau một cái bếp đầy nồi niêu, rổ rá và 4-5 cái lò than tổ ong mới đến chiếc cầu thang rộng khoảng 80cm, ngoằn ngoèo, dựng đứng để vào căn nhà từng có 13 người chung sống.

Ông Tuấn cho biết vài năm nay nhà ông mới bớt người vì các con lập gia đình, ở riêng. 82 năm sống trong ngõ, ông nói rằng căn hộ 3-4 mét vuông nhưng nhiều người ở rất phổ biến tại đây.

Đến số nhà 16 Hàng Bè ở P.Lý Thái Tổ, Q.Hoàn Kiếm, chúng tôi được biết số nhà này có nhiều hộ với khoảng 30 nhân khẩu đang cư ngụ.

Cạnh cửa hàng bán đồ lưu niệm đánh số 16 là con ngõ mà người vào người ra không khác gì chuyện "dê qua cầu" vì rộng chỉ hơn mét.

Nhưng “ngã chết được như hai con dê qua suối thì thật là mừng, chứng tỏ là đất vẫn còn rộng”, chị Nga bán trà đá ở đầu ngõ tếu táo nói khi thấy chúng tôi phải lùi lại, nhường một người đi từ trong ra.

Bà Vương Kim Quý, một cư dân ở đây kể, 30 năm trước bà về làm dâu số nhà 16 này. Nhà chồng rộng vỏn vẹn 28m2 mà chứa đến 15 người.

Mọi sinh hoạt của 4 gia đình nhỏ gồm bố mẹ già cùng mấy cô em chồng, 3 cặp vợ chồng trẻ và đám trẻ con gói trọn ở... nền nhà.

Chẳng giường, chẳng tủ, không ri-đô hay vách ngăn, những buổi tối đi ngủ, nhà nào nhà nấy, cặp nào cặp nấy trải chiếu ra nền nhà, sáng dậy lại quấn chiếu cất gọn một xó.

“Những lần nhà có khách, cả chủ cả khách ngủ chung một chiếu, có khi chật quá phải trải chiếu thành dãy, chủ và khách nằm xen kẽ nhau”, bà Quý bụm miệng cười ngất ngư.

Vợ chồng trẻ, muốn có “không gian riêng” thì chỉ còn cách đợi cả nhà ngủ say, mới len lén cuộn chiếu lại, thật nhẹ nhàng, khẽ khàng.

Khi các cô em chồng lập gia đình, bố mẹ chồng bà Quý xẻ căn nhà 28m2 thành 3 phần. Mỗi gia đình nhỏ được xấp xỉ 10m2. Cái nhà 10m2 được chia, vợ chồng bà biến thành khu phụ, nơi ở được cơi nới lên tầng 2.

Lấn được thêm một phần không gian hành lang, ngôi nhà trên gác 2 của bà Quý rộng hơn, diện tích khoảng gần 20m2.

Bây giờ, các anh chị em chồng cô vẫn có 2 người ở số nhà 16 này. “Ngày giỗ Tết, cả nhà tề tựu đông đủ nhưng không có chỗ mà ngồi, đành chia nhau, đến lúc ăn thì “rải cỗ” sang mỗi nhà 1-2 mâm cho đỡ chật”, bà Quý kể thêm.

Trong chật chội, 3 người con gái của bà Quý lần lượt chào đời. Cô chị cả năm nay đã gần 30 tuổi, lấy chồng ở 48 Hàng Đào nhưng vẫn dành nhiều thời gian để ở cùng với mẹ trong “căn nhà kỷ niệm”.

Kỳ thực, nhà chồng chị này cũng chật chẳng kém, có đến 4 thế hệ sống trong ngôi nhà bé tẹo nên thỉnh thoảng cô nàng lại “di tản” về nhà bố mẹ ở 16 Hàng Bè.

Trần Lan Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.