Những bà mẹ Việt chật vật học tiến sĩ... ở trời Tây

19/09/2016 12:40 GMT+7

Mang theo con cũng đồng nghĩa với việc chi phí cho cuộc sống sẽ cao hơn, trong khi học bổng lại chỉ được cấp cho … một người.

Đối với một người đàn ông, quyết định học lên tiến sĩ thường chẳng mấy khó khăn, dù việc học là ở trong nước hay ngoài nước. Hầu như tất cả những việc trong gia đình lẫn chăm sóc con cái đã có người vợ lo toan, chồng chỉ tập trung vào việc hoàn thành luận án của mình.
Ngược lại, trước khi người phụ nữ đã có gia đình quyết định học lên tiến sĩ, nhất là học ở nước ngoài, sẽ đứng trước hàng trăm ngàn trăn trở và khó khăn. Phần lớn, những người quyết định không học, thường vì lý do là không nỡ xa chồng con trong thời gian dài, thông thường ít nhất là 3 năm.
Chị Trang và bé Nick cùng đạp xe tới trường
Thế nhưng, có những người phụ nữ, họ đã có những lựa chọn rất khác… mà có thể gọi là quyết định táo bạo.
Theo thống kê năm 2013 của Cục thông tin Khoa học và Công nghệ, cả nước có 12.261 tiến sĩ, trong đó số lượng tiến sĩ nữ là 3.637, chiếm khoảng 30%. Tại sao con số giữa tiến sĩ nam và nữ lại chênh lêch nhiều đến như vậy? Câu trả lời có lẽ khá rõ ràng.
Từ bao đời nay, những tư tưởng về tứ đức của Không Tử vẫn ảnh hưởng tới quan niệm của chúng ta về vai trò của đàn ông và đàn bà trong xã hội. 
Gần 4.000 nữ tiến sĩ
Theo thống kê năm 2013 của Cục thông tin Khoa học và Công nghệ, cả nước có 12.261 tiến sĩ, trong đó số lượng tiến sĩ nữ là 3.637, chiếm khoảng 30%. Tại sao con số giữa tiến sĩ nam và nữ lại chênh lêch nhiều đến như vậy? 

Trong khi việc của đàn ông là “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, vai trò của phụ nữ thường bị xem nhẹ, chỉ cần tu dưỡng “công, dung, ngôn, hạnh” là đủ; chính vì thế, những phấn đấu trong học tập nâng cao trí thức lẫn công việc thường bị xem nhẹ.
Dẫu rằng ngày nay xã hội đã cởi mở hơn rất nhiều, nhưng phụ nữ thường vẫn gặp nhiều khó khăn hơn nam giới khi muốn tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp.
Nhất định phải mẹ đâu con đó
Khi nhận được quyết định trúng tuyển đào tạo tiến sĩ chuyên ngành y khoa tại Pháp , cũng là lúc chị Nguyễn Trang biết tin mình có thai. Không muốn bỏ học, cũng không thể bỏ con ở nhà cho bố hay ông bà trông khi con còn quá bé, chị quyết định bế con sang Pháp cùng mình để bắt đầu sự nghiệp học hành. Lúc đó, bé Nick nhà chị vừa tròn 4,5 tháng.
Đối với những bà mẹ đã có hai con, hoàn cảnh có phần phức tạp hơn. Một mặt, họ không muốn xa các con, vì hiểu rằng, trẻ con, nhất là khi còn nhỏ, vai trò của người mẹ là hết sức quan trọng. Thế nhưng, họ lại không thể mang theo cả hai đứa, vì biết trước sẽ vô cùng khó khăn; hơn nữa, nhiều khi học bổng nhận được cũng không đủ để lo liệu cho cuộc sống của cả ba mẹ con nơi đất khách.
Vì thế, những bà mẹ như chị Trịnh Hường (chuyên ngành toán Ứng Dụng, đại học Toulouse, Pháp), chị Hoàng Mai (chuyên ngành xây dựng, Seattle, Hoa Kỳ) đành quyết định mang một trong hai đứa theo mình. Tất nhiên, cũng có những bà mẹ “táo bạo”, họ mang theo cả hai con để đồng hành cùng với mình trên con đường chông gai phía trước, như chị Trần Thảo (Pháp) và chị Nguyễn Hồng Nhung (chuyên ngành Khoa học giáo dục New Zealand).
Dù quyết định của họ là thế nào, phần lớn, đều ít nhận được sự ủng hộ từ gia đình và bạn bè. Ai cũng hiểu rõ rằng cuộc sống ở một đất nước xa lại không hề dễ dàng, người mẹ vừa phải tập làm quen với môi trường mới, lại vừa phải tập trung làm nghiên cứu, nếu có thêm một đứa trẻ ở bên mình sẽ càng khó khăn bội phần.
Hơn nữa, đôi khi với số tiền học bổng hạn chế, hai mẹ con sẽ gặp phải những vấn đề về tài chính. Biết đâu có khi học chẳng xong mà chăm con cũng không nổi.
Thế nhưng, một khi người mẹ đã quyết thì không ai cản nổi.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Bắt đầu một cuộc sống mới ở một đất nước cùng với môi trường, ngôn ngữ và văn hoá hoàn toàn khác, hầu như bất cứ sinh viên tiến sĩ cũng gặp ít nhiều khó khăn, và mất khá nhiều thời gian để hoà nhập. Những trở ngại đó dường như còn nhân lên gấp bội khi họ quyết định mang theo con.
Chị Trang chia sẻ, những ngày đầu của hai mẹ con cực kỳ vất vả, mặc dù chị trước đây đã học thạc sỹ tại Pháp và quen với cuộc sống ở đây. Thế nhưng, khi quay lại đây với con, chị hoàn toàn bỡ ngỡ.
Khó khăn lớn nhất là tìm nhà trẻ cho con trong thời gian đầu mới sang; bởi thông thường, nếu muốn tìm chỗ giữ trẻ dưới 3 tuổi ở Pháp, người mẹ phải đăng ký từ rất sớm, thậm chí khi thai nhi vừa tròn 7 tháng trong bụng.
Hai mẹ con cùng khóc
Chị Thiều Lê Quyên, nghiên cứu sinh ngành Toán, Đại học Paris 6, Pháp, cũng gặp vấn đề tương tự khi cô con gái 3 tuổi của chị, bé Cún, gặp phải rào cản lớn về ngôn ngữ trong những ngày đầu đi học mẫu giáo. Vì không hiểu được cô và các bạn nên thời gian đầu bé rất buồn, hay khóc, không muốn đi học và liên tục đòi về Việt Nam. Đôi khi những buổi sáng dậy chuẩn bị cho con đi học là những lúc cả con và mẹ đều khóc.
Chị phải chạy đôn chạy đáo tới rất nhiều nhà trẻ trong thành phố để xin gửi con, cuối cùng cũng có 2 nhà trẻ nhận, mỗi nơi nhận trông bé trong 2 hoặc 3 ngày/ tuần.
Ngoài ra, vì con trai chị còn bé, mùa đông ở Pháp lại rất lạnh, nên bé thường hay bị ốm; những lúc ấy, chị buộc phải nghỉ việc ở nhà trông bé, có những đêm bé quấy khóc chị cũng ôm con khóc theo.
Chị Thảo còn khó khăn hơn gấp bội khi cả hai đứa con của chị đều còn bé, bé lớn 3 tuổi và bé sau chưa đầy 8 tháng. Có những khi 2 bé thay phiên nhau ốm, thời hạn nộp bài báo cáo đã đến, chị cảm thấy dường như kiệt sức và bế tắc khi phải vừa chăm con, vừa lo công việc để đảm bảo đúng tiến độ, giữ uy tín với giáo sư.
Mang theo con cũng đồng nghĩa với việc chi phí cho cuộc sống sẽ cao hơn, trong khi học bổng lại chỉ được cấp cho … một người! Vì thế, cuộc sống của hai mẹ con ở nước ngoài đôi khi sẽ khá chật vật.
Theo chị Mai, căn hộ kí túc dành cho sinh viên có gia đình ở trường chị cho thuê khá rẻ, nhưng vì danh sách đăng ký rất dài nên chị không thể đợi được, hai mẹ con phải thuê ở ngoài . Giá thuê nhà ở thành phố nơi chị học tập, Washington – Hoa Kỳ, khá đắt đỏ, ngốn phần lớn sinh hoạt phí mà chị nhận được. Theo chị, đây là khó khăn lớn nhất của hai mẹ con trong thời gian ở Mỹ.
Tương tự, chị Hường (Pháp) cũng phải thuê căn hộ độc lập để sống cùng cô con gái 3 tuổi. Căn hộ hai mẹ con thuê lại không có đồ đạc nên hơn 3 tháng sau cuộc sống của chị mới gọi là tạm ổn. Chưa kể, đôi khi học bổng đến chậm hàng tháng trời, hai mẹ con chị thiếu trước hụt sau, đành phải đi vay mượn thêm ngân hàng hoặc bạn bè để trang trải cuộc sống.
Rào cản ngôn ngữ và văn hoá đối với con cái cũng gây một áp lực lớn lên những bà mẹ tiến sĩ mang con theo.
Chị Nhung trước khi lên đường cùng hai con sang New Zealand cảm thấy khá tự tin về cậu con trai (Tom) 8 tuổi vì bé đã học ở trường song ngữ trong nhiều năm, và chỉ dành lo lắng cho cô con gái bé (Na) mới chỉ biết vài từ tiếng Anh.
Thế nhưng, ngược lại, trong khi Na nhanh chóng hoà nhập với cuộc sống ở đất nước mới, Tom lại khá khép kín. Suốt 3 tháng đầu cậu bé không nói chuyện với bất kì ai, dù hoàn toàn có thể hiểu và hoàn thành được bài tập ở trên lớp. Sau đó, cậu mới chịu mở lời với cô giáo, nhưng phải mất thêm 3 tháng nữa mới thực sự có thể hoà nhập với bạn bè.
Chị Nhung chia sẻ, suốt năm đầu tiên đó, chị vừa lo lắng về chuyện của con, lại vừa phải lo bảo vệ đề cương nghiên cứu, nên lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng.
Đối mặt với thử thách
Khi xác định mang con theo trong quá trình học lên tiến sĩ, các bà mẹ đã xác định tư tưởng trước về những gì đang chờ đợi họ phía trước, nên hầu như ai cũng trở nên mạnh mẽ hơn bình thường để đương đầu với thử thách.
Những người mẹ này đã tìm cách sắp xếp cuộc sống của mình thật khoa học để đảm bảo vừa hoàn thành tốt công việc, vừa có đủ thời gian để dành cho con cái.
Điều quan trọng nhất, theo các bà mẹ sinh viên tiến sĩ, là tìm thuê nhà gần nơi làm việc và trường học của con. Như vậy, hàng ngày họ có thể tiết kiệm được khá nhiều thời gian đưa đón. Thậm chí, họ có thể tranh thủ giờ nghỉ trưa để về qua nhà chuẩn bị nhanh cho bữa tối. Đến giờ đón con về, hai mẹ con chỉ việc ăn và dành số thời gian còn lại để ôn bài hoặc chơi cùng nhau.
Bí quyết thứ hai là sắp xếp một lối sống khoa học cho cả hai mẹ con. Các bé luôn được đi ngủ sớm và đúng giờ, thường muộn nhất là 21 giờ đối với những bé tiểu học. Như vậy, vừa đảm bảo đủ sức khoẻ cho con, mà các mẹ cũng có thêm thời gian để làm việc vào buổi tối, bù lại cho những lúc phải nghỉ việc ở trường chăm con những lúc ốm đau.
Riêng ngày cuối tuần, các mẹ thường dành hết thời gian cho con, hai mẹ con làm gì cũng có nhau, như cùng đi chợ chuẩn bị đồ ăn cho cả tuần, cùng đi thăm bạn bè, cùng ra công viên. Thậm chí, khi có kì nghỉ như nghỉ hè hoặc nghỉ xuân, mẹ con thường tranh thủ đi du lịch, thăm thú các nơi.
Vào mùa hè, các ông bố cũng có thể xin nghỉ phép để sang chơi cùng hai mẹ con ít ngày. Bằng cách đó, các bé sẽ không còn cảm thấy buồn khi cuộc sống chỉ quanh quẩn hai mẹ con với nhau.
Đối với vấn đề tài chính, ngoài việc cố gắng chi tiêu hợp lý, nhiều bà mẹ sinh viên tiến sĩ đã nỗ lực làm việc thêm, vừa để trau dồi kiến thức, kĩ năng, lại vừa tăng thêm thu nhập. Ngoài công trình nghiên cứu của mình, chị Trang còn kí hợp đồng để tham gia các dự án nghiên cứu khác của phòng thí nghiệm. Tuy công việc vất vả nhưng chị đã học hỏi được thêm rất nhiều trong quá trình làm việc tại đây.
Chị Quyên cũng vậy, được biết ở trường đại học nơi mình đang làm nghiên cứu có tuyển giáo viên hợp đồng, chị đã mạnh dạn đăng ký. Năm đầu tiên chị đã không dám thử do tiếng Pháp còn hạn chế, nhưng sau đó, với nỗ lực không ngừng nghỉ, chị đã được kí hợp đồng với nhà trường để phụ trách một môn học phù hợp với chuyên môn.
Đôi khi, có những thời điểm gấp rút, các sinh viên tiến sĩ sẽ trở nên vô cùng bận rộn, ví dụ như phải tham dự các hội thảo, phải đi thu thập dữ liệu. Những lúc đó, nếu không có sự giúp đỡ từ gia đình, họ sẽ khó mà vượt qua được.
Chị Quyên kể, sau hai năm làm tiến sĩ ở Pháp, chị phải tham gia hội thảo liên tục, buộc phải gửi con về Việt Nam một thời gian, vì không thể gửi con cho ai khác ở Pháp. Sau một thời gian, chị mới có thể đón cháu quay trở lại.
Đối với chị Nhung, trong những thời điểm bận rộn nhất, ông bà nội ngoại thường thay phiên nhau sang New Zealand để hỗ trợ chị trong việc đưa đón và chăm sóc các cháu để chị có thời gian tập trung làm việc.
Chị Phạm Mai Khanh, nghiên cứu sinh ngành vật lý ở Bỉ, có phần may mắn hơn khi có chồng bên cạnh, nhất là vào những thời điểm sinh con hoặc những lúc con ốm đau dài ngày. Chị bảo nếu không có sự hỗ trợ của chồng, chị có thể sẽ không vượt qua được những ngày tháng khó khăn ấy.
Ngoài ra, bên cạnh gia đình, những bà mẹ tiến sĩ này cũng thường nhận được sự thông cảm từ giáo sư, hoặc sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng nghiệp hoặc của cộng đồng người Việt tại nơi họ sinh sống. Những chia sẻ, những hỗ trợ từ họ đã tiếp một phần sức mạnh không nhỏ cho những sinh viên đặc biệt này tiếp tục con đường chông gai của họ.
Mẹ học từ con
Đối với những bà mẹ sinh viên tiến sĩ này, con cái là nguồn động viên lớn lao nhất của họ trong những tháng ngày xa gia đình, xa quê hương. Sau một ngày căng thẳng mệt mỏi, chỉ cần gặp con, thấy con vui, con cười là dường như mọi nỗi nhọc nhằn đều tan biến.
Việc được ở gần con cũng giúp cho họ nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ nhà khi ở một nơi xa lạ. Với họ, con cái chính là điểm tựa tinh thần lớn lao nhất để vững tâm làm việc khi ở xứ người.
Chị Hường và bé Cún bên cánh đồng hoa oải hương
Khó khăn nào rồi cũng sẽ qua. Tuy rằng thời gian để ổn định cuộc sống của mỗi bà mẹ là khác nhau, nhưng khi mọi việc đã vào guồng, thì cứ thế mà “vận hành” thôi.
Bé Nick giờ cũng đã lớn hơn, đã ra dáng “anh cả” lắm rồi, biết ăn ngoan chơi ngoan không còn quấy mẹ nữa. Bé Cún nhà chị Quyên giờ đã vào lớp Một, quen trường quen lớp, lại thành thạo tiếng Pháp, không còn mè nheo mẹ mỗi sáng đến trường.
Bé Tom nhà chị Nhung, sau 6 tháng thu mình, giờ đã hoàn toàn hoà nhập với các bạn cùng lớp; chị Nhung sung sướng nói, cuối cùng, chàng trai trẻ của chị cũng biết tự vùng vẫy để vượt qua chướng ngại vật đầu đời.
Ngoài ra, các bà mẹ này cũng chia sẻ rằng, họ hoàn toàn hài lòng với quyết định mang con theo cùng với mình. Bởi ở những đất nước phát triển như Mỹ, Pháp, Bỉ hay New Zealand, con cái họ đã được trải nghiệm một cuộc sống hoàn toàn khác, nếu đúng ra là được nhận những chăm sóc tốt hơn về y tế, về môi trường, dinh dưỡng cũng như trải qua những năm học đầu tiên ở những nền giáo dục tuyệt vời.
Ngoài ra, các cô bé cậu bé cũng trở nên tự lập và năng động hơn khi ở nhà. Thậm chí, theo chia sẻ của chị Mai, nhờ có con mà chị gặp gỡ nhiều hơn với các phụ huynh trong lớp của con để hiểu thêm về đời sống và cách chăm sóc con cái của họ, từ đó nhanh chóng hoà nhập hơn với cuộc sống mới cũng như học hỏi được nhiều điều hay.
Điều tuyệt vời nhất, theo các bà mẹ, là họ có thể tự tay chăm sóc con mình và theo sát con những năm đầu đời, không bỏ lỡ sự phát triển nào cả về thể chất lẫn trí tuệ của con.
Tất nhiên, để làm được những điều này, sự hi sinh của các bà mẹ là không nhỏ. Họ hầu như có rất ít thời gian dành cho bản thân, vì thời gian của họ hầu như đều chia đôi giữa công việc và con cái.
Đôi khi, các bà mẹ sinh viên phải nỗ lực gấp đôi người bình thường, nếu họ muốn đảm bảo chất lượng nghiên cứu, bởi để hoàn thành một chương trình tiến sĩ ở những đất nước phát triển là điều hoàn toàn không hề dễ dàng. Đó là những ngày làm việc không ngừng nghỉ, nếu không phải là người trong cuộc thì khó có thể hình dung được.
Tôi muốn gọi những bà mẹ sinh viên tiến sĩ này là gấu mẹ vĩ đại. Trong mắt tôi, họ là những bà mẹ tuyệt vời. Một mặt, họ luôn nỗ lực phát triển trong công việc, khẳng định vai trò và đóng góp của mình cho xã hội, mặt khác, họ không quên thiên chức làm mẹ của mình, dù đi đâu cũng lo lắng, dành ưu tiên số một cho con cái.
Nếu không có ý chí kiên cường và trái tim yêu thương vô bờ bến, có lẽ họ đã không dám bước chân ra khỏi vùng an toàn để đặt chân lên con đường nhiều chông gai này.
Tôi muốn được dành cho những bà mẹ tiến sĩ dũng cảm này những lời chúc tốt đẹp nhất, chúc cho hai mẹ con các chị chân cứng đá mềm sớm kết thúc con đường thử thách này và bước sang một chương mới của cuộc đời và sự nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.