Như người tri kỷ

26/12/2015 07:51 GMT+7

Tôi cộng tác với Báo Thanh Niên muộn màng hơn nhiều báo khác. Năm 1976, tôi đã có vè đăng trên tờ tin Tuổi Trẻ. Sau đó là Sài Gòn Giải Phóng và nhiều tờ khác, chủ yếu là mảng thiếu nhi.

Tôi cộng tác với Báo Thanh Niên muộn màng hơn nhiều báo khác. Năm 1976, tôi đã có vè đăng trên tờ tin Tuổi Trẻ. Sau đó là Sài Gòn Giải Phóng và nhiều tờ khác, chủ yếu là mảng thiếu nhi. 

Ông Nguyễn Văn Mỹ trong một lần họp cộng tác viên tại Báo Thanh Niên - Ảnh: Diệp Đức MinhÔng Nguyễn Văn Mỹ trong một lần họp cộng tác viên tại Báo Thanh Niên - Ảnh: Diệp Đức Minh
Từ 1995 làm du lịch, đi nhiều nên có điều kiện viết cho nhiều tờ khác, ngoài Thanh Niên. Là dân Thành đoàn từ trước 1975, tôi quen thân với nhiều anh em nhà báo, nhưng quen quá hóa lờn, nhiều khi cũng khó làm việc.
Thanh Niên là tờ báo lớn, cơ quan đặt dài hạn và tôi phải đọc hằng ngày, cũng như cơm trong từng bữa ăn vậy. Bài đầu tiên tôi viết cho Thanh Niên là tham gia diễn đàn Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ? (đầu năm 2006). Viết vì bức xúc, không ngờ được đăng ngay. Thừa thắng xông lên, tôi viết thêm mấy bài thời sự. Có bài còn được chọn đăng trang 1 mục Chào buổi sáng. Thế là từ đó, tôi phải lòng Thanh Niên, lơ là mấy tờ khác.
Tôi nhớ mãi lần tòa soạn cử phóng viên đến tận chung cư tôi ở lúc 21 giờ để đặt bài mở đầu chuyên đề Nhà vệ sinh du lịch. Chuyên đề có tiếng vang lớn. Dự hội nghị các tỉnh, nhiều đồng nghiệp đến cảm ơn và khoe “Nhờ loạt bài đó, lãnh đạo tỉnh đọc và chỉ đạo các nơi kiểm chứng, khắc phục”. Tôi gốc Nghệ An, vào Sài Gòn từ trước 1975 và làm rể Nam bộ nên nhiễm tính cách bộc trực của dân Sài Gòn. Cứ thấy chuyện bất bình là nói “toạc móng heo”, nhiều khi cũng đụng chạm. Lâu nay, chỉ được nói trong các hội nghị hay dịp “trà dư tửu hậu”. Nay có Báo Thanh Niên nói hộ bức xúc, vừa nhanh, vừa hiệu quả. Cho đến giờ, có những biên tập viên tôi chỉ làm việc qua mail và điện thoại, chứ chưa gặp mặt. Có những phóng viên đặt bài cũng vậy. Chỉ nghe tên hoặc biết tiếng. Thậm chí gần như họp cộng tác viên cuối năm lần nào cũng vắng mặt vì còn rong ruổi đi tour.
Tháng 5.2010, Phó tổng biên tập Đặng Việt Hoa gặp tôi và nhờ tôi tham gia Thanh Niên tuần san hằng tuần, đứng trang chuyên mục Ngày đàng sàng khôn bên cạnh các “đại gia” như Nguyễn Quang Lập (chuyên mục Giai thoại), Vũ Đức Sao Biển (chuyên mục Tiểu luận). Các anh là dân chuyên nghiệp, lại đang nghỉ hưu. Còn tôi, tay ngang múa kiếm, đang làm CEO kiêm hướng dẫn viên, rồi đi dạy, làm sao viết nổi. Tôi chối đây đẩy như “đỉa phải vôi” vì tự lượng quá sức mình. Hoa cứ nằng nặc “Em tin anh viết được”. Ép quá, tôi nhận liều và thòng thêm “Anh không viết một chiều đâu nha”. Tôi nghĩ mình mới đi vài chục nước. Nhận đại nên sẽ viết đại, chừng mấy tháng hết chuyện thì thôi.
Ban đầu non tay, tôi viết mỗi nước một bài. Bỏ đánh máy quá lâu, lại mập mờ máy tính. Tôi đành viết tay, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, cả trên tour. Viết xong, thuê lễ tân khách sạn đánh máy, tối về chỉnh sửa lại. Lúc đầu viết dài ngoằng, chắc biên tập cũng khổ sở. Dần dà lên tay, viết vừa đủ chữ và đủ ý, không ôm đồm từng nước mà chia nhỏ thành nhiều điểm, càng viết càng thích thú vì được kiểm tra và ôn lại kiến thức. Một cách tự học thú vị mà hiệu quả. Tháng 8.2013 chuyên mục của tôi kết thúc. Ngày đàng sàng khôn hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Không phải viết bài hằng tuần, tôi có thời gian tổng hợp lại theo yêu cầu của Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ thành phố để in thành 2 cuốn sách.
Có thể nói, nhờ Thanh Niên, tôi có 2 cuốn sách viết về du lịch được in và 2 cuốn Lượm lặt chuyện đờiGóp nhặt chuyện nghề (du lịch và dạy học) đang chuẩn bị. Từ lúc Thanh Niên mở mục Tôi viết trên online, tôi càng viết khỏe, như chim cánh cụt được nối cánh. Thấy việc gì bức xúc là lại hì hục trải lòng. Trước là đóng góp cho cộng đồng, sau là giảm stress vì có chỗ dốc bầu tâm sự. Nhờ Thanh Niên, tôi trẻ trung, năng động hơn, đi nhiều hơn và viết tốt hơn. Bây giờ, tôi như người nhà của báo. Dự các hội thảo, hội nghị về du lịch, nếu không có phóng viên Thanh Niên tham dự thì tôi đại diện (có xin phép tòa soạn đàng hoàng). Nhiều khi được đặt bài hoặc nhờ chữa cháy, chỉ cần vài giờ là tôi đáp ứng ngay, dù đang ở đâu, chỉ cần có wifi là “sẵn sàng chiến đấu”.
Sự đời gắn bó phải có duyên nợ. Tôi gắn bó với Thanh Niên cũng là duyên nợ nghề nghiệp. Có thể nói Báo Thanh Niên đã góp phần thay đổi cuộc đời tôi. Như người tri kỷ, Thanh Niên luôn đồng hành và tiếp lửa để tôi tiếp tục xông pha trận mạc, góp sức cho đời, dù đã tới tuổi nghỉ hưu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.