Nhọc nhằn nghề nuôi bệnh

17/03/2012 08:25 GMT+7

Nhẫn nhịn, chịu khó và yêu thương người bệnh như người thân của mình, người lao động mới có thể trụ được với nghề.

Nhẫn nhịn, chịu khó và yêu thương người bệnh như người thân của mình, người lao động mới có thể trụ được với nghề.

Chúng tôi gặp chị Trần Thị Yến Châu tại nhà một người bệnh ở quận Bình Thạnh – TPHCM. Lúc này, chị đang dùng khăn lau cổ rồi nhẹ nhàng xoa bóp tay chân cho người bệnh. Nếu chị Châu không mặc đồng phục của Trung tâm Dạy nghề và Dịch vụ việc làm Thanh niên Trường Sơn, chúng tôi cứ nghĩ chị là người thân của ông cụ bởi sự chăm sóc tận tình, chu đáo của chị.

Nhiều nỗi xót xa...

Chị Châu tâm sự: “Để có thể làm công việc thành thục và chuyên nghiệp như ngày hôm nay, tôi đã không ít lần khóc thầm”. Những ngày đầu mới vào nghề, chị Châu nhận chăm sóc một bệnh nhân nữ bị ung thư phổi ở Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Tuy đã được đào tạo về tâm lý người bệnh nhưng chị đã sốc khi bị người bệnh mắng chửi, xua đuổi; thậm chí đạp vào người. “Ở quê đi làm phụ hồ hay buôn thúng bán bưng tuy vất vả nhưng chưa bao giờ tôi bị đối xử như vậy nên lúc đó tôi tủi thân lắm”- chị Châu nhớ lại.

 
Chị Trần Thị Yến Châu đang chăm sóc người bệnh tại nhà ở quận Bình Thạnh - TPHCM

Dù biết làm nghề nuôi bệnh phải chịu cực nhưng khi vào nghề, người nuôi bệnh mới thấm thía nhiều nỗi xót xa. Ngoài chịu đựng tính khí thất thường của người bệnh, chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga đã cắn răng chịu đựng sự “hành hạ” của người nhà bệnh nhân. Trong 2 năm làm nghề, không ít lần chị Nga khổ sở vì người nhà than mất tiền, rồi nặng nhẹ đủ điều. Chị Nga kể khi nhận ca chăm sóc một bà cụ bị bệnh não ở Bệnh viện Trưng Vương, chị đã bị chồng bà, một người đáng tuổi cha sàm sỡ. “Đêm không dám ngủ, tôi chỉ biết khóc thầm”- chị Nga nghẹn ngào.

Hạnh phúc trong công việc

Tuy vậy, người nuôi bệnh cũng có khi nhận được niềm vui từ nghề. Vì làm ăn thất bại, nợ nần, chị Nguyễn Thị Hồng Mai rời gia đình lên TPHCM làm nghề nuôi bệnh. Ba năm làm nghề, đi đến đâu chị Mai cũng được người nhà bệnh nhân quý mến. Hiện chị Mai đang nuôi một ca bệnh tại nhà ở đường Võ Thị Sáu, quận 3 - TPHCM.

Khi mới nhận ca, cụ bà rất yếu, không ăn được, chỉ nằm một chỗ. Thế nhưng qua sự chăm sóc chu đáo, tận tình của chị, giờ cụ đã ăn uống được và có thể tự chống gậy đi lại. Đã thế, chị Mai còn tranh thủ giúp việc nhà khi rảnh rỗi nên người nhà càng quý hơn. “Tết vừa rồi, thấy bà cụ và người nhà trông quá nên mới mùng 3 Tết tôi đã lên”- chị Mai cho biết.

Trước đây, khi nuôi một người bệnh ở Bệnh viện Sài Gòn, chị Mai đã nhiều lần xúc động khi ăn gì người bệnh cũng chia cho chị. Khi uống sữa, người bệnh uống một ly thì bắt chị uống một ly. Còn chị Trần Thị Yến Châu thì luôn được người nhà bệnh nhân cho quần áo và tiền mỗi khi về quê. “Làm công việc này, chỉ cần người bệnh khỏe lại là mình thấy vui và hạnh phúc rồi nên khi người nhà đối xử tử tế, mình càng thấy ấm áp”- chị Châu tâm sự.

Phải có tâm với người bệnh

Ban đầu, người lao động đến với nghề này chỉ nhằm mục đích mưu sinh nhưng lâu dần họ gắn bó với nghề bằng tình thương giữa người với người chứ không phải bằng đồng lương hằng tháng. Anh Nguyễn Văn Xe cho biết: “Khi ở quê, tôi làm việc ở xã nhưng thu nhập không đủ nuôi ba đứa con ăn học nên tôi lên TPHCM làm nghề nuôi bệnh. Nhưng giờ nghĩ lại, nếu chỉ vì tiền chắc tôi không trụ được với nghề”.

Ông Hàng Minh Cường, Trưởng bộ phận dịch vụ chăm sóc gia đình Trung tâm Dạy nghề và Dịch vụ việc làm Thanh niên Trường Sơn, nhận xét: “Ban đầu, họ chỉ coi người bệnh là khách hàng nhưng dần dà mỗi cử chỉ chăm sóc của họ đều chứa đầy tình thương với mong muốn xoa dịu nỗi đau của người bệnh”.

Ông Cường cũng cho biết hiện nay, nhu cầu người nuôi bệnh rất cao, nhất là người nuôi bệnh chuyên nghiệp. Đây là nghề “rộng cửa” cho mọi người trong độ tuổi lao động, không yêu cầu trình độ học vấn miễn là sức khỏe tốt, chịu cực và có tâm đều có thể theo học nghề và làm nghề.

Đến với nghề như một chữ “duyên”

Theo ông Huỳnh Nhân, Giám đốc Công ty Nhân Ái, làm nghề nuôi bệnh phải có tâm. Phải xác định chăm sóc người bệnh như chăm sóc người thân mới có thể chịu cực và vượt qua được mặc cảm của công việc. “Đa số người làm nghề nuôi bệnh đều rất đáng thương. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng như con mất, làm ăn thất bại hay gia đình không hạnh phúc nhưng họ đều có điểm chung là cuộc sống nghèo khổ, khó khăn phải rời xa gia đình để tìm kiếm cho mình một cơ hội việc làm để rồi tình cờ đến với nghề như một chữ “duyên” - ông Huỳnh Nhân nhìn nhận.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.