Xã đảo khát nước

28/03/2015 11:27 GMT+7

Hơn tháng nay, tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các xã đảo của H.Kiên Hải (Kiên Giang) đang rất nghiêm trọng, các hồ chứa nước trên xã đảo Nam Du và An Sơn gần như phơi đáy.

Hơn tháng nay, tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các xã đảo của H.Kiên Hải (Kiên Giang) đang rất nghiêm trọng, các hồ chứa nước trên xã đảo Nam Du và An Sơn gần như phơi đáy.

Khô hạn kéo dài làm cho tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các xã ở Kiên Hải càng thêm trầm trọng - Ảnh: Phương Vy
Nguy cơ không còn nước sử dụng
Theo người dân sinh sống trên 2 xã đảo Nam Du và An Sơn, tình trạng thiếu nước sinh hoạt bắt đầu từ khoảng cuối tháng 1.2015 đến nay. Nước mưa trữ lại của các hộ gia đình đang cạn dần, trong khi đó hồ chứa nước mưa tại xã An Sơn với dung tích 30.000 m3 cũng đã không còn nước để bơm cấp cho dân. Nước sinh hoạt của người dân trên các đảo hiện nay chủ yếu đổi từ nơi khác chở đến với mức giá từ 120.000 - 150.000 đồng/m³. Nếu nắng hạn kéo dài khoảng 1 tháng nữa thì người dân nơi đây sẽ không còn nước để sử dụng.
Chị Nguyễn Thị Uya (ngụ ấp An Phú, xã Nam Du) cho biết: “Mới đầu mùa khô mà đã hết nước xài. Giá thì lên đến 25.000 đồng/phi (220 lít), mai mốt sẽ lên đến 30.000 đồng/phi nhưng chưa chắc đã có để mua sử dụng. Giá cao nhưng muốn có nước phải dặn trước mấy ngày để người ta bố trí người đến bơm cho mình. Mà nước này chỉ có thể rửa, giặt đồ, còn nước nấu ăn phải sử dụng nước suối từ trong đất liền mang ra từ 22.000 - 25.000 đồng/bình (20 lít). Để tiết kiệm, bà con thường sử dụng nước cho 2 - 3 mục đích như nước vo gạo thì dùng để rửa rau… không thể xài phung phí được”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Loan (ngụ tổ 2, ấp An Bình, xã Nam Du) cho biết 3 - 4 ngày nay nguồn nước dự trữ của gia đình chị đã cạn, khi kêu thì người ta trả lời phải 2 - 3 ngày nữa mới tới bơm được. Thiếu nước nên phải xài nhín nhín, như khi rửa chén, giặt đồ cũng chỉ dám sử dụng 1 thau nước nhỏ. Còn nước suối đổi để nấu ăn bình thường 18.000 đồng/bình nay đã tăng thêm khoảng 4.000 đồng/bình. Do thiếu nước, nhiều hộ thậm chí phải tranh giành mối dẫn đến cự cãi nhau.
Người dân trên đảo sử dụng nước vào 2 - 3 mục đích - Ảnh: Phương Vy
Cần có chính sách trợ giá nước
Ông Đoàn Hồng Phương, Trưởng ấp Củ Tron (xã An Sơn), cho biết mới đây, trạm cấp nước của xã thông báo chỉ đủ nước cung cấp khoảng 20 ngày nữa là hết. Nước được cấp cho bà con xài theo giờ phát điện của nhà máy buổi sáng 3 giờ, chiều 3 giờ. “Nếu hết nước thì bà con trên đảo sử dụng bằng nước giếng đào tự phát. Tới đây, nắng hạn kéo dài, nước giếng đào cũng sẽ cạn kiệt cho nên bà con phải đi đổi nước ở địa phương khác chở tới nhưng giá quá cao. Do đó, tôi xin kiến nghị với các cấp lãnh đạo hỗ trợ giá nước cho bà con trên đảo”, ông Phương nói.
Ông Trần Như Tiến, Chủ tịch UBND xã Nam Du, cho biết: “Từ cuối tháng 12 đến nay tình hình khan hiếm nước ngọt trên địa bàn rất nghiêm trọng. Hiện nay do trên địa bàn xã chưa được đầu tư các hồ chứa nước ngọt, người dân chủ yếu sử dụng bồn chứa, hoặc đổi nước nên ngoài nên tình trạng thiếu nước càng thêm trầm trọng. Hiện giá nước sinh hoạt đã lên đến 150.000 đồng/m3, nếu tiếp tục khô hạn kéo dài thì giá nước có thể lên 170.000 đồng/m3 nhưng chưa chắc có nước để đổi.
Hiện trên địa bàn xã đảo Nam Du có trên 10 ghe đổi nước nhưng vẫn không đủ cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Theo lãnh đạo UBND xã Nam Du, để khắc phục vấn đề thiếu nước sinh hoạt hằng năm, các ngành có liên quan cần sớm xây dựng hồ chức nước ngọt ở hòn Ngang và hòn Mấu theo Chương trình biển Đông - hải đảo… Trong khi chờ xây dựng hồ chứa thì các ngành chức năng của tỉnh nên có chính sách hỗ trợ giá nước hằng năm cho người dân trên các đảo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.