Xã 'bốc mùi'

12/11/2013 12:19 GMT+7

Xã Vĩnh Long, H.Vĩnh Vinh (Quảng Trị) đang bị rất nhiều nhà máy không có hệ thống xử lý môi trường bao vây, khiến nhiều thôn trong xã... bốc mùi hôi thối.

Xã 'bốc mùi'

Người dân xã Vĩnh Long (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) chịu hết xiết với bãi rác  này -  Ảnh: Nguyễn Phúc

Xã Vĩnh Long được biết đến là một xã thuần nông, dù vậy chính quyền luôn “dang tay” mời gọi các doanh nghiệp về địa phương đầu tư. Nhưng sau vài năm, sự phát triển không đi kèm với việc chăm lo cho môi trường nên đâu đâu cũng nghe nỗi oán thán của người dân. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn xã có hai nhà máy sản xuất giấy, một nhà máy nhựa, bốn nhà máy chế biến cao su. Những nhà máy này thi nhau “hun khói” người dân địa phương do cách làm ăn tắc trách của mình, đặc biệt nghiêm trọng ở thôn Cây Si và thôn Thống Nhất. Trong số này, người dân cũng chỉ mặt “siêu quậy” là nhà máy nhựa Cường Anh.

Nằm dọc trên tỉnh lộ 7, nhà máy nhựa Cường Anh rất “hoang sơ”, không hề có tường rào. Nhà dân gần nhà máy nhất chỉ cách chừng 25m. Đập vào mắt mọi người là một bãi ngổn ngang bao bì, nhựa các loại, khá giống một... bãi rác. “Bốn năm qua họ có che chắn gì đâu nên mỗi ngày trời gió, túi nilong bay khắp làng. Ban đêm thì nổi lửa đốt, mùi khét lẹt khó chịu len lỏi vào từng nhà. Tình hình này rồi có ngày cũng có người chết vì bệnh hô hấp. Chúng tôi lên phản ánh thì lãnh đạo nhà máy nói mấy anh là dân, biết chi...”, ông Trần Đình Năm, trưởng thôn Cây Si thở dài não ruột. Ở thôn Thống Nhất, các nhà máy chế biến cao su cũng “góp công” làm không khí tại đây ô nhiễm thêm trầm trọng. Nguồn nước tại một số thôn như Sa Nam, Sa Bắc cũng bị ảnh hưởng do nước thải từ các nhà máy chế biến cao su này. “Người ta làm nhà máy phải bỏ ra tiền tỉ để xử lý các chất thải, đằng này nhiều nhà máy không làm hoặc làm cho có vẫn được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động là sao? Chúng tôi năm nào cũng kêu, năm nào cũng kiến nghị mà có ăn thua gì đâu”, một người dân tự hỏi.

Trao đổi với Thanh Niên ông Trần Quốc Lương, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Long thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường do các nhà máy gây nên cho địa bàn xã là rất bức bách. “Nguyên nhân cũng do việc quy hoạch khu công nghiệp của địa phương chưa đến nơi đến chốn, làm chắp vá nên nhà máy tọa gần khu dân cư. Địa phương muốn phát triển công nghiệp nhưng các nhà máy cũng cần thực hiện đúng cam kết về xử lý môi trường thì sự phát triển mới bền được”, ông Lương nói.

Tưởng như chừng đó thứ hôi hám vẫn “chưa đủ” với dân xã Vĩnh Long, gần 1 năm trở lại đây chính quyền lại đưa một bãi rác “tạm” về xã này. Theo tìm hiểu của PV, sau khi bãi rác tại thị trấn Hồ Xá bị đóng cửa, H.Vĩnh Linh đã đưa rác lên tập kết tại khu đồi giáp ranh giữa thôn Thống Nhất và thôn Cây Si. Trưởng thôn Cây Si Trần Đình Năm kêu ca rằng: “Rác cả huyện đổ về đây, lại ở trên đầu nguồn nước nên mùi hôi như “phong tỏa” cả xóm làng. Ruồi nhặng nhiều vô kể, nhiều nhà dân ăn cơm phải kè kè cái lồng bàn. Mở ra gắp thức ăn rồi lập tức đậy lại, cứ thế cho đến hết bữa... Cơ khổ vô cùng”.

Liên quan đến việc này, ông Lương cũng không khỏi bức xúc: “Nói là bãi rác tạm nhưng có phải ngày một ngày hai đâu. Nếu muốn dân không kêu thì tỉnh, huyện phải xây tường bao, chống thấm và có biện pháp xử lý rác chứ chỉ dùng một ít hóa chất thì ăn thua gì”. Những kiến nghị, những bức xúc của người dân và chính quyền xã Vĩnh Long không biết bao giờ mới được giải quyết nhưng người dân địa phương đã chua chát rằng: “Kêu chừng nào họ “tặng” thêm nhà máy chừng ấy”.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.