Vùng đất có nhiều giếng nước phun cao

06/06/2015 10:22 GMT+7

Trong khi nhiều địa phương đang chống chọi với hạn hán và “khát” nước sạch thì có một vùng đất rộng chừng 20.000 m 2 ở H.Thống Nhất (Đồng Nai), cứ hễ khoan giếng thì nước lại phun cao từ 2-3 mét.

Trong khi nhiều địa phương đang chống chọi với hạn hán và “khát” nước sạch thì có một vùng đất rộng chừng 20.000 m2 ở H.Thống Nhất (Đồng Nai), cứ hễ khoan giếng thì nước lại phun cao từ 2-3 mét.

Vùng đất có nhiều giếng nước phun cao Nước tự phun từ giếng của hộ ông Nguyễn Văn Sửu
Nước phun ngày đêm
“Các giếng nước tự phun ở H.Thống Nhất là hiện tượng khác thường và hiếm thấy. Hiện tại Sở TN-MT đang xem xét và cử cán bộ về khu vực trên để tìm hiểu, khảo sát và tiến hành nghiên cứu để có những biện pháp xử lý phù hợp” - ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai
Cái giếng đầu tiên được khoan ở vùng đất trên đã 16 năm và cho đến tận bây giờ nước từ dưới lòng đất cứ tự phun trào ngày đêm không ngớt.
Ông Tăng Văn Cao (ngụ tổ 15, ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm, H.Thống Nhất) chủ nhân của cái giếng đặc biệt này cho hay: “Vào mùa nắng năm 1999, thời tiết khô hạn khiến giếng nước đào của tôi ở độ sâu 10m bị cạn. Mặt khác, do nước giếng hay bị nhiễm phèn nên tôi quyết định thuê người về khoan giếng với hi vọng có nguồn nước sạch để dùng. Khi nhóm thợ khoan đến độ sâu 20m thì phát hiện nước theo mũi khoan trào lên, đến lúc mũi khoan được rút lên thì nước cũng theo đó phun ra ngoài tạo thành cột nước cao gần 3m. Thấy vậy, tôi rất mừng và nghĩ rằng nước phun lên như vậy vài ngày rồi thôi, nhưng không ngờ nước cứ vậy phun mãi”.
Tương tự, cách vườn của ông Cao khoảng 100m là vườn của ông Chu Văn Phương. Hơn 10 năm trước, ông Phương cũng khoan giếng lấy nước sinh hoạt. Khi khoan đến độ sâu hơn 20m thì nước trào lên, phun thành cột cao 2m so với mặt đất.
Ngoài hộ ông Cao và ông Phương, một số hộ dân ở tổ 7, ấp Ngô Quyền cũng sở hữu những giếng nước tương tự. Ông Nguyễn Văn Sửu, một trong những người có được may mắn trên cho hay ông khoan cái giếng này được hơn 10 năm với độ sâu 24m.
“Lúc khoan thì mét đầu tiên là đất, còn lại đều là đá. Khi khoan đến độ sâu 24m thì nước tràn lên, mới đầu chỉ tràn nhỏ nhưng sau thì mạnh dần rồi phun thành cột cao 2m”, ông Sửu kể.
Nước xài không xuể
Theo quan sát của chúng tôi, vùng đất này thấp và trũng, địa hình gần giống lòng chảo, nằm trên địa bàn hai tổ 7, và 9 thuộc ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm. Hiện tại bà con đang canh tác các loại cây ăn trái và cây lương thực ngắn ngày như bắp, đậu. Ở giữa lòng chảo này còn có một con suối nhỏ, người dân cho biết nước suối không bao giờ cạn, chỉ có ít đi vào mùa khô.
Việc may mắn khoan trúng mạch nước ngầm dồi dào khiến người dân rất mừng. Nước từ dưới đất phun lên cao nên bà con không phải tốn tiền mua máy bơm để hút. Mọi người chỉ cần lắp ống nhựa, làm van hai đầu không cho nước bắn lên trời rồi từ đó dẫn nước vào bồn dùng để sinh hoạt và tưới tiêu. Một số gia đình dùng không hết đã lắp nhiều ống nhỏ cho các hộ xung quanh xài ké.
Gia đình ông Nguyễn Văn Sửu đã thiết kế một dàn ống dẫn nước đến 5 ống nhỏ. Nhà ông chỉ dùng một ống, 3 ống khác ông chia cho 4 hộ dân xung quanh xài miễn phí, ống còn lại ông để chảy ra suối nhằm giảm áp lực nước.
Nhiều gia đình thấy nước chảy ngày đêm như vậy quá lãng phí nên đã tìm cách ngăn lại bằng việc khóa dòng chảy không cho phun nữa. Tuy nhiên khi làm như vậy thì sau đó mở ra nước bị ngắt phải chờ ba, bốn ngày sau mới có lại. Do sợ mất luôn nguồn nước dồi dào nên nhiều hộ dân đành để vậy sử dụng lâu dài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.