‘Vũ nữ’ lên đời

30/05/2014 08:30 GMT+7

Trước kia, nhái thường dùng làm mồi câu, thức ăn cho gà vịt nhưng nay đã lên đời thành món ăn với cái tên rất mỹ miều “vũ nữ chân dài”...

‘Vũ nữ’ lên đời
Khô nhái bây giờ là đặc sản của vùng Bảy Núi - Ảnh: Thanh Dũng

Xóm “vũ nữ chân dài”

“Vũ nữ chân dài” là món khô làm từ nhái đồng có nhiều ở các miền quê. Người dân gọi đơn giản là khô nhái nhưng dân thị thành nhìn món khô này đã gọi là “vũ nữ chân dài” hay “kiều nữ chân dài”. Khô nhái bán tại nhiều nơi ở An Giang nhưng xã Vĩnh Trung (H.Tịnh Biên) mới là đầu mối phân phối. Chợ nhái nằm khuất trong con lộ nhỏ ở ấp Vĩnh Hạ. Tại đây, khô nhái được phơi đầy trên các vỉ tre hai bên đường.

Ấp Vĩnh Hạ có hàng chục hộ dân với khoảng gần 100 người sống bằng nghề soi nhái. Tư Trắng, một tay soi nhái cự phách, nói nếu soi nhái giỏi, một đêm bắt mấy thiên nhái (1 thiên là 1.000 con), bán lẻ 14.000 đồng/100 con, cân bán ký thì 50.000 đồng/kg. Nhái có quanh năm nhưng tháng 2 đến tháng 4 nhái có rất ít, còn từ tháng 5 đến tháng 12 nhái sinh sôi nhiều, năm nào lũ lớn nhái lên gò cao, bụi rậm trốn; nước lũ rút nhái xuống đồng ruộng sinh sôi.

Tư Trắng hài hước nói thanh niên soi nhái giỏi ít ai chịu đi làm công nhân xa bởi thu nhập nghề soi nhái cao hơn nhiều. Tay săn nhái Lê Thanh Dũng (45 tuổi) nói ông đã 20 năm đi săn nhái và sống được với cái nghề này. Ông Dũng nói: “Hồi xưa ai mà ăn nhái, bởi con gì mình mẩy xương xẩu, ăn mắc công dính răng chứ ngon lành gì, gặp nó nhảy vào nhà đập chết thảy ra cho gà vịt ăn. Không ngờ có ngày nó lại thành đặc sản”. Ông Dũng cho biết khô nhái tùy theo thời điểm hút hàng hay không mà giá khác nhau, còn hiện bán sỉ là 300.000 đồng/kg.

Trưa, con đường ở xóm nhái vàng ươm màu khô. Chị Chín Hừng nói phơi nhái nhìn nhẹ nhàng nhưng khi làm rất mỏi tay. Hôm nào gặp nắng, người phơi nhái mừng vì chỉ phơi 2 nắng là thành khô bán được. Còn ngày nào gặp mưa là rầu vì gỡ nhái khỏi vỉ rồi đợi có nắng đem xếp lên phơi lại tốn thời gian.

Nghề làm đêm

Khoảng 17 giờ hằng ngày, xóm nhái í ới tiếng gọi nhau của người săn nhái, tiếng bàn tán rôm rả đêm nay nên đi cánh đồng nào. Tiếng người thu mua gắt gỏng hay kèo nài các thợ săn nhái “ráng đi bắt giùm” để có khô giao cho khách hàng đúng hẹn. Thợ săn nhái Sáu Luật nhìn ánh trăng sáng vằng vặc lo lắng. Theo ông, những du khách đến vùng Bảy Núi, lúc trăng đẹp là dịp thưởng cảnh trăng thanh gió mát. Nhưng đối với người săn nhái, trăng sáng là kém vui bởi lũ nhái thấy bóng người nhảy lưng tưng rất khó bắt. Bởi vậy, người bắt nhái khoái nhất mùa mưa vì lúc này trời mát nhái ra nhiều và dễ bắt.

19 giờ, xóm nhái im ắng với những căn nhà khép kín cửa. Chị Chín Hừng ngồi ngáp dài, nhìn đồng hồ vừa điểm 20 giờ nói giờ này phụ nữ trong xóm ngủ sớm để có sức thức cân nhái, mần nhái làm khô. Chị cho biết 1 kg nhái sống thu vào giá 50.000 đồng, bình quân hơn 3,5 kg nhái sống cho ra 1 kg nhái khô.

2 giờ, xóm nhái bị khuấy động bởi tiếng xe gắn máy ầm ĩ lẫn tiếng kêu của nhái, ấy là giờ người soi nhái đã về. Xóm đêm trở nên náo nhiệt, cánh phụ nữ như choàng tỉnh nhanh tay cân nhái. Lũ nhái được trút vào chung cái bao to, bị nhét xuống đáy các lu đầy nước nên vài phút  sau chúng đã bị “hóa kiếp”. Nhanh tay, cánh phụ nữ người cầm nhái cắt bỏ đầu, tay chân và lột da, móc bỏ ruột... rửa sạch để ướp gia vị. Đây là giai đoạn quan trọng bởi thêm gia vị như tiêu, đường, bột ngọt, ớt, nước mắm... sao cho vừa đủ để khô nhái vừa ngon, nếu không nhái sẽ lạt hoặc cay hay mặn quá.

Làm đêm đói bụng, nhiều phụ nữ lựa những con nhái to, rửa sạch, bằm nhuyễn đem nấu cháo. Các chị nói ngày xưa cháo nhái ai thèm đụng muỗng nhưng giờ nó thành món ăn ngon, biết đâu sau này món cháo nhái lại lên đời như khô nhái.

Khô nhái phơi đủ nắng, chỉ chiên sơ, ăn giòn giòn béo béo. Có người thích ăn khô nhái không cần nước chấm, có người lại thích chấm mù tạt ăn cho tăng vị nồng đầu lưỡi. Anh Tư Liền, một người làm khô nhái, nói dân nhậu ưa, dân thị thành cũng thích nếm mùi “vũ nữ chân dài” nên người dân xóm nhái tạm sống được với nghề.

Mấy hôm nay, xóm “vũ nữ chân dài” đang bận rộn bàn tán nên làm thương hiệu hay không. Hiện nay, khô nhái qua sơ chế cho vào bọc đóng gói rồi đem bán hoặc ký gửi ở các nhà hàng. Vẫn chưa ai nghĩ đến chuyện đăng ký nhãn hiệu khô nhái Vĩnh Hạ hay khô nhái Bảy Núi.

Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.