Viêm cột sống dính khớp

13/11/2013 10:16 GMT+7

Thưa bác sĩ, cháu trai của tôi năm nay 17 tuổi. Mới đầu cháu bị đau cứng nhẹ vùng cột sống thắt lưng, đau vùng hông và mông, sốt nhẹ. Gia đình có đưa đi điều trị nhiều nơi nhưng chưa giảm. Gần đây, cháu đau cột sống nặng hơn và bị teo 2 đùi. Tôi có đưa cháu lên TP.HCM, bác sĩ chẩn đoán cháu bị bệnh viêm đốt sống và dính cột sống. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và cách điều trị. Cám ơn bác sĩ. (truongd…@yahoo.com)

Thưa bác sĩ, cháu trai của tôi năm nay 17 tuổi. Mới đầu cháu bị đau cứng nhẹ vùng cột sống thắt lưng, đau vùng hông và mông, sốt nhẹ. Gia đình có đưa đi điều trị nhiều nơi nhưng chưa giảm. Gần đây, cháu đau cột sống nặng hơn và bị teo 2 đùi. Tôi có đưa cháu lên TP.HCM, bác sĩ chẩn đoán cháu bị bệnh viêm đốt sống và dính cột sống. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và cách điều trị. Cám ơn bác sĩ.  (truongd…@yahoo.com)

 

Thưa anh (chị), theo mô tả nêu trên nhiều khả năng cháu bị mắc bệnh viêm cột sống dính khớp (VCSDK). VCSDK là một bệnh thấp viêm đặc trưng bởi tổn thương khớp cùng chậu - cột sống, bệnh tiến triển chậm, xu hướng dính khớp. Bệnh có 2 đặc điểm chính là viêm và tạo xương mới, đặc biệt tại cột sống. Tỷ lệ mắc bệnh VCSDK chiếm 0,1 - 2% dân số. Bệnh chủ yếu gặp ở nam giới, trẻ, bệnh thường khởi phát ở tuổi từ 17 - 30.

Nguyên nhân của bệnh chưa biết rõ hoàn toàn, 90% trường hợp có liên quan chặt chẽ với kháng nguyên HLA - B27, ngoài ra còn do yếu tố gien và tác nhân nhiễm khuẩn ở môi trường; yếu tố gia đình chiếm 10%.

Mục tiêu điều trị: chống viêm chống đau, phòng chống cứng khớp và nhất là cứng ở tư thế xấu, khắc phục dính khớp trong thể nặng.

Nguyên tắc điều trị: giáo dục người bệnh tuân thủ điều trị, luyện tập thường xuyên kết hợp với vật lý trị liệu; điều trị thuốc chống viêm không steroid kết hợp giảm đau và dãn cơ vân khi đau nhiều; thể ngoại biên dùng Sulfasalazin, có thể dùng corticoid tại chỗ; thể nặng chỉ định điều trị thuốc sinh học; giai đoạn di chứng viêm dính khớp háng, gù vẹo cột sống quá mức có thể thay khớp háng và chỉnh sửa cột sống.

Tùy theo thể bệnh và mức độ để quyết định phác đồ điều trị. Vì vậy, khi có những dấu hiệu của bệnh, nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán xác định, áp dụng những biện pháp khống chế bệnh ngay từ lúc đầu.

Lưu ý, VCSDK là một bệnh mạn tính, cần điều trị lâu dài. Do vậy, bệnh nhân phải kiên nhẫn dùng thuốc và tập vật lý trị liệu để giảm các di chứng. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, đúng, người bệnh sẽ không có di chứng gì tại khớp. Sau khoảng 5 năm điều trị, họ hồi phục gần như bình thường. Bệnh khởi phát mạnh ở độ tuổi 10-19 nhưng đến tuổi 30-40, bệnh sẽ giảm dần hoặc không tiến triển nữa.

BS.CK2 Nguyễn Minh Tấn
Chuyên khoa Nội xương cơ khớp Y - Nha khoa Vạn Phước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.