Trong nhà không có đàn ông: Người mẹ can trường

25/03/2014 10:10 GMT+7

Trong số gần 300 hộ phụ nữ đơn thân tại xã Lộc Thuỷ (H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) có 15 chị làm nghề xe thồ. Họ đều ở tuổi ngoài 40, là trụ cột của gia đình sau khi chồng mất hoặc lâm trọng bệnh.

Trong nhà không có đàn ông: Người mẹ can trường
Chị Tôn Nữ Thị Phượng trong một lần chở khách đi bệnh viện trở về - Ảnh: Đình Toàn

Má hồng trên từng cây số

Trong số phụ nữ đang hành nghề xe thồ ở xã Lộc Thuỷ có lẽ chị là người xinh nhất và cũng là một trong những người đầu tiên chọn cái nghề cực nhọc này. Chị là Tôn Nữ Thị Phượng, ở làng Phú Xuyên, xã Lộc Thuỷ. Hai vợ chồng có với nhau bốn cậu con trai, đặt tên lần lượt là Xanh, Đỏ, Đen, Trắng (tên gọi ở nhà). Khi cu Trắng 7 tháng tuổi thì chồng chị Phượng qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Thực hiện lời dặn của chồng trước lúc lâm chung, chị đưa các con về sống ở làng Phú Xuyên. Có chiếc xe máy của chồng để lại, chị nghĩ đến việc chạy xe thồ kiếm tiền nuôi con. Khi cu Trắng còn bú sữa thì chị đi học bằng lái rồi thành nữ xe thồ chuyên nghiệp. Khách thồ quen thuộc chính là các mẹ, các chị trong xóm, trong làng đi chợ mỗi sáng với giá 5.000 đồng/người/lượt. Hơn 10 năm cầm lái, đến nay chị Phượng đã xây dựng cho mình một “thương hiệu” uy tín khắp vùng. Ngoài các “cuốc” chở khách trong làng đi chợ (khoảng 3km), số điện thoại đi động của chị Phượng cũng đã trở thành “số nóng” của làng trên xóm dưới. “Đàn ông, phụ nữ chi mình cũng chở. Ban đầu thì cũng ngượng nhưng dần rồi hắn quen hết”, chị Phượng tâm sự.

 

Con cái là động lực và điểm tựa về tinh thần đối với những chị em đơn thân. Nhà dột cột xiêu gì cũng một tay họ, con cái dở hay cũng do các chị làm gương. Thấy con cái mấy chị học hành giỏi giang, nuôi mẹ nuôi bố chồng một ngày không bỏ, việc nghĩa xóm làng đều chu tất thì đủ thấy nghị lực của các chị cũng chẳng kém đàn ông chút nào

Chủ tịch Hội phụ nữ xã Lộc Thủy Trần Thị Hiền

Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn là người phụ nữ “liễu yếu đào tơ” ấy lại có thể đi hàng chục chuyến chở khách ra Đông Hà, lên tới Cam Lộ (Quảng Trị) với hàng trăm cây số đi lẫn về. Khi có khách gọi chở vào Đà Nẵng chị cũng nhận lời. Mỗi lần như thế, để đỡ chi phí đi ô tô trung chuyển chị chở khách vượt luôn đèo Hải Vân. “Nhiều lần từ Đà Nẵng quay ra Huế đã 8 giờ tối. Một mình trên đèo không có bóng người. Chuyện bị người ta đuổi theo sau tán tỉnh, chọc ghẹo trên đèo là chuyện thường. Mà sợ nhất là họ tưởng mình có tiền nên chặn cướp. Mỗi lần như rứa tui tỏ ra “lì đòn”, nhưng về tới nhà ngồi phịch xuống thở, tim tưởng rớt mô trên đèo rồi”, chị Phượng cười kể. Riêng tuyến chở khách đi TP.Huế với chiều dài cả đi lẫn về khoảng 120km, với chị Phượng thì như “cơm bữa”. Đặc biệt, khách đi làm lại chứng minh nhân dân, đi bệnh viện thăm nuôi người thân thường là “khách ruột” của chị. Chị thổ lộ: “Tui nuôi ba của mấy cháu điều trị tháng này qua năm khác ở bệnh viện. Rồi đến ông bà ngoại, ông nội mấy cháu cũng nằm viện nên tui thuộc từng ngóc ngách nơi đó. Giấy tờ, thủ tục tui rành nên bà con thích gọi tui chở đi, bởi tới mấy cái chỗ nớ họ còn nhờ chuyện giấy tờ cho nhanh”.

Cầm lái nuôi con, thờ mẹ

Lộc Thủy là một trong những xã nghèo của H.Phú Lộc. Cho đến nay nguồn nước sạch vẫn chưa có, người dân phải dùng nước phèn hoặc vào những hóc núi để lấy nước suối về dùng, dẫu xã này nằm trong 4 xã của khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô. Cho đến nay vẫn chưa có cơ quan chức trách nào kết luận về tình trạng bệnh tật và tử vong có phần bất thường ở vùng đất này. Lộc Thủy cũng là xã có số phụ nữ đơn thân vào hàng cao nhất tỉnh, với 300 hộ phụ nữ đơn thân (tính ngang tuổi 60), trong số này khoảng một nửa là hộ nghèo. Ngoài việc làm thuê, bán vé số, hái rau chặt củi, phụ thợ nề... nghề lái xe ôm cũng được xem là nghề có thu nhập để nhiều phụ nữ đơn thân nơi đây trang trải gánh nặng cơm áo cho gia đình.

Chị Phượng kể vào mùa gặt, buổi sáng chị đi thồ, buổi chiều đi gặt thuê, mỗi ngày được 10kg lúa. Có lúa để trong nhà khỏi lo cái đói. Khi người ta cần công phụ thợ nề, chị cũng đi làm kiếm tiền để trang trải gánh nặng chi phí học tập của các con. Từ những đồng tiền dành dụm chắt chiu, năm 2012 chị Phượng mua nguyên vật liệu về cùng Xanh (con đầu) đúc từng viên bờ lô. Xong, chị vay ngân hàng 20 triệu đồng rồi thuê thợ cả đến cất lên một ngôi nhà cấp 4 trên thửa đất của mẹ cho. Hàng xóm thương tình phụ công cùng mẹ con chị “đắp từng miếng” rồi ngôi nhà cũng nên dáng nên hình. Bốn đứa con chị Phượng không phụ lòng mẹ nên rất ngoan hiền. Cháu Xanh học được nhưng hết lớp 12 thì xin mẹ ở nhà học nghề, mới đây đã cưới vợ. Đỏ thì hết lớp 9 xin vào Đà Nẵng học nghề và phụ bán hàng phụ tùng ô tô, chạy bàn. Phần lớn những khoản tiền Đỏ kiếm được gửi về phụ mẹ nuôi Đen và Trắng ăn học. Giờ đây Đen đã là sinh viên năm cuối ngành CNTT của ĐH Đà Nẵng. Còn cu Trắng học lớp 7 với 6 năm liền là học sinh giỏi.

Đình Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.