Trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGap

08/04/2013 09:17 GMT+7

Nhiều nông dân ở Bình Dương sau khi thành công với việc trồng bưởi da xanh đã nhân rộng, liên kết với nhau để cùng trồng theo tiêu chuẩn mô hình, VietGap.

Trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGap
Ông Xê giới thiệu về vườn bưởi ở trang trại - Ảnh Huy Anh

Ông Lê Văn Xê - Chủ trang trại Phương Uyên (xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên, Bình Dương) là nông dân đầu tiên ở Bình Dương đạt được chứng nhận VietGap cho sản phẩm bưởi da xanh. Nhờ áp dụng thành công phương pháp, mô hình trồng bưởi tiên tiến cùng với sự đam mê, các sản phẩm của trang trại Phương Uyên đã được Hội Nông dân Việt Nam cấp giấy chứng nhận sản phẩm. Trái bưởi da xanh trồng tại trang trại Phương Uyên đạt tiêu chuẩn VietGap.

Tỉ phú trồng bưởi

 

Tiêu chuẩn Vietgap

VietGap là cụm từ viết tắt của tiếng Anh: Vietnamese Good Agricultural Practices - có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam. Đánh giá sản phẩm theo chuẩn VietGap phải dựa trên 4 tiêu chí: Tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất; An toàn thực phẩm gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch; Môi trường làm việc mục đích nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động của nông dân; Truy tìm nguồn gốc sản phẩm; Căn cứ vào tiêu chuẩn này cho phép xác định được những vấn đề từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Quyết tâm đưa trái bưởi da xanh của Việt Nam ra thị trường thế giới, ông Lê Văn Xê đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời bỏ ra nhiều công sức xây dựng thương hiệu cho trái bưởi. Theo ông Xê, nếu so sánh thì cây bưởi da xanh có giá trị kinh tế cao hơn cây chanh. Bưởi da xanh được ông lựa chọn làm cây trồng chủ lực cho trang trại. Hiện ở trang trại Phương Uyên có trên 12 ha đất trồng bưởi da xanh.

Năng suất hàng năm của trang trại đạt khoảng 500 tấn/năm. Với giá bán trung bình khoảng 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm trang trại Phương Uyên doanh thu gần 10 tỉ đồng.
Hiện nay, bưởi da xanh thương hiệu Phương Uyên được cung cấp độc quyền cho công ty Khải Hoàn bán tại Hà Nội, và xuất khẩu. Ông Xê chia sẻ: “Xây dựng thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu còn khó hơn. Để đạt được điều này cần phải duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm của trang trại”. Một bước quan trọng trong việc giữ gìn chất lượng của sản phẩm là khâu sơ chế và bảo quản sau thu hoạch. Nếu làm tốt khâu sơ chế sẽ giúp trái cây giữ được mẫu mã, độ tươi sau khi hái và có thể vận chuyển đi xa mà không gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Mở rộng liên kết

Để sản phẩm bưởi da xanh, thương hiệu Phương Uyên được thị trường, người trong và ngoài nước đón nhận, theo ông Xê, quy trình sản xuất sản phẩm phải sạch, chất lượng cao và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, xuất phát từ nhu cầu thực tế, ông Xê cho tiến hành liên kết cùng với các trang trại trong vùng, trồng được gần 50ha bưởi theo quy trình sản xuất khép kín nhằm đảm bảo nhu cầu thị trường. Để đảm bảo vườn bưởi luôn đủ nước tưới, giảm công sức lao động cho công nhân, ông Xê đã áp dụng và cải tiến hệ thống phun nước tự động học được ở nước ngoài, vào tưới nước cho toàn bộ vườn cây.

Trao đổi với chúng tôi, ông Xê cho biết đã tiến hành mở rộng liên kết với nông dân tại các tỉnh như Bến Tre, Bình Phước, Đắk Nông về quy trình trồng bưởi sạch. Theo ông Xê, trong thời gian tới tại trang trại Phương Uyên sẽ thành lập hội liên kết trồng bưởi da xanh đặc thù của Tân Uyên theo tiêu chuẩn và mô hình VietGap. Những người được kết nạp sẽ được chuyển giao và hướng dẫn toàn kỹ thuật trồng cấy và quy trình sản xuất bưởi. Để đảm bảo cho hội viên sản xuất đủ điều kiện canh tác, trang trại Phương Uyên đang cho xây dựng kho chứa phân bón, trang thiết bị vật tư phục cho hội viên tham gia hội liên kết trồng bưởi luôn đảm bảo quy trình VietGap. Thực hiện bao tiêu sản phẩm bưởi da xanh.

H.A

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.