Tràn lan khai thác vàng trái phép

22/07/2015 12:04 GMT+7

Trở lại khu mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, H.Phú Ninh, Quảng Nam), chúng tôi tận mắt cảnh rừng bị tàn phá, hầm hố ngổn ngang, đất đá bị cày xới và tiếng máy nổ ầm vang như một công trường.

Trở lại khu mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, H.Phú Ninh, Quảng Nam), chúng tôi tận mắt cảnh rừng bị tàn phá, hầm hố ngổn ngang, đất đá bị cày xới và tiếng máy nổ ầm vang như một công trường.

Tràn lan khai thác vàng trái phép Ngang nhiên khai thác vàng trái phép - Ảnh: Mạnh Cường
Có mặt tại chân núi Kẽm, từ đây nhìn lên núi đã thấy hàng trăm lều bạt được che tạm bợ nằm sát bên nhau.
Xã Tam Lãnh có tổng diện tích gần 7.000ha, địa hình rộng, tiếp giáp nhiều địa phương, lại nằm trong “lãnh địa vàng” của tỉnh, nên nơi đây là địa điểm lý tưởng cho nhiều đối tượng đào đãi vàng trái phép đổ về.
Những phu vàng ở đây đa số là dân nghèo, lao động nặng trước đây họ vốn là công nhân của một công ty khai thác vàng, sau một khoảng thời gian làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất công ty này đóng cửa và ngừng hoạt động. Cũng từ lúc đó người dân tự đứng ra sắm máy móc rồi lên núi lập thành các trại, tổ chức đào vàng trái phép.
Hai cán bộ xã dẫn chúng tôi vượt suối, băng rừng lần lượt tìm đến những trại đào vàng được cho là có quy mô lớn nhất trong số hàng trăm trại, đó là trại của bà T.T.M.H (50 tuổi), ông T.V.Q ( 49 tuổi) đều trú tại thôn An Bình, ông V.V.T (45 tuổi) thôn Bồng Miêu... Hàng trăm con người đang ra sức đào xới cạnh những hầm hố sâu hoắm bên vách núi dựng cheo leo, nhiều lán tạm bợ được dựng bên những vực núi chênh vênh rất nguy hiểm. Khi thấy chúng tôi, những phu vàng nhanh tay tắt máy móc đang hoạt động và bỏ đi thẳng vào rừng, nhưng cũng có những phu vàng vẫn bình thản khai thác như không có chuyện gì xảy ra.
Anh Đặng Ngọc Sơn, Công an viên xã Tam Lãnh cho biết: “Từ đầu năm xã đã tổ chức 5 cuộc truy quét, phá hủy 15 máy, 2 cối xay nghiền và các phương tiện phục vụ cho việc làm vàng trái phép, hủy hơn 100 khối đá quặng. Dù đã làm mọi cách để ngăn cấm nhưng mọi việc vẫn tiếp diễn như cũ. Truy quét hôm nay hôm sau lại thấy tiếng máy khai thác lại nổ ầm ầm vang cả khu rừng. Có những đêm nhìn lên núi Kẽm thấy ánh điện được thắp sáng để khai thác, tưởng như những vì sao lấp lánh trong đêm”.
Tại bãi khai thác, hàng chục hầm chứa quặng, đất đá bị cày xới tan nát. Sau khi đào xới núi rừng tạo thành những hầm, hố, có hố vài ba mét, hố sâu thì đến cả hàng chục mét, khi tìm ra quặng là bắt đầu dùng xà beng và vật dụng liên quan để khai thác. Tại đây các phu vàng sẽ dùng các chất độc cyanua để lọc vàng, sau đó bã quặng và dung dịch chứa vàng sẽ đi qua các bể lắng rồi đẩy chất thải ra môi trường xung quanh.
Công việc vô cùng vất vả nhưng dòng người vẫn đổ về đây để khai thác quặng vàng, bất chấp tất cả để mong sẽ được... đổi đời.
Việc khai thác vàng trái phép đã để lại nhiều hệ lụy. Không chỉ lên rừng dựng lều tạm bợ, khoét núi tìm vàng, dẫn đến tai nạn chết người thương tâm do sập hầm, việc khai thác vàng bừa bãi và sử dụng nhiều chất độc hại để đãi vàng còn làm ô nhiễm môi trường, việc chặt phá rừng dẫn đến sạt lở đất, gây ra lũ lụt vào mùa mưa, thiệt hại nặng nề cho một số hộ dân sống lân cận.
“Trước đây cán bộ xã đã phối hợp với đồn công an thực hiện nhiều cuộc truy quét, nhưng đến nay địa phận ở đồi Sim và khu vực Bồng Miêu do đồn công an quản lý. Bên cạnh việc duy trì các đợt tuần tra, truy quét thường xuyên, về lâu dài địa phương cũng đã có những dự định nhằm hỗ trợ vốn, tạo điều kiện giúp các phu vàng có việc làm mới để xa dần với ước mơ “đổi đời vì vàng” , ông Nguyễn Tấn Hòa, Bí thư xã Tam Lãnh nói.
Tiếp lời ông Hòa, thiếu tá Văn Công Đoàn, Trưởng đồn công an xã Tam Lãnh cho biết thêm: “Công an cũng đã phối hợp với địa phương và các lực lượng liên quan tiến hành hàng chục cuộc truy quét các khu vực núi Kẽm, thác Trăng, đồi Sim, thu hồi đập phá hàng trăm máy móc phục vụ cho việc khai thác vàng trái phép, ngăn chặn con đường tiếp tế lương thực, nước uống cho các phu vàng”.
Ông Văn Công Đoàn cho biết thêm theo Quy định của Chính phủ sẽ xử phạt đối với người khai thác vàng trái phép từ 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng. Nhưng ngoặt nỗi đa số những người khai thác vàng trái phép là nông dân nghèo thì họ lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để chịu phạt.
Mặt khác do lực lượng quá mỏng, phương tiện, kinh phí còn khó khăn, không đủ quân số để cắm giữ, huống gì đây là vấn nạn xảy ra trên địa bàn rộng, ở những nơi núi rừng hiểm trở. Vì vậy, cuộc chiến chống nạn khai thác vàng trái phép ở H.Phú Ninh không biết khi nào mới kết thúc?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.