Tìm lối ra cho cam, bưởi

05/01/2012 14:35 GMT+7

UBND tỉnh Hậu Giang vừa tổ chức buổi tọa đàm lắng nghe ý kiến từ nhiều phía để tìm giải pháp nâng chất cây có múi trên địa bàn.

UBND tỉnh Hậu Giang vừa tổ chức buổi tọa đàm lắng nghe ý kiến từ nhiều phía để tìm giải pháp nâng chất cây có múi trên địa bàn.

“Bốn nhà” cùng bàn thảo 

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết toàn tỉnh hiện có trên 7.000 ha cam sành, 2.000 ha bưởi Năm  roi tập trung chủ yếu tại H.Châu Thành và TX.Ngã Bảy. Diện tích bưởi Năm roi mỗi năm cho thu hoạch khoảng 50.000 tấn trái, chiếm gần 30% sản lượng trái cây cả tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn diện tích cây có múi chỉ mới được công nhận nhãn hiệu, do công nghệ sau thu hoạch còn kém, chuỗi sản xuất đến tiêu thụ còn nhiều hạn chế. Hiện toàn tỉnh mới chỉ có 42,8 ha bưởi Năm roi đạt tiêu chuẩn Global GAP…

Ông Lê Hùng Chiến, Trưởng phòng Kinh tế TX. Ngã Bảy cho biết đến nay, cam sành Ngã Bảy chủ yếu tiêu thụ nội địa, giá cả bấp bênh. Nông dân Huỳnh Văn Minh (TX. Ngã Bảy) yêu cầu cơ quan chức năng sớm giúp xây dựng thương hiệu “Cam sành Ngã Bảy”, bởi theo ông, hàng hóa muốn xuất khẩu tốt thì phải có thương hiệu đàng hoàng. Còn nông dân Nguyễn Văn Sáu (H.Châu Thành) thì tỏ ý băn khoăn trước tình trạng phải mua cây giống trôi nổi nên năng suất không cao, rồi đề nghị: “Ai biết ở đâu bán giống sạch bệnh thì chỉ giùm!”.


Nông dân phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: Quang Minh Nhật 

 
Bưởi Năm roi Châu Thành - Ảnh: Quang Minh Nhật

Tiến sĩ (TS) Lương Ngọc Trung Lập (Viện Cây ăn quả miền Nam), cho biết thời gian qua, Viện đã cho ra đời giống bưởi không hạt, cam không hạt và đã chuyển giao cho Trung tâm giống cây trồng các tỉnh lượng cây giống rất lớn. Bà con nông dân có thể liên hệ với các trung tâm để được đáp ứng. TS Nguyễn Thị Xuân Thu (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết bưởi Năm roi hiện đã có mặt tại thị trường nhiều nước, nhưng cam sành thì chưa xuất khẩu được, do da cam còn sần sùi. “Hiện nay ĐH Cần Thơ đã nghiên cứu ra chất làm tăng độ bóng láng (chất này không gây độc hại) cho da cam sành. Trường cũng đã có giống quýt đường không hạt. Những kỹ thuật mới này chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho việc đưa cam, quýt ra nước ngoài”, TS Thu nói. Cũng theo lời TS Thu, nông dân  trồng cây có múi muốn phát triển bền vững thì phải vào HTX, bởi mô hình này hiện áp dụng rất thành công ở nhiều  nước trên thế giới.

Tăng chất lượng, không tăng diện tích

Ông Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định muốn xuất khẩu bài bản cây có múi thì “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) phải chung sức nâng chất sản phẩm. Tới đây, lãnh đạo tỉnh không khuyến khích tăng diện tích cam, bưởi mà ủng hộ cho việc tăng chất lượng sản phẩm. Viet Gap, Global Gap là những đích phải nhắm tới. Nông dân vùng chuyên canh cây có múi của tỉnh phải vào HTX. Giống sạch bệnh được xác nhận, kỹ thuật canh tác tiên tiến áp dụng trong HTX. Diện tích cam, bưởi của HTX sẽ có đê bao vượt lũ, bơm tưới hoàn chỉnh và phải được vay vốn ưu đãi của nhà nước để phát triển bền vững. Tuy nhiên trong liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, nhà nông, nhà doanh nghiệp cần phải luôn giữ chữ tín. Có vậy, sự gắn bó mới bền lâu, sản phẩm cây có múi sẽ ổn định tốt đầu ra. “Bưởi hồ lô tung ra bán dịp tết Nguyên đán cho thu nhập rất cao. Thế vì sao nông dân không đẩy mạnh sản xuất sản phẩm này để tăng thu nhập? Lãnh đạo tỉnh khuyến khích những nông dân dám nghĩ dám làm để tạo ra những sản phẩm cây trái độc đáo, có chất lượng phục vụ thị trường”, ông Chánh nhấn mạnh.

Quang Minh Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.