Tiểu thương 'ngại' về... chợ mới

08/04/2014 09:50 GMT+7

Cho rằng việc phân lô cũng như giá cho thuê mặt bằng tại chợ mới Tam Kỳ (Quảng Nam) là bất hợp lý, nhiều tiểu thương đã phản đối.

Tiểu thương 'ngại' về... chợ mới

Tiểu thương bức xúc trước cách bố trí, giá cả cho thuê lô tại chợ mới Tam Kỳ - Ảnh: Hoàng Sơn

Lô nhỏ, giá cao

 

Chợ Tam Kỳ được đầu tư với tổng vốn khoảng 90 tỉ đồng trên diện tích hơn 10.000 m2, cấu trúc 3 tầng. Theo ông Trần Nam Hưng, UBND TP đã ứng ngân sách tỉnh để thi công. Do khó khăn nên TP đã lên phương án huy động vốn trong dân, thu tiền thuê mặt bằng trước trong 5 năm. Qua đó, có thể giải quyết được khoảng 36 tỉ đồng/90 tỉ đồng tiền vốn.

Sau khi nhận được thông tin về việc bố trí phân lô cũng như công bố ấn định giá cho thuê mặt bằng tại chợ mới Tam Kỳ (do UBND TP.Tam Kỳ ban hành), nhiều tiểu thương đang buôn bán tại chợ tạm An Sơn tỏ ra bất bình vì cho rằng họ đang bị ép trước khi về lại ngôi chợ này. Cụ thể, theo công bố của BQL chợ Tam Kỳ, tầng 1 của chợ được bố trí cho các ngành hàng ăn uống, giải khát, sạp hàng, kho để hàng, bãi xe. Tầng 2 dành cho ngành hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm, tạp hóa, hàng khô…, tầng 3 là nơi dành cho các quầy may mặc, bán cà phê, dịch vụ làm tóc… “Quần áo, giày dép thì làm sao nằm chung với đậu, đường, mắm muối được, rồi chúng tôi buôn bán cho ai đây?” một tiểu thương nói. Các tiểu thương ngành hàng giày dép cũng cho rằng, các lô hàng được phân chia quá nhỏ so với trước đây, không thuận tiện cho việc buôn bán. Tiểu thương tên Hường được bức xúc: “Chợ mới mà phân lô thua chợ cũ. Trước đây mỗi lô cũng được 2,5-2,8 m, thì bây giờ chỉ còn 2 m, lại sát tường, nhà vệ sinh công cộng kẹp 2 bên thì khách hàng nào ghé mua?”.

Nhiều tiểu thương cho rằng phân chia ngành hàng vào các tầng quá “trái đường, giá cả cho thuê mặt bằng quá cao, có gian hàng cao gấp 4 lần so với trước đây. Việc thu một lần tiền thuê mặt bằng trong nhiều năm là làm khó tiểu thương. Cụ thể, đối với điểm kinh doanh ki ốt là 7 năm, đối với điểm kinh doanh sạp hàng là 5 năm. Một nữ tiểu thương bán quần áo nói: “Khi chúng tôi hỏi thì bà Nguyễn Thị Xuân, Trưởng BQL chợ Tam Kỳ bảo: đây chỉ đạo của cấp trên, các chị không muốn buôn bán nữa thì thôi”. PV Thanh Niên đã liên hệ để làm rõ sự việc thế nhưng bà Xuân không có phản hồi.

“Sẽ tiếp thu và điều chỉnh”

Đó là khẳng định của ông Trần Nam Hưng, Phó chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ khi trao đổi với PV liên quan đến vấn đề trên. Ông Hưng cho biết, việc phân lô chi tiết đã được các tổ ngành liên quan khảo sát trước. Sau đó, đã được UBND TP họp, cân nhắc hợp lý cho người bán. “Có cả 1.000 người buôn bán tại chợ Tam Kỳ nên trước khi phân lô, chúng tôi đã lấy ý kiến công khai của tổ phó, tổ trưởng các ngành hàng và đã có biên bản hẳn hoi. Tiếp đó, TP đã nghiên cứu rồi lực lượng PCCC duyệt theo quy chuẩn. Tuy nhiên, sau khi nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi đã giao cơ quan chuyên môn chọn lọc ý kiến hợp lý và sẽ có điều chỉnh, không cứng nhắc”, ông Hưng nói. Ông Hưng cũng nhìn nhận, đối với một số lô hàng có bề rộng mặt tiền nhỏ rất khó để điều chỉnh do thiết kế đã “ấn định”. Tuy nhiên, TP cũng đã giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xử lý.

Cũng theo ông Hưng, khi xây dựng chợ mới Tam Kỳ, UBND TP đã chọn đơn vị đưa ra phương án quy hoạch tầng 1 làm nơi giữ xe để tránh lũ lụt, úng ngập chợ. “Có thể là do chị em tiểu thương chưa hiểu về chức năng chống lũ lụt của tầng 1 nên bức xúc”, ông Hưng nói thêm. Liên quan đến phản ánh giá cả thuê mặt bằng quá cao và cách huy động nhiều năm, ông Hưng (cũng là người ký quyết định này) cho biết thêm, chủ trương này không mới bởi vào năm 1993 khi lập chợ Tam Kỳ (trên nền cũ hiện nay), TP đã thực hiện chủ trương này để huy động tiền nhằm có vốn xây dựng chợ.

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.