Thủy điện của người C’Tu

13/12/2012 11:21 GMT+7

Điện về bản-ước mơ bấy lâu nay của cộng đồng người C’Tu tại H.Tây Giang (Quảng Nam), giờ đã thành hiện thực...

Thủy điện của bản

Định cư giữa những cánh rừng nguyên sinh, người C’Tu tại bản G’lao (xã Gary) bao đời nay không hề biết đến ánh sáng điện là gì. “Tối đến không ngủ sớm thì cũng chẳng biết làm gì. Bố cũng quan tâm đến sự kiện, xã hội lắm, nhưng biết làm sao khi có tiền mua tivi, trong khi điện thì không được nối về bản! Cũng trông đứng trông ngồi chứ, mà cũng chỉ dám mơ ước thôi!” già Tơngôl Kiên chia sẻ một cách thật bụng. Qua 80 mùa rẫy, với già Tơngôl Kiên chiếc tivi để xem chương trình thời sự, phim ảnh... là thứ gì đó xa xỉ lắm. Cách đây nhiều năm, mạng điện lưới quốc gia đã kéo đến tận xã Lăng (cách thôn G’lao chừng 40 km đường rừng). Dù có điện nhưng 54 hộ/270 khẩu của bản nào dám mơ tới việc kéo điện về bản, bởi muốn điện “cắt rừng về nhà” tốn rất nhiều chi phí mới có thể thực hiện. Rồi một hôm, bản G'lao bỗng rộn ràng khi có đoàn khảo sát đo đạc, bảo là làm thủy điện cho bản. Nhưng nghe người dân sống ở vùng thủy điện khổ lắm, vì vậy mà dân Gary cũng lo ngại không kém.

Xem TV 
Có điện, đời sống người dân C’Tu đổi khác - Ảnh: Hoàng Sơn

Nỗi lo lắng của dân bản G’Lao chỉ được giải tỏa khi chiếc tuốc-bin nhà máy thủy điện mini do tổ chức SIDA (Thụy Điển tài trợ) chính thức quay những vòng đầu tiên. Từ nhà máy, điện đã được kéo đến 6/7 thôn của xã Gary và cung cấp điện ổn định cho 6 thôn này. Ông Phạm Ngọc Mười, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Tây Giang (đơn vị tiếp quản nhà máy thủy điện) cho biết: “Nước được dẫn từ khe suối vào một đường ống, đường ống này tiếp tục đưa nước vào bệ tuốc-bin có công suất máy vừa đủ cung cấp điện cho một xã.”.

Ánh điện sáng vùng biên

Cùng đàn cháu xúm xít bên chiếc tivi màu xem thời sự, ông Zơrâm Nhúa (47 tuổi), trưởng thôn G’lao mừng ra mặt: “Sống đến từng này tuổi, tôi không bao giờ dám nghĩ có lúc cả bản mình đều có điện! Vậy mà cuối cùng điện đã về với người dân vùng núi xa xôi ni! Không có chi vui hơn!”. Niềm vui đó cũng là hạnh phúc chung của hàng trăm người dân tại 12/15 thôn (thuộc 2 xã Gary và Axan). Điện về bản nên chất lượng cuộc sống, đời sống kinh tế-xã hội của người dân được nâng lên rõ rệt. Họ học cách làm kinh tế từ những tin tức thời sự , thưởng thức đời sống văn hóa-nghệ thuật trên tivi... Trước, mỗi khi sương mù dày đặc xuất hiện, ánh sáng không lọt vào được trong các lớp học nên trường tiểu học Gary thường phải dừng lại việc dạy học. Nay đã khác, nhờ có điện mà dù sương có nặng hạt đến mấy thì cả thầy trò vẫn có thể say sưa với con chữ mà không phải ngưng giữa chừng.

Dù vẫn thu phí điện, nhưng dân bản ai cũng "ưng cái bụng" vì từ nay họ không sống trong ánh đêm tù mù giữa rừng núi xa xăm nữa. Hiện có 14 cán bộ kỹ thuật được điều chuyển phục vụ công tác giám sát, vận hành, xử lý các sự cố kỹ thuật ở 2 nhà máy này. Ông Bríu Liếc, Bí thư huyện ủy Tây Giang đặt vấn đề: “Những mô hình thủy điện nhỏ cho các vùng sâu không chỉ an toàn, môi trường không bị ô nhiễm mà người dân lại được hưởng lợi thiết thực nhất. Theo đó, công tác phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh biên giới theo đó cũng thuận lợi hơn!”.

 Công trình thủy điện mini do tổ chức SIDA (Thụy Điển) tài trợ thuộc loại thủy điện nhỏ với nhu cầu phụ tải cho sản xuất khoảng hơn 16 ngàn KWh, tổng kinh phí xây dựng gần 15 tỷ đồng. Đầu năm 2012, 2 nhà máy thủy điện này đã được đưa vào sử dụng.

Hoàng Sơn

>> Kỳ 5: Cần chấm dứt cảnh ai cũng làm thủy điện
>> Kỳ 4: Chỉ phát điện, không phòng lũ
>> Kỳ 3: Không sạch mà cũng không rẻ
>> Kỳ 2: Hai không
>> Thủy điện Việt Nam đi “ngược chiều” thế giới
>> Sập đập thủy điện ở Campuchia, 4 người mất tích
>> Sự cố thủy điện Đăk Mek 3 do rút ruột bê tông thay vào bằng đất đá
>> Đập thủy điện Đăk Mek 3 vỡ vì xây bằng... cát trộn bê tông
>> Dự án thủy điện Đồng Nai 6 - 6A: Phải hoàn thiện thêm đánh giá tác động môi trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.