Thiếu phương tiện chữa cháy rừng

08/05/2015 12:54 GMT+7

Gia Lai là tỉnh đang có mức cảnh báo cháy rừng cấp 5 nguy hiểm. Những cánh rừng thuộc các huyện như Đăk Đoa, Chư Pah, Ia Grai hay của TP.Pleiku đang đối mặt với nguy cơ cháy rừng trong mùa khô này. Theo thống kê, Gia Lai hiện có trên 623,2 ngàn ha đất có rừng, độ che phủ đạt 40,1%. Và đa số diện tích này đối mặt với hỏa hoạn khi mùa khô cao nguyên kéo dài bởi sự phân kỳ rõ rệt về khí hậu mùa khô – mùa mưa.

Gia Lai là tỉnh đang có mức cảnh báo cháy rừng cấp 5 nguy hiểm. Những cánh rừng thuộc các huyện như Đăk Đoa, Chư Pah, Ia Grai hay của TP.Pleiku đang đối mặt với nguy cơ cháy rừng trong mùa khô này. Theo thống kê, Gia Lai hiện có trên 623,2 ngàn ha đất có rừng, độ che phủ đạt 40,1%. Và đa số diện tích này đối mặt với hỏa hoạn khi mùa khô cao nguyên kéo dài bởi sự phân kỳ rõ rệt về khí hậu mùa khô – mùa mưa.

Việc phòng, chống cháy rừng do đó được xem là nhiệm vụ cấp thiết và cả áp lực đối với các cơ quan hữu trách. Phương châm bốn tại chỗ gồm lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy được các hạt kiểm lâm, ban quản lý lên kế hoạch cụ thể ngay từ đầu mùa khô.
Nhưng xem ra việc chữa cháy rừng khi xảy ra hỏa hoạn vẫn chưa hiệu quả. Bằng chứng là vụ cháy rừng ở núi Hàm Rồng – một thắng cảnh nổi tiếng của TP.Pleiku cũng như Tây nguyên xảy ra hơn một tháng trước. Chỉ trong vài tiếng, 9 ha rừng thông hơn 20 năm tuổi đã bị lửa tràn đến, thiệt hại 100% là 1,5 ha. Việc chữa cháy trong vụ này dẫu sao vẫn còn may vì đường đi tương đối thuận lợi nên xe cứu hỏa có thể đưa nước lên tới đỉnh núi để chữa cháy nên đã giảm thiểu thiệt hại.
Kinh phí để phòng, chống cháy rừng được phân bổ trong năm 2015 là 2,5 tỉ đồng. Số tiền này dùng để tuyên truyền cho cộng đồng, phát dọn đường ranh cản lửa và chỉ mua thêm một ít phương tiện chữa cháy. Chừng ấy kinh phí như gió lùa nhà trống, hẳn chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu nhân, vật lực. Khi xảy ra cháy rừng, chỉ có các phương tiện thủ công như bàn dập lửa, rựa, cành cây… dùng để chữa cháy. Nếu có máy bơm cũng rất khó khăn vì vào mùa khô, đa số những con suối đều cạn nước, hoặc giả có nước thì nguồn nước cũng khá xa.
Thực trạng thiếu phương tiện cơ giới và đường sá khó khăn đã làm giảm khả năng chữa cháy nếu có hỏa hoạn xảy ra. Kiểu chữa cháy dàn hàng ngang và dùng những biện pháp thủ công cản lửa chỉ là chẳng đặng đừng. Về lâu dài, cần có những đầu tư dài hơi, bài bản để giảm thiểu rủi ro cho những cánh rừng vào mùa khô. Bởi đối với Gia Lai cũng như Tây nguyên, việc mất rừng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, kinh tế của vùng và của một số tỉnh duyên hải Nam Trung bộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.