Theo dấu... bom chùm

05/08/2015 10:55 GMT+7

Thay vì xới tung từng mét đất để tìm kiếm các loại vật liệu nổ như cách làm truyền thống, Dự án RENEW (với sự tài trợ của Quỹ Viện trợ nhân dân Na Uy, NPA) đã áp dụng phương pháp giải phóng đất dựa trên kết hợp khảo sát dấu vết bom chùm với rà phá hiện trường.

Thay vì xới tung từng mét đất để tìm kiếm các loại vật liệu nổ như cách làm truyền thống, Dự án RENEW (với sự tài trợ của Quỹ Viện trợ nhân dân Na Uy, NPA) đã áp dụng phương pháp giải phóng đất dựa trên kết hợp khảo sát dấu vết bom chùm với rà phá hiện trường.

Theo dấu... bom chùmPhương án khảo sát dấu vết bom chùm làm cho công đoạn rà phá tiết kiệm thời gian, chi phí - Ảnh: Nguyễn Phúc
Tìm bom... khoa học
RENEW là một trong những tổ chức lớn hoạt động trong lĩnh vực rà phá bom mìn tại Quảng Trị.
Trước đây, tổ chức này có 8 đội rà phá bom mìn lưu động, đã từng cất bốc và hủy nổ an toàn tổng số 24.696 vật liệu nổ các loại. Còn hiện nay, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền, của các nhà tài trợ và để phù hợp với phương pháp tìm kiếm bom mìn hiện đại hơn, dự án chỉ còn 4 đội rà phá lưu động nhưng lại có thêm 21 đội khảo sát bom chùm, bom bi và 1 đội khảo sát phi kỹ thuật.
Theo giải thích nôm na của anh Ngô Thiện Khiết, đại diện đội rà phá của RENEW thì trước đây, công tác rà phá của tổ chức thường theo yêu cầu của phát triển KT-XH của địa phương (có nghĩa là địa phương yêu cầu rà diện tích bao nhiêu thì đội đến rà toàn bộ diện tích này). Việc này mất rất nhiều thời gian, nhân lực nhưng hiệu quả chưa cao vì thường ít hoặc không phát hiện vật liệu nổ.
Chưa hết, do thông tin tù mù, lại thiếu sự chia sẻ nên có thể xảy ra trường hợp tổ chức này rà vào khu vực trước đây tổ chức khác đã rà. Chính vì thế nếu làm mãi theo cách này thì rất khó bởi người ta không thể lật tung thành phố, huyện nọ, thôn kia chỉ vì nghi ngờ “có thể” bên dưới còn bom mìn trong khi nguồn tài trợ cũng có giới hạn.
Chính vì những hạn chế trên nên NPA và RENEW đã triển khai phương pháp “Khảo sát dấu vết bom chùm”. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Diệu Linh, Quản lý hoạt động chương trình khảo sát và rà phá bom mìn của RENEW thì phương pháp này được thực hiện trên các cơ sở khoa học và phân tích chính xác. Cụ thể, bom chùm thường được thả từ máy bay trong thời kỳ chiến tranh, mỗi quả thường chứa 600 - 700 quả bom con, có quả chứa gần 2000 quả bên trong. Khoảng 10% trong số bom con này không phát nổ như dự kiến và vẫn tồn tại cho đến ngày nay. “Về nguyên tắc nếu phát hiện 1 quả bom bi thì chắc chắn xung quanh nó sẽ còn nhiều quả nữa. Chính vì thế nên chúng tôi sẽ tung các đội đến khảo sát dấu vết của bom chùm, xác định chính xác khu vực thực sự cần rà phá trước khi đưa các đội rà phá vào. Việc này sẽ vừa tiết kiệm thời gian rà phá, chi phí, nhân lực và rất cấp bách bởi từ 1975 đến nay, Quảng Trị có hơn 8.000 tai nạn bom mìn trong số đó có khoảng 65% là do bom chùm/bom bi và lựu đạn M79”, bà Linh nhấn mạnh. Bà Linh đưa ra ví dụ rằng trước đây địa phương yêu cầu rà 20ha, một đội mất từ 3,5 đến 4 tháng để hoàn thành rà sạch khu vực này đến độ sâu khoảng 30cm (có thể sâu hơn tùy theo mục đích sử dụng đất). Tuy nhiên, nếu một đội gồm 5 nhân viên đến khảo sát kỹ thuật 1-2 ngày tại khu vực này và xác định chỉ khoảng 5ha thực sự bị ô nhiễm bom mìn. Như vậy, thời gian rà phá sẽ còn 1/4. Những khu vực đội đến khảo sát kỹ thuật và phát hiện không nguy hiểm thì không cần phải rà phá.
Hiệu quả ban đầu
Theo thông tin mà phía RENEW cung cấp thì H.Triệu Phong là địa phương đầu tiên mà đơn vị đã hoàn thành việc khảo sát dấu vết bom chùm. Cụ thể, họ đã hoàn thành khảo sát 25.777.500m2 đất, phát hiện 1.635 bom chùm và vật liệu nổ các loại, xác định được 107 khu vực khẳng định nguy hiểm với tổng diện tích 3.340.000m2.
Theo kế hoạch, ngay trong năm nay RENEW sẽ nỗ lực để hoàn thành đánh dấu các khu vực khẳng định nguy hiểm trên địa bàn H.Cam Lộ, H.Hải Lăng và 50% H.Vĩnh Linh để năm sau tiếp tục mở rộng thêm H.Đakrông, Hướng Hóa.
“Điều đặc biệt hơn nữa là chúng tôi không thực hiện khảo sát dấu vết bom chùm rồi giấu riêng cho mình mà hiện chúng tôi đã chia sẻ tất cả thông tin này lên Trung tâm cơ sở dữ liệu của tỉnh để Trung tâm điều phối hậu quả chiến tranh (vừa được thành lập đầu năm 2015) điều phối các dự án khác đến rà phá”, bà Linh nói.
Bà Linh cũng kỳ vọng rằng sẽ hoàn thành việc khảo sát dấu vết bom chùm trên toàn tỉnh trong 3 năm, sau đó các đội khảo sát sẽ quay trở lại công việc rà phá. “Dự kiến trong khoảng 6-7 năm với sự phối hợp giữa RENEW và các dự án rà phá bom mìn khác trên địa bàn, tất cả các khu vực được xác định nguy hiểm trên địa bàn Quảng Trị sẽ được rà sạch phù hợp với mục đích sử dụng đất của người dân”, bà Linh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.