Tấm lòng người thương binh nơi đảo xa

19/08/2014 10:45 GMT+7

Nhiều năm qua, anh thương binh Tăng Hoàng Bá (ngụ xã Lại Sơn, H.Kiên Hải, Kiên Giang) mỗi ngày đã vượt hơn 5 km để đến nơi khám bệnh và hốt thuốc miễn phí cho người dân trên đảo.

Lương y Tăng Hoàng Bá đang bắt mạch cho người dân - Ảnh Phương Vy

Cơ duyên với nghề thuốc

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Thạnh Yên (H.U Minh Thượng, Kiên Giang), năm 1970, Tăng Hoàng Bá tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi. Trong một trận chiến đấu ác liệt với địch, anh Bá bị thương nặng và nhiễm chất độc Dioxin phải điều trị một thời gian dài sức khoẻ mới dần hồi phục. Đến nay, di chứng của chiến tranh không chỉ hiện hữu trên cơ thể người thương binh 4/4 này mà còn ở 2 đứa con phải nằm một chỗ vì chất độc màu da cam.

Anh Bá kể, trong một lần đi điều trị vết thương, anh gặp bộ tài liệu nói về bắt mạch, châm cứu và hốt thuốc nên quyết định học để chữa bệnh cho bà con. Sau đó, anh cố gắng khắc phục khó khăn, nghiên cứu thêm tài liệu, học tập bạn bè, đồng nghiệp, tham gia các lớp tập huấn về y học cổ truyền nên đã được cấp bằng lương y. Năm 1989, anh cùng gia đình ra sinh sống tại ấp Thiên Tuế (xã Lại Sơn) và làm việc tại phòng thuốc nam Hội Chữ thập đỏ của xã cho đến nay.

Hiện mỗi ngày phòng khám bệnh Hội Chữ thập đỏ xã Lại Sơn tiếp nhận và khám bệnh từ 40 - 60 lượt người. Anh Bá cho biết khi anh ra đảo, thấy bà con sống cách xa đất liền, điều kiện đi lại khó khăn, ngày chỉ có một chuyến đò. Trung tâm Y tế xã thì không có phòng khám đông y nên anh nảy ra ý tưởng phối hợp với chính quyền địa phương mở phòng thuốc nam để bắt mạch, hốt thuốc điều trị bệnh cho bà con và đã được lãnh đạo đồng ý.

Bà Nguyễn Thị Mười (ngụ ấp Bãi Bấc, xã Lại Sơn) cho biết: “Bà con trên đảo nhờ rất nhiều vào phòng thuốc nam, hằng ngày ai cũng tranh thủ đến sớm chờ, chứ đi trễ thì đông, phải chờ đợi lâu. Với lại, lương y Bá rất mát tay, bắt mạch, hốt thuốc cho bà con uống bệnh tình thuyên giảm nhiều, đỡ phải tốn chi phí đi đến bệnh viện”.

Hết lòng vì cộng đồng

Tuy là thương binh, hay đau ốm khi trái gió trở trời, nhưng mỗi năm anh Bá vẫn xem mạch cho 5.000 - 6.000 lượt người, hốt từ 17.000 - 18.000 thang thuốc mà bản thân không nhận đồng nào của bà con. Có như thế là nhờ phòng thuốc nam được hơn 50 nhà hảo tâm tài trợ hằng tháng. Ngoài ra, tại phòng thuốc còn có thùng từ thiện để kêu gọi lòng hảo tâm của người đến hốt thuốc và điều trị bệnh. Năm 2013, tổng số quỹ thu về trên 50 triệu đồng được phòng thuốc nam dùng để hỗ trợ 500.000 đồng cho mỗi trường hợp bệnh nhân nghèo phải chuyển viện vào đất liền bằng tàu đò; những lúc không có chuyến phải thuê đò thì được hỗ trợ 1 triệu đồng. “Từ khi phòng thuốc nam được thành lập, người dân đến đây điều trị bệnh ngày một đông. Một số người còn lên núi lấy những loại cây thuốc nam đem về cho phòng thuốc để  điều trị cho bà con xã đảo, rồi các đảo lân cận cũng qua đây điều trị làm anh em thấy công việc của mình thêm ý nghĩa, góp một phần nhỏ để mang lại sức khỏe cho bà con”, anh Bá nói.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Lại Sơn, cho biết: “Dù bị vết thương hành hạ nhưng anh Bá vẫn quản lý và trực tiếp khám, điều trị bệnh, hốt thuốc miễn phí cho bà con. Việc làm của anh đã góp phần vào việc bảo đảm an sinh xã hội trên đảo, nhất là giảm chi phí khi bà con vào đất liền khám chữa bệnh. Do gia cảnh anh cũng không phải khá giả gì nên Hội Chữ thập đỏ, chính quyền địa phương đã hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng để giúp anh trang trải cuộc sống và tiếp tục hốt thuốc cho bà con nghèo trên đảo”.

Từ những việc làm thiết thực vì cộng đồng, anh Bá đã được T.Ư Hội Chữ thập đỏ VN, chính quyền địa phương tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Đảng, nhà nước cũng quan tâm tặng cho anh căn nhà tình nghĩa. Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất của anh là 2 người con may mắn không ảnh hưởng của di chứng của chất độc màu da cam đã ăn học thành tài, một người đang công tác trong quân đội và một người là giáo viên.      

 Phương Vy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.