Tại… muỗi

03/08/2013 09:35 GMT+7

Báo cáo của Cục Y tế dự phòng cho biết, cả nước có thêm 2.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) chỉ trong vòng một tuần qua, nâng số người mắc bệnh này ở cả nước lên gần 30.000 ca.

Báo cáo của Cục Y tế dự phòng cho biết, cả nước có thêm 2.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) chỉ trong vòng một tuần qua, nâng số người mắc bệnh này ở cả nước lên gần 30.000 ca.

Riêng tại khu vực miền Trung - Tây nguyên, số người mắc SXH đã tăng lên từ 3-7 lần. Và cũng theo dự báo của Cục Y tế dự phòng, năm 2013, bệnh SXH sẽ bùng phát mạnh theo chu kỳ 3-5 năm.

Từ năm 2008, phòng chống sốt xuất huyết được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia. Và gần đây, trong cuộc mít tinh hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống SXH - 15.6), Bộ Y tế đưa ra con số khiến nhiều người giật mình trước căn bệnh này khi tính trung bình mỗi năm tại Việt Nam có từ 50-100 ngàn người mắc và gần 100 người tử vong.

Dân gian từ xưa đã có câu “phòng bệnh hơn trị bệnh”. Và dù tỷ lệ lây lan nhanh, SXH không phải là bệnh khó chữa. Việt Nam từng thành công trong việc phòng chống hữu hiệu các bệnh như dịch hạch, phong, lao, sốt rét…; vậy thì tại sao lại không thành công với SXH, vừa để giảm trừ bệnh này cho cộng đồng, lại giảm thiểu sự tổn hại về kinh tế cho người bệnh và rộng hơn là cho quốc gia?

Thông tin tốt gần đây là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nuôi muỗi mang vi khuẩn Wolbachia để thả ra môi trường, gây ức chế khả năng phát triển vi rút Dengue gây SXH ở muỗi vằn. Hướng ứng dụng này mang hi vọng cho nhiều người dân vốn nằm trong vùng trọng điểm của SXH.

Tuy thế, cũng cần thừa nhận một thực tế là công tác phòng chống SXH tại một số địa phương vẫn chưa tốt. Hiếm có Sở Y tế nào ở nước ta thẳng thắn thừa nhận việc để bệnh SXH bùng phát là do công tác phòng chống còn kém hiệu quả. “Đổ” cho người dân còn ý thức kém, do muỗi nhiều gây nên - điều đó cũng có phần đúng nhưng tại sao không có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả trong phòng bệnh?

Bệnh tật cũng là một yếu tố góp phần làm giảm sự phát triển của một quốc gia. Bởi vậy ngành y tế cần thêm những quyết sách mang tầm chiến lược để ngăn chặn, giảm thiểu SXH hữu hiệu, vừa bớt đi gánh nặng tiền bạc cho dân, giảm gánh nặng cho các cơ sở điều trị, vừa bớt đi những ca tử vong do SXH.

Trần Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.