“Studio” giữa làng hoa truyền thống

24/01/2013 08:56 GMT+7

“Ra tết, tôi sẽ chặt hết quất để mở rộng studio”, chị Phạm Thị Tâm, chủ khu vườn chụp ảnh ở Tứ Liên nói, trong khi thu tiền của từng đoàn khách tấp nập.

Gọi là studio, bởi khu vườn xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu chụp ảnh của các “thượng đế” trẻ.

Tuy mới mở gần một tháng, nhưng khách đến vườn có khi lên tới hàng nghìn người mỗi ngày, có người quay lại lần thứ hai, thứ ba.

Vài năm nay, việc chụp ảnh tại những làng hoa như Nhật Tân, Tứ Liên (Q.Tây Hồ, Hà Nội) bỗng thu hút giới trẻ.

Thay bằng việc hái hoa đem bán, nhiều chủ vườn để hoa nở cho nam thanh, nữ tú tạo dáng, thậm chí đầu tư thêm tiểu cảnh, đạo cụ phục vụ khách đến thuê.

Những ngày này, khách đến vườn đào Nhật Tân không khỏi ngỡ ngàng khi thấy những vườn đào nay đã thành những công viên thu nhỏ với đào, mai giả, những cụm hoa uốn lượn đầy lối đi.

Giữa làng quất Tứ Liên, vườn chụp ảnh của chị Tâm kể trên cũng nổi bật giữa những vườn quất trĩu quả.

 Khách tấp nập chụp ảnh tại một “studio” ở Tứ Liên
Khách tấp nập chụp ảnh tại một “studio” ở Tứ Liên - Ảnh: TT

“Studio” của chị Tâm rộng khoảng 1.000 m2, những năm trước, chị cho thuê đất trồng quất nhưng sau mùa quất năm nay sẽ mở rộng khoảng 4.000 m2 để cho thuê chụp ảnh.

Khi ấy, sẽ có hồ sen, cầu gỗ, đài phun nước… Vườn chưa xong, nhưng tiền đầu tư hơn một tỉ đồng, riêng ngọn đồi giả đã ngốn khoảng 300 triệu.

Để vào khu vườn này, mỗi người phải nộp 10.000 đồng, vẫn còn khá “mềm” so với giá 20.000 đồng tại các vườn hoa ở Nhật Tân.

Mỗi ngày, chị Tâm và nhiều chủ vườn bỏ túi từ vài triệu đến cả chục triệu.

Không chỉ có giới trẻ, nhiều gia đình cũng cho con tới chơi cuối tuần.

Những “thượng đế” nhí này không thích chụp ảnh, mà là chạy chơi trên những sườn đồi nhân tạo.

Từ lối đi lát đá trắng, khu vườn chia ra hai phần với một bên là những luống hoa cánh bướm sặc sỡ, một bên là cụm hoa trạng nguyên đỏ rực dưới chân ngọn đồi giả.

Những cây mai giả hoa trắng xóa cao đến 4,5 mét dựng dọc lối đi.

Trong cùng là ngôi nhà lá vừa làm bối cảnh, vừa là nơi nghỉ của khách.

Trên ngọn đồi giả, cỏ chưa kịp mọc đã xơ xác dưới dấu chân.

Chị Tâm nói, đáng lẽ chờ cỏ lên xanh mới mở cửa, nhưng khách đông quá, ngăn cũng chẳng được nên đành mở sớm.

Trên đỉnh đồi, ngoài mấy cây đào giả cao ngang người thì chẳng còn gì đáng xem.

Chủ kiếm lời, khách thỏa mãn, nhưng phong trào “studio hóa” những làng hoa truyền thống cũng khiến nhiều người tiếc nuối.

Không chỉ ở Tứ Liên, tại Nhật Tân đã có gần chục hộ bỏ đào, chuyển sang trồng cánh bướm, bách nhật, violet để cho thuê chụp ảnh.

Những gốc đào thế mọi năm dùng để ghép nhánh đào Nhật Tân, nay “nở” ra toàn hoa nhựa.

“Chụp xa còn được, chứ nhìn gần thấy giả tạo thế nào ấy”, bạn Huyền Thanh, nhân viên một công ty trên đường Thái Hà, Q.Đống Đa nói khi xem lại những bức ảnh vừa chụp.

Anh Nguyễn Nam Anh, nhà ở Q.Tây Hồ cũng phàn nàn: “Cứ đà này, chắc vài năm sau đến Nhật Tân chỉ còn đào giả”.

Cùng chung ý nghĩ ấy, anh Minh Hải, một nhiếp ảnh gia đi chụp đào, quất ở Tứ Liên, Nhật Tân nói: “Cái hồn của bức ảnh nằm ở sự chân thực.

Làng hoa đẹp vì có không khí tết, có cái lam lũ của người trồng hoa. Giờ cái gì cũng giả, mười người đến chụp thì ra mười bức ảnh nhàn nhạt, na ná như nhau”.

Khó trách những người trồng hoa, bởi họ phải xoay sở để tăng thu nhập.

Nhưng cảnh đào giả át đào thật, “studio” lấn vườn hoa truyền thống và đang thu hút nhiều người trẻ tuổi khiến chúng tôi ra về mà lòng cứ man mác mãi…

Tịnh Tâm

>> Lợi ích từ hoa
>> Chấn chỉnh ngay văn hóa lễ hội
>> Hoa lan Trung Quốc cạnh tranh với quất đào Nhật Tân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.