Sống cùng ô nhiễm - Kỳ 7: Xử lý rác ở Hội An

04/06/2015 10:47 GMT+7

Ngành chức năng TP.Hội An (Quảng Nam) đã rất quyết liệt trong cách thu gom, xử lý rác thải để tạo nên một phố cổ thân thiện trong mắt du khách như hiện nay.

Ngành chức năng TP.Hội An (Quảng Nam) đã rất quyết liệt trong cách thu gom, xử lý rác thải để tạo nên một phố cổ thân thiện trong mắt du khách như hiện nay.

Xử lý rác ở Hội AnHai thùng rác dễ phân hủy và khó phân hủy được đặt ngay trên đường phố cổ Hội An để du khách tự phân loại khi bỏ vào thùng - Ảnh: Hoàng Sơn
Phân loại rác tại nguồn
Theo thống kê, mỗi ngày tại Hội An có gần 70 tấn rác các loại thải ra. Tại Hội An hiện đang triển khai nhiều chương trình lớn để xử lý rác thải. Trong đó, chương trình phân loại rác tại nguồn hiện đang áp dụng tại 13/13 xã, phường. Rác dễ phân hủy sau khi được phân loại sẽ chuyển đến một nhà máy để làm phân compost, còn rác khó phân hủy được chôn lấp tại bãi rác Cẩm Hà. Theo ông Lê Đại Quang, Tổ phó Tổ môi trường (Phòng TN-MT TP.Hội An), giai đoạn đầu dự án chỉ thực hiện thí điểm tại 4 phường, đến ngày 1.5.2014 được nhân rộng ra toàn thành phố. Phòng TN-MT đã tham mưu thành lập ban chỉ đạo phân loại rác tại nguồn cùng với tổ kỹ thuật, tổ giám sát. Trong đó, tổ kỹ thuật chịu trách nhiệm soạn thảo tài liệu tuyên truyền đến từng khối phố; tổ giám sát chịu trách nhiệm phối hợp với Công ty Công trình công cộng (CTCC) Hội An với các xã, phường để đi giám sát người dân phân loại rác tại nguồn.
“Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Công ty CTCC Hội An nếu hộ dân nào không tiến hành phân loại rác tại nguồn thì kiên quyết không thu gom và trả rác đó lại cho gia đình phân loại. Nếu hộ dân nào không mang vào nhà để xử lý thì lập biên bản xử phạt hành chính. Phải kiên quyết không thu gom thì người dân mới nâng cao ý thức...”, ông Quang nhấn mạnh.
Bên cạnh biện pháp này, hiện tại Hội An cũng bắt đầu thực hiện chương trình giảm thiểu túi nilon tại nhiều khu vực của phố cổ sau thành công ở đảo Cù Lao Chàm. Đây là chương trình được xem là tiêu chí xét danh hiệu khối phố, xã phường văn hóa. Chương trình giáo dục ngoại khóa môi trường trong các trường tiểu học và THCS cho học sinh với sự tham gia của những tình nguyện viên Nhật Bản cũng đã triển khai từ nhiều năm qua.
Xử lý rác từ... nhà bếp
Mới đây, Hội An triển khai tiếp dự án xử lý rác thải nhà bếp dễ phân hủy thành phân compost cho các hộ dân có vườn rộng. Theo đó, Phòng TN-MT Hội An đã phát miễn phí 3 thùng ủ/hộ (tổng cộng có 430 hộ) tham gia thí điểm làm phân compost bón cây trong vườn nhà. Theo ngành môi trường, rác thải nhà bếp thường là loại rất dễ phân hủy nên với mô hình này, người dân có thể tự tạo ra phân bón cho những cây trồng trong vườn rất tiện lợi. Chỉ cần lần lượt cho rác vào 3 thùng ủ, khoảng một tháng sau thì có thể lấy thùng ủ đầu tiên đem đi bón cho cây. Ban đầu, 430 hộ được chọn thí điểm mô hình, về sau, những hộ dân tham gia sẽ chủ động để mua thùng ủ về áp dụng trong nhà.
Một mô hình khác mà TP.Hội An áp dụng hiệu quả đó là nâng cao nhận thức của doanh nghiệp. Hằng năm, Phòng TN-MT đều đặn tổ chức các cuộc tập huấn cho các doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến rác thải, nước thải từ các khách sạn, nhà hàng. Hiện thành phố đã áp dụng thí điểm chương trình “sản xuất sạch hơn” cho 8 nhà hàng và 2 khách sạn trên địa bàn; đồng thời vận động các doanh nghiệp tiết kiệm nước, điện…
Đặc biệt, các doanh nghiệp mới thành lập đều được kiểm soát rất chặt các khâu xử lý nước, rác thải. Nếu không đảm bảo sẽ không được hoạt động.
“Phòng TN-MT còn lập đội kiểm tra liên ngành giám sát quá trình bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm nâng cao ý thức của họ. Có những thời điểm, các hộ dân xử lý rác thải rất chệch choạc, khi đó chúng tôi sẽ triệu tập họp ngay để chấn chỉnh…”, ông Quang cho biết thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.