Sống cùng ô nhiễm - Kỳ 6: Đổ bệnh vì rác thải

02/06/2015 11:47 GMT+7

Tình trạng ô nhiễm không được xử lý triệt để khiến đời sống của hàng vạn người dân khu vực bãi rác ở Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế ngao ngán kêu trời!

Tình trạng ô nhiễm không được xử lý triệt để khiến đời sống của hàng vạn người dân khu vực bãi rác ở Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế ngao ngán kêu trời!

Nước rỉ rác từ núi rác Khánh Sơn vô tư chảy ra khu dân cư - Ảnh: B.N
 
Hôi đến long cả óc!
“Chúng tôi không dám sử dụng nước giếng đóng từ 5-6 năm nay rồi. Cách đây khoảng 4 năm, chúng tôi được TP cho kéo nước máy Cầu Đỏ về dùng, được miễn phí mỗi khẩu 1m3 nước từ đó đến nay, vì đa số người dân đều thuộc diện hộ khó khăn. Nhưng từ đầu năm 2015 đến nay, chúng tôi nhận được thông báo là phải trả tiền nước, không được sử dụng miễn phí nữa, mà không nhận được giải thích nào. Nhiều cuộc họp tôi đại diện người dân trong tổ hỏi, thì cũng chỉ nhận được câu trả lời là phải trả tiền, vậy thôi, không giải thích gì thêm”, ông Thành nói.
D.H
Đến khu dân cư Khánh Sơn 1 và Đà Sơn (P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) vào ngày nắng cao độ, mặc dù còn vài cây số nữa mới tới bãi rác, nhưng mùi hôi thối khiến chúng tôi cảm thấy choáng váng.
Bà Nguyễn Thị Thao, người dân tổ 170, khối Khánh Sơn 1 cười như mếu: “Đó là cô đến đây vào mùa nắng, mùi hôi thối đã giảm 100 lần rồi. Cứ đến đây vào những chiều mưa giông, hay vào mùa mưa, là “thấm” liền, chắc cũng ngất xỉu !”.
Để minh chứng về mức độ ô nhiễm của nơi này, ông Phạm Công Thành, Tổ trưởng tổ 170 bực bội dẫn chúng tôi vào tận khu vực nước rỉ rác đã qua xử lý đổ lộ thiên ra ngoài môi trường. Thật khó hình dung đây là nước rỉ rác đã qua xử lý. Mặt nước nổi váng, đen kịt, hôi thối vô tư xả ra khu vực dân cư không theo một đường ống khép kín nào.
Ông Thành vừa bịt mũi, vừa cho hay, dòng nước thải này được dẫn ngược về khu vực TP, rồi thải ra biển, nên nhiều nơi bị hôi thối mà không hề hay biết nước hôi thối từ đâu đổ về. Mấy tháng gần đây, người dân Khánh Sơn 1 đứng ngồi không yên bởi một xe chở rác thải không qua xử lý lên bãi rác.
“Không hiểu họ chở cái gì, mà cứ chạy lên là nước rỉ xuống mặt đường, mùi hôi thối đến long cả óc, kéo dài cả tiếng đồng hồ không ai dám hé cửa ra. Nhưng khi báo lên chính quyền thì họ nói phải bắt được tận tay thì mới xử. Mà dân thì sao đi bắt xe được! “Vô bươi rác cũng không hôi bằng ở dưới khu dân cư ni, nước rỉ rác cứ chảy vô, tội nhất mấy đứa trẻ học sinh, toàn nhà nghèo, trời mưa đi học cứ lội vô mấy cái nước thải đó, sao mà không mắc bệnh được”, anh Trần Hoàng Long, một người dân sống ở khu vực này bức xúc.
Ngửi rác thành thị
Cùng cảnh ngộ, từ nhiều năm qua, người dân P.Thủy Phương (TX.Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) và một số vùng lân cận đã phải gồng mình hứng chịu ô nhiễm rác thải, bụi bặm từ các nơi đổ về. Dì Thương (tổ 12, P.Thủy Phương) chủ 1 quán ăn đưa cho chúng tôi xem những miếng dán bẫy đen kịt ruồi chết. Mỗi ngày, dì Thương phải tốn ít nhất 10 miếng dán như thế mới hạn chế ruồi vào thức ăn.
“Các đoàn về tiếp xúc cử tri người dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng hôi thối, nguồn nước ô nhiễm từ các bãi rác, từ nhà máy xử lý rác Thủy Phương. Người dân, UBND phường, UBND thị xã đều có kiến nghị cấp trên xử lý dứt điểm, nhưng bao năm qua hầu như không cải thiện được”, Tổ trưởng tổ 12, ông Nguyễn Đình Thụy ngao ngán.

Xà bần, bùn cống đổ bên khe Răm ở ngoài bãi rác được quy hoạch của Hepco (Ảnh chụp ngày 16.5.2015) - Ảnh: Đình Toàn
 
Theo ông Thụy, điều đáng ngại nhất là cứ vào mùa mưa nguồn nước thải không qua xử lý từ khu vực nhà máy xử lý rác Thủy Phương (thuộc Công ty CP đầu tư-phát triển Tâm Sinh Nghĩa, Chi nhánh Huế) xả thẳng ra môi trường qua khe Ngang.
“Ở tổ 12 hiện có gần 300 hộ dân với trên 1.000 người, nhưng mới chỉ có 60% số hộ có nước máy để dùng, 40% còn lại dùng nước giếng hoặc khe suối cho ăn uống, sinh hoạt. Cứ tiếp tục tình trạng này thì bệnh tật sẽ ngày càng tăng”, ông Thụy lo lắng.
Ngoài ra, một lượng lớn xà bần, bùn cống được xe thu gom vệ sinh môi trường vận chuyển từ TP.Huế về đổ vào những bãi rác tự phát nằm trên khe Răm.
Đây cũng là khu vực đầu nguồn sông Hương, bùn và nước bẩn theo đó chảy về xuôi sẽ gây nên ô nhiễm trầm trọng.
Chờ đến bao giờ?
Nhà máy xử lý rác thải Thủy Phương chính thức hoạt động năm 2007, hằng ngày tiếp nhận và xử lý từ 180-200 tấn rác thải. Tuy nhiên, hơn một tháng trở lại đây, nhà máy tạm ngừng tiếp nhận rác thải để cải tạo, nâng cấp nên buộc lòng Hepco phải xử lý nguồn rác thải bằng cách chôn lấp ở bãi rác gần nhà máy khiến người dân càng lo ngại về tình trạng quá tải và gia tăng ô nhiễm.
Trong khi đó, mỗi ngày bãi rác Khánh Sơn (TP.Đà Nẵng) tiếp nhận 700 tấn với rác thải công nghiệp, sinh hoạt và cả rác thải y tế. Lượng chất thải vô cùng lớn, nhưng công nghệ xử lý hiện tại không còn phù hợp, do vậy vẫn phát tán mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cộng đồng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT TP.Đà Nẵng cho hay, cùng với việc đầu tư một hệ thống xử lý nước thải 100 tỉ do TP đầu tư, có thêm dự án tái chế rác do Công ty CP Môi trường VN chuẩn bị đi vào hoạt động, góp phần làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, TGĐ Công ty CP Môi trường VN, giai đoạn 1 của dự án tái tạo năng lượng từ rác thải sẽ chính thức khánh thành vào cuối tháng 6.2015, trên diện tích 4ha, với tổng kinh phí đầu tư hơn 300 tỉ đồng. Trong giai đoạn 1 này, 200 tấn rác thải mỗi ngày sẽ thành những chế phẩm như than bón cây công nghiệp; than sử dụng cho các lò đốt công nghiệp; dầu PO, FO, gạch block...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.