Sống chật vật ở khu tái định cư

15/10/2013 10:25 GMT+7

Hầu hết đời sống của dân tộc thiểu số (DTTS) tại khu tái định cư (TĐC) ấp Thanh An, xã Thanh An, TX.Bình Long (Bình Phước) vẫn trong cảnh bấp bênh và thiếu thốn.

Hầu hết đời sống của dân tộc thiểu số (DTTS) tại khu tái định cư (TĐC) ấp Thanh An, xã Thanh An, TX.Bình Long (Bình Phước) vẫn trong cảnh bấp bênh và thiếu thốn.

Sống chật vật ở khu tái định cư
Khu cấp nước tập trung giờ bỏ hoang cho cỏ dại mọc và trẻ con chơi

Khu TĐC Thanh An là 1 trong 12 dự án hỗ trợ di dân, định canh, định cư cho đồng bào DTTS được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg. Theo dự kiến có khoảng 130 hộ đồng bào DTTS của TX.Bình Long và H.Hớn Quản sẽ di dời vào đây.        

Thiếu thốn đủ bề

Từ QL 13 vào khu TĐC Thanh An dài hơn 6km là một con đường nhựa do nhà Công ty xi măng Bình Phước đầu tư. Trái ngược với không khí vội vã bên ngoài, càng vào sâu bên trong, một mảng tối của của khu TĐC này càng lộ rõ.

 

Khu nước tập trung hư, báo chính quyền nhiều lần vẫn chưa được giải quyết, dù họ cũng có xuống khảo sát. Nhớ lại mùa khô năm ngoái mà tôi còn sợ. Chúng tôi phải đi tới sông Cần Lê cách đây 2-3 km để tắm, giặt, dù nước rất dơ

Chị Thị Gái, khu TĐC Thanh An, xã Thanh An, TX.Bình Long (Bình Phước)

Do đang là mùa mưa nên hầu hết 19 hộ sống ở khu TĐC Thanh An đều có mặt ở nhà. Ngồi trước hiên nhà, anh Điều Tồn rít từng hơi thuốc than thở nói về thu nhập: “Gia đình tôi về sống ở đây được 5 năm rồi. Lúc mới về, nhà nước cấp căn nhà cấp 4 và 1 ha đất trồng điều. Tưởng sẽ đỡ khổ nhưng giờ lại mang nỗi lo. Ở đây đất cằn cỗi, điều không lớn nỗi. Mùa mưa thì ngập cả nửa thân cây. Nhà còn không có ăn lấy tiền đâu mua phân bón nên đành bỏ liều”. Một ha điều của nhà anh Tồn trồng 5 năm nay, nhưng chỉ to bằng cổ tay. Thiếu ăn, anh chuyển qua trồng mì, hàng ngày đi làm thuê như đào mương, làm cỏ… “Ở nơi cũ, thiếu đói còn có thể vay mượn chứ ở đây thì ai cũng khổ. Làm thuê cũng chẳng ai kêu”, anh Tồn buồn bã nói.

Khu vực cấp nước tập trung tại khu TĐC Thanh An giờ làm sân chơi cho bọn trẻ. Chị Thị Gái, người đã định cư được 4 năm chia sẻ: “Khu nước tập trung hư, báo chính quyền nhiều lần vẫn chưa được giải quyết, dù họ cũng có xuống khảo sát. Nhớ lại mùa khô năm ngoái mà tôi còn sợ. Chúng tôi phải đi tới sông Cần Lê cách đây 2-3 km để tắm, giặt, dù nước rất dơ”.

Nguy cơ tái nghèo hiện hữu

Cũng vì đời sống khó khăn nên nhiều đứa trẻ ở khu TĐC này phải nghỉ học từ rất sớm để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Một phần vì đoạn đường đến trường xa quá (Trường THCS gần nhất cũng hơn 8km - PV) và …không có tiền để đóng học phí. Hai đứa con trai của anh Điều Tồn là Điểu Dũng, Điểu Công đang học lớp 3 và lớp 6 cũng không ngoại lệ. Ngồi cạnh cha, em Điểu Công (con thứ 2 của anh Tồn) cúi gầm mặt nói: “Cháu thích học lắm nhưng ba nói không có tiền nên phải ở nhà”.

Đàn ông đi làm thuê, còn phụ nữ ở đây làm nghề cạo vỏ hạt điều. Thu nhập từ công việc này cũng giúp họ có cái ăn qua ngày. Lúc chúng tôi đến, nhà bà Thị Nhum có tới 4 người phụ nữ quây lại bên thúng hạt điều để bóc vỏ lụa. Cô con gái Thị Nhum nói: “Mấy ngày nay, ra đầu đường QL13 tìm được mối, lấy  hạt điều về cạo. Ráng thì cả ngày, 4 người cũng kiếm được 100.000 đồng”.

Sống chật vật ở khu tái định cư
Gia đình Thị Nhum đã có thêm việc làm từ bóc vỏ lụa hạt điều

Anh Trần Đức Kiệm, Cán bộ dân tộc- tôn giáo xã An Khương (H.Hớn Quản), người trực tiếp đưa 8 hộ dân của xã An Khương vào vùng dự án nói: “Hầu hết người dân chỉ dựa vào 1 ha đất được cấp nhưng đất rất xấu lại không được đầu tư cải tạo nên càng bạc màu, khó phát triển. Nghèo khó, trình độ văn hóa thấp nên cuộc sống của họ quanh năm bấp bênh. Không thể tìm được việc làm cho thu nhập ổn định khiến cho đời sống của người dân vùng dự án càng thêm khổ. Nỗ lực xóa mù, phổ cập, chống bỏ học sẽ khó đạt kết quả cao nếu tình trạng vẫn chưa thể cải thiện. Đặc biệt, ở đây, gia đình sinh con thứ ba trở lên chiếm rất đông”.

Phước Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.