Sản xuất bền vững nhờ liên kết “4 nhà”

20/09/2013 12:45 GMT+7

Những ngày qua, nông dân H.Long Mỹ (Hậu Giang) phấn khởi thu hoạch dứt điểm lúa hè thu muộn. Vụ lúa này nhờ có sự liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp) chặt chẽ, người dân nơi đây không còn lo cảnh thương lái ép giá hay đầu ra bấp bênh.

Những ngày qua, nông dân H.Long Mỹ (Hậu Giang) phấn khởi thu hoạch dứt điểm lúa hè thu muộn. Vụ lúa này nhờ có sự liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp) chặt chẽ, người dân nơi đây không còn lo cảnh thương lái ép giá hay đầu ra bấp bênh.

Sản xuất bền vững nhờ liên kết “4 nhà”
Thông qua “4 nhà”, máy gặt đập liên hợp xuất hiện ngày càng nhiều tại Hậu Giang

Mô hình sản xuất liên kết “4 nhà” bắt đầu được thực hiện trong vụ hè thu 2013 ở 2 xã Lương Tâm và Lương Nghĩa (H.Long Mỹ) trên diện tích 80 ha, với 60 hộ tham gia. Công ty CP bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) là đơn vị hợp đồng với nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Ông Võ Văn Thường (ấp 6, xã Lương Nghĩa) cho biết nếu như trước đây, mỗi khi đến vụ thu hoạch, ông phải chạy đôn chạy đáo tìm nhân công gặt, thương lái bán lúa, thì bây giờ chỉ có nhiệm vụ báo về AGPPS, rồi đứng ra giám sát thu hoạch lúa, nhận tiền. Theo ông Thường, nông dân được hưởng rất nhiều cái lợi khi tham gia mô hình liên kết “4 nhà” . Công ty sẽ bảo lãnh cho nông dân mua lúa giống trả chậm; thuốc trừ sâu, phân bón mua rẻ hơn đại lý cấp một 5%. Ngoài ra, kỹ sư nông nghiệp của AGPPS còn trực tiếp ra đồng hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Đến khi thu hoạch, công ty cho người đến tận ruộng thu mua lúa với giá cao hơn thị trường từ 200 - 300 đồng/kg. Tham gia mô hình này, nông dân giảm chi phí sản xuất đến 30%, năng suất lúa tăng từ 15 - 20%.

Theo ông Trương Quang Thái (AGPPS), công ty sẽ hỗ trợ bao chứa lúa và cho nông dân mượn kho tạm trữ 1 tháng để chờ giá, nếu ngay đợt thu hoạch giá lúa xuống thấp. Để gắn bó lâu dài với nông dân, AGPPS đã thành lập công ty lương thực và xây dựng nhà máy chế biến với công suất 200.000 tấn/năm tại H.Hồng Dân (Bạc Liêu). “Từ kết quả khả quan tại H.Long Mỹ, AGPPS có kế hoạch đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất lên 1.000 ha tại các vùng lân cận trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”, ông Thái cho biết thêm.

Bài, ảnh: Kim Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.