Săn lùng cổ vật Công tử Bạc Liêu - Kỳ 2: 'Kho báu' đồ cổ

12/02/2014 10:24 GMT+7

Xuất hiện nhiều cá nhân, đơn vị sở hữu những cổ vật quý hiếm của Hắc công tử nhưng họ nhất quyết không bán dù được trả giá ngất ngưởng.

>> Săn lùng cổ vật Công tử Bạc Liêu - Kỳ 1: Cổ vật 'có một không hai

Săn lùng cổ vật Công tử Bạc Liêu
Bộ trường kỷ có giá hàng tỉ đồng do ông Hùng sưu tầm - Ảnh: Trần Thanh Phong

Cặp giường nóng - lạnh ở... chùa

Chùa Sà Lôn (chùa Chén Kiểu, thuộc xã Đại Tâm, H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đang lưu giữ nhiều cổ vật của Công tử Bạc Liêu. Đó là 2 chiếc long sàn (1 chiếc giường nóng, 1 chiếc giường lạnh), 1 bàn chữ U, 1 bàn hột xoài… có niên đại hàng trăm năm; mỗi món được định giá hàng tỉ đồng. Cặp giường có cấu trúc tương tự nhau, mỗi chiếc cao khoảng 2,5 m, rộng gần 2 m; đặc biệt có tác dụng hoàn toàn “trái cực” nhau. Ông Trần Văn Hai (63 tuổi, làm công quả cố cựu ở chùa Chén Kiểu) xác nhận: “Cặp giường này chính là của gia đình Công tử Bạc Liêu; được nhà chùa mua lại từ người dân vào năm 1950. Đặc điểm ở phần mặt nền của chiếc giường nóng có 3 miếng gỗ giáng hương ghép lại được dùng để ngủ vào mùa mưa lạnh; còn chiếc giường lạnh lót đá cẩm thạch nên dùng ngủ vào mùa hè nóng nực. Nhà chùa mua lại chiếc giường lạnh khoảng 5.000 đồng, còn giường nóng 9.500 đồng. Lúc đó giá lúa chỉ có 4 cắc/giạ (20 kg) nên giá trị của mỗi chiếc giường như thế là rất lớn. Trải qua hàng chục năm lưu giữ, các cổ vật này được bảo quản kỹ lưỡng; hằng ngày có nhiều người đến chùa tham quan, chiêm ngưỡng.

Ông Trần Trinh Đức, con trai Công tử Bạc Liêu, cho biết: “Các cổ vật ở chùa Chén Kiểu trước đây được trưng bày trong một dinh thự của gia đình ở Bàu Sàng (H.Phước Long, Bạc Liêu ngày nay). Sau năm 1945, dinh thự này bị tá điền đốt, lấy đi toàn bộ tài sản có giá trị. Nhiều người tẩu tán khắp nơi, rồi bán lại cho chùa Chén Kiểu”.

Người sở hữu nhiều cổ vật Hắc công tử

Hàng chục năm qua, ông Nguyễn Minh Hùng (58 tuổi, ở P.7, TP.Bạc Liêu) bỏ công sưu tầm hàng ngàn cổ vật; trong đó có nhiều món quý giá của gia đình Công tử Bạc Liêu. Nhiều người ắt hẳn sẽ bị choáng ngợp khi lần đầu tiên chiêm ngưỡng “kho báu” đồ cổ này. Ông Hùng khoe: “Hơn 30 năm qua, tôi đã tìm kiếm và mua lại được rất nhiều cổ vật của Công tử Bạc Liêu, như: cặp tượng Phật thời Pháp, từng được công tử trưng bày trang trọng trước bàn thờ ông bà; cây đờn tranh có thân làm bằng cây tre cực lớn; bộ ván ngựa 2 tấm bằng gỗ đỏ dài 2,7 m; 1 vòng cẩm thạch, 1 nhẫn đeo tay của vợ cả công tử; bình tích đựng nước trà đãi tá điền...”. Trong hàng ngàn cổ vật, ông Hùng quý nhất là 5 chiếc long sàn và 5 bộ trường kỷ, vốn của gia đình Hắc công tử; có tuổi thọ khoảng 300 năm, được ông tìm mua ở các tỉnh miền Tây. Mỗi chiếc long sàn có chiều dài 2,5 m, rộng 2 m, được đóng bằng gỗ sưa (Huỳnh Đàn), toàn bộ được chạm khắc bằng ốc xà cừ, rất tinh xảo; mặt lót đá cẩm thạch từ Vân Nam, Trung Quốc. Đã có rất nhiều nhà sưu tâm đồ cổ, kể cả chủ các khu resort cao cấp trong cả nước đến tận nhà hỏi mua nhưng ông nhất quyết không bán. Có người hỏi mua 1 chiếc giường giá 7 tỉ đồng, có người trả giá 300.000 USD…

Ông Hùng ước tính, tổng số hàng ngàn món đồ cổ mà mình đang sở hữu có giá trị hơn 100 tỉ đồng. Trong đó, chỉ riêng 5 chiếc giường, 5 bộ trường kỷ có giá khoảng 70 tỉ đồng. Do lòng đam mê sưu tầm đổ cổ nên từ trước đến nay ông Hùng không bán lại món nào cho ai. Nhưng hay tin tỉnh Bạc Liêu khôi phục cụm dinh thự Công tử Bạc Liêu, đồng thời truy tầm các cổ vật, ông Hùng có nhã ý sẵn sàn nhượng lại một số cổ vật để tỉnh trưng bày phục vụ khách tham quan…

Ông Nguyễn Vũ, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Tỉnh đã săn tìm các cổ vật của Công tử Bạc Liêu ở khắp nơi, nhưng những người sở hữu nhất quyết không bán lại. Thời gian qua, chỉ có một số người hiến tặng ít cổ vật. Do đó tỉnh đã nhờ các nghệ nhân nổi tiếng trong cả nước phục chế các đồ vật của gia đình công tử để sớm trưng bày phục vụ du khách”.

Trần Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.