Sá sùng muốn 'được' khai thác

30/06/2014 10:55 GMT+7

Là một loài thủy sinh đặc sản, mỗi cân sá sùng phơi khô hiện có giá gần 1 chỉ vàng. Tuy nhiên việc quản lý loài thủy sản đắt đỏ nhất ở Quảng Ninh còn nhiều điều bất cập.

Là một loài thủy sinh đặc sản, mỗi cân sá sùng phơi khô hiện có giá gần 1 chỉ vàng. Tuy nhiên việc quản lý loài thủy sản đắt đỏ nhất ở Quảng Ninh còn nhiều điều bất cập.

Sá sùng
Người dân đi đào sá sùng ở Quan Lạn - Ảnh: Thúy Hằng

Thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết sá sùng tập trung tại các bãi triều ven biển từ Quảng Yên đến các xã Tân Bình, Đai Bình (huyện Đầm Hà). Đây là nơi có trữ lượng sá sùng lớn nhất, cho khai thác khoảng 20 tấn mỗi năm.

Tại xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, sản lượng hàng năm khoảng 10 tấn nhưng là nơi sá sùng có chất lượng cao nhất. Cách bắt sá sùng phổ biến là dùng mai để đào, khiến nhiều con bị đứt. Theo một người dân Quan Lạn, để được 1 con sá sùng lành lặn thì có khi mất đến 9 lần đào, hôm nào may mắn mới được một cân.

Tại Quan Lạn, một lạng sá sùng tươi bán được 25.000 - 28.000 đồng, 8 - 9 kg sá sùng tươi mới được 1 kg sá sùng khô, sá sùng tốt là phải lành lặn, đều đặn và có màu sáng. Dịp Tết, sá sùng khô Quan Lạn có giá xấp xỉ 4 triệu đồng một cân. Tại Quan Lạn, từng có các thương lái Trung Quốc mang máy hút cát để khai thác theo kiểu tận diệt. Hiện có trên 100 hộ dân Quan Lạn đang theo nghề khai thác sá sùng và được địa phương tạo điều kiện.

Có giá trị rất cao nhưng nuôi sá sùng vẫn đang là bài toán khó ở Quảng Ninh. Bà Đặng Thị Việt Hương, Phó trưởng phòng Bảo vệ nguồn lợi và môi trường thủy sản, Sở NN-PTNT Quảng Ninh, cho biết tỉnh từng thử nuôi sá sùng tại Tiên Yên nhưng chưa thành công. Một vấn đề cũng gây khó cho các nhà quản lý nguồn lợi thủy sản tại đây là trong Thông tư 01/2011/TT-BNNPTNT ban hành ngày 5.1.2011 về việc sửa đổi, bổ sung danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển, sá sùng thuộc danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn. Cũng theo tinh thần đó, Nghị định 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản quy định mức phạt từ 5 - 40 triệu đồng với hành vi thu gom, mua bán, sơ chế từ dưới 10 kg đến 30 kg các loài trong danh mục kể trên, trong đó có sá sùng.

Theo Sở NN-PTNT Quảng Ninh, các quy định trên chưa hợp lý vì sản lượng sá sùng tại Quảng Ninh mỗi năm có thể cho trên 800 tấn, trữ lượng loài thủy sinh này cũng còn rất lớn. Mặt khác, khai thác sá sùng là nghề mưu sinh của hàng ngàn người dân từ nhiều đời nay, sá sùng cũng là sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh Quảng Ninh và đảo Quan Lạn.

Thúy Hằng

>> Lần đầu tiên sinh sản nhân tạo sá sùng
>> Đặc sản nem Lai Vung vào mùa tết
>> Đặc sản mùa nước nổi
>> Đặc sản biển bào ngư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.