Rộn rịp mùa mai tết

16/01/2013 09:26 GMT+7

Hiện nay, các nhà vườn ở ĐBSCL đang rộn rịp chuẩn bị mai bán tết. Hầu như sân vườn nào cũng chật ních mai. Từ mai nhỏ, mai trung đến mai cổ thụ, tất cả đều sẵn sàng để góp mặt ở các chợ hoa Tết Quý Tỵ.

Cái Mơn - “vương quốc” mai vàng

Nếu như các loại kiểng bông, kiểng màu là đặc trưng của làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), thì cây mai là thế mạnh của làng hoa kiểng Cái Mơn (xã Vĩnh Thành, H.Chợ Lách, Bến Tre). Một cán bộ Phòng Kinh tế H.Chợ Lách cho biết năm 2012, Cái Mơn bán ra 7 triệu giỏ cây kiểng, trong đó mai chiếm tới 1/3. Theo ông Lê Văn Út, Trưởng công an ấp Phú Hội (xã Vĩnh Thành, H.Chợ Lách), trước đây đa số bà con trong ấp đều nghèo vì thiếu đất canh tác. Thế nhưng nhờ cây mai vàng mà nhiều gia đình đã khá lên. Mai được trồng trong chậu nên không mất nhiều diện tích. Một người chỉ cần khoảng vài trăm m2 đã có thể trồng vài trăm chậu mai. Hiện nay, cả ấp Phú Hội có trên 80% hộ chuyên doanh mai tết. Bình quân mỗi hộ thu nhập từ vài chục triệu đến 200 triệu đồng/năm.

Rộn rịp mùa mai tết
Mai vàng, biểu tượng của miền Nam mỗi dịp xuân về

Đặc biệt, làng mai Phú Hội trồng toàn mai ghép nên cây nào cũng hoa to, rực rỡ và lâu tàn.Tại các chợ hoa tết, mai vàng Phú Hội luôn chiếm vị thế hàng đầu ở các lô kiểng. Theo lời các nghệ nhân, một cây mai có giá trị kinh tế cao đòi hỏi phải có dáng đẹp, già dặn, cổ kính, gốc rễ hùng mạnh, tàn nhánh hài hòa và đặc biệt là hoa to, sắc màu rực rỡ.

Mai y Phước Định

Làng mai truyền thống Phước Định (xã Bình Hòa Phước, H.Long Hồ, Vĩnh Long) chuyên trồng mai nguyên thủy, mai y (không ghép). Đa số đều là cây cổ thụ từ vài chục năm tuổi trở lên nên có giá trị kinh tế khá cao. Bà Lê Thị Kim Vân, Bí thư kiêm Trưởng ấp Phước Định 2, cho biết làng mai Phước Định có bề dày lịch sử trên 60 năm. Hiện cả ấp có 200/330 hộ trồng mai, hầu hết đều đã thoát nghèo và vươn lên khá giả. Trong ấp, người trồng ít thì vài ba chục cây, người trồng nhiều lên đến vài trăm cây, hằng năm thu được khoảng vài trăm triệu đồng. Riêng gia đình bà Vân cũng trồng được 300 cây mai. Mùa tết năm ngoái, sau khi trừ hết các chi phí, bà còn lời trên 100 triệu đồng. Năm 2009, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ra quyết định công nhận nơi đây là làng nghề truyền thống hoa kiểng - du lịch sinh thái Phước Định. Từ đó đến nay, cây mai vẫn tiếp tục giữ vững vị trí cây kinh tế chủ lực, giúp giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Rộn rịp mùa mai tết
Cây mai ở H.Thoại Sơn (An Giang) được xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam, trị giá 800 triệu đồng

Năm nay, dự báo tình hình mai nở sớm đã làm cho nhiều nhà vườn ở Phước Định không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, ông Tiêu Hùng Minh, Phó ban đại diện làng mai Phước Định vẫn tự tin cho rằng mùa mai này sẽ thắng lợi, nếu người trồng thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để xử lý phân, thuốc, cách tưới nước hợp lý và đúng kỹ thuật. Các nghệ nhân chơi mai ở ĐBSCL cho biết tết năm nay, một số nhà vườn ở Cái Mơn, Sa Đéc và An Bình (TP.Cần Thơ) thay vì kinh doanh mai cổ thụ có giá hàng trăm triệu đồng/gốc đã chuyển sang đầu tư mai trung, mai tiểu. Đây là những loại mai vừa đẹp lại vừa hợp với túi tiền của người chơi. Mỗi cây như vậy chỉ có giá từ 100.000 - 200.000 đồng.

Còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Các nhà vườn miền Tây đang ra sức cắt tỉa, tạo dáng, xử lý phân thuốc… để tung ra thị trường những cây mai đẹp nhất. Ngoài ra, thời điểm này còn rộn ràng dịch vụ chăm sóc mai. Người trồng có thể đến tận nhà chủ hoặc nhận về nhà chăm sóc, canh cho mai nở bông đúng vào dịp tết.

Hoài Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.