Rầu vì lũ lớn không về

20/09/2013 12:39 GMT+7

Đã vào giữa tháng 8 âm lịch nhưng con nước đầu nguồn sông Cửu Long mới tròm trèm ở mức báo động 1. Vậy là năm nay, mùa nước nổi thực sự lại không về.

Rầu vì lũ lớn không về
Ông Ny bên chiếc dớn chỉ dính một ít cá linh - Ảnh: Nguyễn Huỳnh

Cá tôm sụt giảm

Thay vì con nước ngập trắng xóa như mọi khi, cánh đồng giáp biên giới thuộc xã Vĩnh Hội Đông (H.An Phú, An Giang) hiện nước chỉ mới lên quá thắt lưng. Ông Huỳnh Công Phương, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông, thở dài: “Tới thời điểm này mà nước chỉ lên được bao nhiêu, tình hình này chắc lũ lớn không về, cá mắm cũng thất thu theo”.

 

Chúng ta phát triển sản xuất vụ thu đông, mở hướng an sinh trong mùa nước nổi để bà con sống chung với lũ là điều đúng đắn. Nhưng việc phát triển ồ ạt, không theo quy luật tự nhiên, thị trường, không đặt trong hoàn cảnh phát triển của lịch sử là sai lầm. Chúng ta phải biết rút kinh nghiệm từ thực tiễn để đưa ra các giải pháp phù hợp với quy luật khách quan. Có như thế mới đảm bảo cho đời sống người dân kể cả lúc lũ lớn không về

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Ông Nguyễn Văn Đa, Trưởng ấp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hội Đông), cho biết Vĩnh Hòa là một trong những ấp nghèo nhất xã, 70% dân số quanh năm làm nghề đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, năm nay dân đánh bắt cá đang rầu, vì một ngày thả 5 - 7 tay lưới cũng chỉ được hơn 2 kg cá linh, cá sặc... chưa đủ cơm cháo qua ngày.

Trong khi đó, mấy năm gần đây, phía bên nước bạn Campuchia cấm bắt cá nghiêm ngặt, nên bà con chỉ quanh quẩn đánh bắt trên những cánh đồng của H.An Phú. Do lượng cá hiện nay sụt giảm đến 70 - 80% so với trước, nên đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. “Giá cá hồi đầu vụ có khá chút đỉnh, nhưng tụi tui đặt dớn, giăng lưới làm sao cạnh tranh lại với mấy người dùng xung điện”, ông  Hà Văn Ny, nông dân ở ấp Vĩnh Hòa nói.

Không riêng những người đánh bắt cá nhỏ lẻ, bà con chuyên nghề đóng đáy trên sông Châu Đốc cũng đang rầu vì lượng cá sụt giảm. Đóng đáy rất tốn kém do phải đấu giá để chọn luồng đáy, chi phí mua lưới, thuê mướn nhân công cao… Với tình hình như hiện nay, nhiều chủ đáy không trụ nổi đã phá sản, bỏ theo nghề khác.

Bỏ xứ đi làm thuê

Theo ông Đa, mấy cánh đồng ở xã Vĩnh Hội Đông và các xã lân cận hiện đã làm lúa 3 vụ. Con đường kiếm cơm của những người sống bằng nghề đánh bắt cá ngày càng bị thu hẹp. “Toàn ấp Vĩnh Hòa hiện có đến 116 hộ (cả gia đình) bỏ xứ lên Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân; còn số hộ có 1, 2 người đi làm xa thì không đếm xuể”, ông Đa cho biết thêm.

Để đối phó với tình hình mưa lũ diễn biến thất thường, An Giang đã đẩy mạnh đầu tư nâng cấp hệ thống đê bao cũ, các tuyến đê mới cũng được xây dựng cao hơn. Bên cạnh đó, do diện tích sản xuất lúa vụ 3 tăng lên, nên nguồn nước đổ về các cánh đồng không còn dồi dào, lượng tôm cá sinh sôi không nhiều như trước. Giá lúa thấp trong khi nguồn lợi thủy sản ngày một cạn kiệt là thách thức rất lớn đối với chính quyền địa phương. Ông Phương cho biết: “Đề án 31 của An Giang về đảm bảo an sinh mùa nước nổi trước đây rất hay, nhưng đến nay hầu như không còn phù hợp nữa. Điều khiến chính quyền trăn trở là tìm hướng hỗ trợ nghề, đảm bảo cuộc sống cho bà con tham gia khai thác cá, khi đa phần các hộ này không có đất sản xuất”.

Rầu vì lũ lớn không về
Lũ lớn không về, người đặt dớn xã Vĩnh Hội Đông lo âu - Ảnh: Nguyễn Huỳnh

Nguyễn Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.