Rau má, cây chịu lũ kiên cường

27/11/2013 10:54 GMT+7

Các tỉnh, thành phố ở miền Trung cứ đến mùa lũ lụt thì nước trắng đồng nên thường được xem đây là mùa “nông nhàn”.

 Rau má
Màu xanh của rau má làng Phước Yên (xã Quảng Thọ, H.Quảng Điền) sau khi cơn lũ từ ngày 7 - 9.11.2013 - Ảnh: Đình Toàn

Thế nhưng với người dân xã Quảng Thọ, H.Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) nhiều năm nay dù đến mùa lũ họ cũng luôn tất bật bởi họ có một giống cây làm suốt bốn mùa: cây rau má. Quảng Thọ là xã nằm ở hạ nguồn sông Bồ, thường hứng chịu các đợt lũ lụt tàn phá hằng năm. Cũng như nhiều vùng nông thôn ở miền Trung, người dân Quảng Thọ cũng từng có thời “nông nhàn” vào mùa lũ lụt. Nhưng chuyện kể rằng cách nay gần 20 năm, có một số người dân ở làng Phước Yên đi hái rau má ở các độn hoang đem về ruộng trồng thử, không ngờ cây phát triển tốt, từ đó hình thành nên làng rau má chuyên canh Phước Yên.

Toàn xã Quảng Thọ hiện có 37ha trồng rau má, trong đó phần lớn tập trung tại làng Phước Yên. Trong hai đợt lũ ngày 7.11 và 15.11 xảy ra mới đây tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, làng Phước Yên cũng chịu cảnh nước lũ ngập trắng đồng. Ấy thế mà ngay sau lũ rút, cũng trên những cánh đồng ấy bát ngát một màu xanh, gợi lên sức sống diệu kỳ sau lũ. “Cây rau má truyền thống của làng chúng tôi đấy, tuy có giảm sản lượng nhưng nó không bị trôi và chết theo lũ như nhiều loại rau màu khác”, ông Nguyễn Công Nuôi, một nông dân tuổi gần 60 của làng Phước Yên giải thích.

Cũng như nhiều nông dân khác ở trong làng, nhiều năm qua cây rau má là nguồn sống của cả gia đình ông Nuôi. Ông Nuôi kể 4 năm trước, thấy bà con trong làng chuyên canh cây rau má, ông cũng mạnh dạn chuyển đổi 4 sào (2.000m2) đất màu của mình để trồng rau má. Hiện bình quân mỗi sào rau má cho gia đình ông Nuôi khoảng 40 triệu đồng mỗi năm. Đáng chú ý, trong hai đợt lũ mới đây, đối với những trà rau má non (tức mới cắt xong vừa lên lại) thì rau má không chịu nổi với lũ, gây thối úng nhưng đối với những trà rau má “già” thì vẫn có thể thu hoạch ngay sau lũ để bán. “Nếu mà lũ nặng thì chúng tôi chỉ mất thu hoạch một lượt, tức là 20 - 25 ngày, sau đó tốn công chăm sóc, cắt tỉa số rau thối úng, thì rau má nó tự lên lại” , ông Nuôi chia sẻ.

Hiện xã Quảng Thọ là nơi duy nhất tại tỉnh Thừa Thiên - Huế chuyên canh cây rau má, và cũng là nơi có số diện tích rau má lớn nhất tỉnh. Cây rau má không chỉ mang lại thu nhập cao cho người nông dân vùng “rốn lũ” này mà còn là loài cây tỏ ra thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là giảm thiểu những thiệt hại cho người nông dân trong mùa lũ lụt. Theo tính toán của nông dân Quảng Thọ thì mỗi sào rau má đầu tư kinh phí khoảng 300 - 500 ngàn đồng. Mỗi sào khi thu hoạch (chu kỳ 20 - 25 ngày) được 250kg, với giá từ 5 - 6 ngàn đồng/kg, trừ chi phí người nông dân có thể kiếm lãi gần 1 triệu đồng/sào chỉ trong vòng 3 tuần.

Hiện có 3 loại giống rau má là giống rau cọng tím (thân tím, phiến lá hình dạng răng cưa); giống má mèo (cây thấp, lá nhỏ, bò sát mặt đất), giống rau má mở (thân to, lá to và xanh mướt, cây cao) được người nông dân Quảng Thọ ưa chuộng và trồng phổ biến hiện nay.

Theo ông Hoàng Công Phong, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, tính bình quân mỗi hecta rau má hiện cho người nông dân trong xã thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm, tức toàn xã mỗi năm có trên dưới 8 tỉ đồng từ cây rau má. Theo chủ trương chung của xã diện tích cây rau má đang ngày càng mở rộng hơn. “Hiện chúng tôi đang vận động người dân và kêu gọi nhà đầu tư đầu tư máy móc sơ chế, bảo quản để tiến tới vùng trồng rau an toàn và chuyên nghiệp hơn”, ông Phong nói.

Đình Toàn

>> Rau má
>> Những lợi ích từ rau má
>> Mưu sinh mùa lũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.