Phụ nữ vượt khó: Lớp học của cô giáo khuyết tật

18/10/2014 16:31 GMT+7

Cuộc sống đôi khi có những điều kỳ diệu và cô giáo Trần Phương Liên với lớp học tiếng Nhật của mình là một trường hợp như thế.

 

Cô Liên đã gắn bó với lớp của mình gần 20 năm nay -  Ảnh: Tuyết Khoa

“Người ta cố một thì mình cố trăm”

Lần gặp đầu tiên, tôi thực sự ấn tưởng bởi thần thái tự tin, vui tươi, yêu đời của cô. Ngồi trên chiếc xe lăn, cô say sưa kể về lớp học tiếng Nhật và những gì cô đã trải qua một cách trìu mến. “Cơ thể khiếm khuyết là điều không may mắn trong cuộc sống này. Đôi chân không thể đi lại là trở ngại không hề nhỏ cho nhiều việc. Có những việc đôi khi rất nhỏ, người bình thường chỉ cần nhích bước là được nhưng với mình thì vô cùng khó. Vì thế mà người ta cố một thì mình cố mười, cố trăm... Nhưng không vì thế mà mình nản. Đôi khi chính khiếm khuyết ấy là động lực để mình vươn lên và vươn tới ước mơ của mình”, cô Trần Phương Liên chia sẻ.

Cô Liên kể, cơn bệnh năm lên bốn đã cướp đi đôi chân mạnh khỏe của cô. Con đường đến trường trở nên gian nan. Bạn bè và gia đình đã thay nhau cõng cô đến lớp. Cô Liên vốn được nhiều người biết đến với lớp học tiếng Nhật của mình. Nhưng ít ai biết rằng, cô vốn tốt nghiệp ngành Sử học, khóa đầu tiên của khoa Văn-Sử, Trường ĐH Tổng hợp Huế. Vốn rất mê học ngoại ngữ nên khi biết có lớp tiếng Nhật do chính người Nhật dạy tại Huế vào năm 1993, cô đã quyết thi vào. “Lớp tuyển 20 người. Nhưng vì không đi lại được nên tôi không thể đến lớp. May mắn, hai thầy dạy tiếng Nhật là thầy Shine Toshiko và thầy Tsu Noda biết hoàn cảnh của tôi nên đã đến tận nhà dạy. Sau hai năm, hai thầy về nước, vốn tiếng Nhật của tôi đã tiến bộ rất nhiều. Tôi bắt đầu nhận sách, tài liệu tiếng Nhật về dịch. Chính thầy cô đã tặng tôi chiếc xe lăn đầu tiên để dễ di chuyển. Có thể nói, chính khóa học tiếng Nhật năm ấy đã thay đổi cuộc đời tôi, giúp tôi biến ước mơ thành hiện thực...”, cô Liên nhớ lại.

Truyền lửa đam mê

Với mong muốn truyền niềm đam mê học tiếng Nhật đến với học trò, cô tự mày mò soạn giáo trình sao dễ học dễ hiểu nhất. Em Hiền Nhi, đang theo học tại lớp học cô Liên cho biết: “Em nghe bạn bè nói nhiều về lớp học của cô Liên nên em tìm học để nâng cao khả năng tiếng Nhật của mình. Cô dạy rất dễ hiểu và tận tình với học sinh. Cô không chỉ dạy tiếng mà còn lồng ghép những câu chuyện về văn hóa, đất nước, con người Nhật Bản, giúp mình có nhiều hiểu biết hơn. Ngoài ra, cô Liên còn là tấm gương học tập và nghị lực cuộc sống để mình biết cố gắng vươn lên...”. Cứ thế, gần 20 năm nay, kể từ năm 1996, trong căn nhà nhỏ tại đường Bến Nghé (TP.Huế), sáng chiều cô giáo Liên vẫn nhẹ nhàng di chuyển bằng chiếc xe lăn giảng bài cho học sinh. Nhiều học trò dù đi làm xa hay đã đi du học, có dịp về Huế lại ghé thăm cô. Em Lê Bá Mạnh, học trò của cô Liên cho biết: “Điều mà hiếm lớp học thêm nào có được đó là sự hòa đồng gắn bó. Chúng em cũng có đồng phục do tự mình thiết kế và đặt. Chơi với nhau như một gia đình lớn... ”.

Gần 20 năm nay, đối với cô giáo Liên, lớp học là một trong những niềm vui sống mỗi ngày. Nghề giáo là nghề cô mơ ước từ nhỏ và chính nghị lực vươn lên đã biến giấc mơ ấy thành sự thật. Không chỉ là cô giáo của nhiều thế hệ, cô Liên còn là Ủy viên BCH Hội hữu nghị Việt-Nhật tỉnh Thừa Thiên-Huế.  “Dù không có đôi chân khỏe mạnh như bao người. Nhưng tôi thực sự thấy may mắn khi có gia đình, bạn bè, đặc biệt là học trò luôn bên cạnh. Những giờ lên lớp giúp tôi thấy cuộc sống ý nghĩa hơn...”, cô Liên chia sẻ.

Tuyết Khoa

>> Phụ nữ vượt khó: Nhọc nhằn gầy dựng doanh nghiệp
>> Phụ nữ vượt khó: Âm vang trống Âm Hồn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.