Phát triển Vovinam ở học đường

19/08/2015 10:09 GMT+7

Có mặt trên đất Bình Phước gần 40 năm, võ thuật cổ truyền (hay còn gọi Vovinam) đã phát triển rộng khắp nơi, trong đó nhiều trường học đã đưa vào môn học chính khóa.

Có mặt trên đất Bình Phước gần 40 năm, võ thuật cổ truyền (hay còn gọi Vovinam) đã phát triển rộng khắp nơi, trong đó nhiều trường học đã đưa vào môn học chính khóa.

Võ sinh Vovinam luyện tập tại H.Bù Đốp - Ảnh: Kỳ Duyên
Giảm áp lực học tập
Có mặt tại Trường THPT Lộc Ninh (H.Lộc Ninh, Bình Phước) chúng tôi cảm nhận được không khí hăng say tập luyện Vovinam của thầy và trò nơi đây.
Cô Trần Thị Mỹ Huệ, Hiệu phó Trường THPT Lộc Ninh hồ hởi: “Vovinam là một trong những bộ môn đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách cũng như thể lực của học sinh. Chính vì vậy, cần phải nhân rộng việc đưa Vovinam vào giảng dạy tại các trường THPT, THCS và tiểu học”.
Nhiều năm qua, Trường THPT Lộc Ninh đã đưa Vovinam vào giảng dạy chính khóa trong bộ môn thể dục nên đã thu hút nhiều học sinh tham gia tập luyện.
Em Nguyễn Thị Thảo Vi, học sinh lớp 10A5 Trường THPT Lộc Ninh khẳng định: “Cái đầu tiên mà em cũng như các bạn học được khi tham gia Vovinam là có được sức khỏe tốt, một tâm hồn thư thái giúp giảm áp lực trong học tập. Tham gia tập Vovinam còn giúp em rèn luyện ý chí vươn lên vượt khó khăn trong học tập, cũng như trong cuộc sống, giúp em tự tin hơn khi ra ngoài xã hội. Việc học Vovinam của em được bố mẹ và người thân rất ủng hộ”.
Tính từ năm học 2011- 2012 đến nay, bộ môn Vovinam đã đem về cho Trường THPT Lộc Ninh đã đem về 41 huy chương các loại (cấp huyện và cấp tỉnh). Đặc biệt trong năm học vừa qua, nhà trường còn dành được 15 huy chương (2HCV, 3 HCB và 10 HCĐ) từ bộ môn Vovinam.
Những người thầy mê Vovinam
Phong trào tập luyện Vovinam tại tỉnh Bình Phước được biết đến từ năm 1978 tại H.Bù Đốp do HLV Phan Văn Lành, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Thiện trực tiếp huấn luyện tại nhà với khoảng 10 môn sinh.
Năm 1992, thầy Lành chuyển giao trách nhiệm phát triển phong trào này lại cho học trò là HLV Dương Minh Tân, giáo viên Trường Tiểu học Hưng Phước (H.Bù Đốp) tiếp tục phát triển phong trào cho đến nay.
Học sinh Trường THPT Lộc Ninh trong giờ học Vovinam - Ảnh: Kỳ Duyên
Chia sẻ về những khó khăn để duy trì phong trào tập luyện Vovinam trong học đường, Võ sư Dương Minh Tân, Hồng đai nhất đẳng Vovinam cho biết: “Do đặc điểm địa bàn vùng sâu, vùng xa, nên gây nhiều khó khăn cho việc tập trung được đông các võ sinh theo học. Ở vùng thành thị, thị trấn, các em còn có được nhà thi đấu, các khu vui chơi để tập. Ở đây, ngày nắng thì không sao, chứ ngày mưa thì không thể tập được”.
Đến năm 2010, Vovinam tiếp tục phát triển mạnh ở một số huyện, thị như Đồng Xoài, Lộc Ninh, Phước Long, Bù Đăng, Chơn Thành do một số HLV từ Bù Đốp và một số HLV tập luyện ở tỉnh khác về Bình Phước lập nghiệp và các cử nhân võ thuật Trường ĐH Hồng Bàng về các trường công tác phát triển phong trào. Đến nay, phong trào Vovinam tỉnh Bình Phước có 1 võ sư cao đẳng, 1 võ sư chuẩn cao đẳng, 29 HLV (hoàng đai 2, hoàng đai 3), 261 hướng dẫn viên (hoàng đai, hoàng đai 1) và 151 giáo viên thể chất các cấp trường được đào tạo qua các khoá tập huấn của Sở GD-ĐT với 49 CLB, điểm tập và hơn 2.000 môn sinh tham gia tập luyện thường xuyên.
Ông Hà Minh Quan, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Bình Phước cho biết: “Có lẽ Bình Phước là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai Vovinam trong trường học”. Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Bình Phước hy vọng Vovinam vào học đường sẽ không còn bạo lực học đường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.