Phát hiện và điều trị bệnh viêm khớp

14/08/2013 09:29 GMT+7

Tôi tên D. (nữ), 26 tuổi, ngụ H.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ. Tôi bị đau khớp ở bàn tay và chân cách đây 3 năm. Mỗi lần đau thì sưng rất nhiều làm tôi khó cử động khớp ở tay, đầu gối và 2 chân. Tôi đã khám ở nhiều nơi, từ phòng mạch tư đến các bệnh viện lớn nhưng bệnh chỉ khỏi đau khi có thuốc, hết thuốc là đau lại. Xin hỏi tôi bị bệnh gì? Nguyên nhân do đâu? Điều trị thế nào cho hết bệnh? (tamng…@gmail.com)

Tôi tên D. (nữ), 26 tuổi, ngụ H.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ. Tôi bị đau khớp ở bàn tay và chân cách đây 3 năm. Mỗi lần đau thì sưng rất nhiều làm tôi khó cử động khớp ở tay, đầu gối và 2 chân. Tôi đã khám ở nhiều nơi, từ phòng mạch tư đến các bệnh viện lớn nhưng bệnh chỉ khỏi đau khi có thuốc, hết thuốc là đau lại. Xin hỏi tôi bị bệnh gì? Nguyên nhân do đâu? Điều trị thế nào cho hết bệnh?   (tamng…@gmail.com)

Ths-Bs Trịnh Kiến Trung, Chuyên khoa Nội Xương cơ khớp - Bộ môn Nội,  Trường ĐH Y Dược Cần Thơ:

Với những gì chị mô tả, kết hợp với độ tuổi và giới tính, có khả năng chị mắc bệnh viêm khớp dạng thấp (VKDT). Nguyên nhân của bệnh VKDT hiện còn chưa rõ, tuy nhiên bệnh được coi là một bệnh tự miễn khá quan trọng và điển hình ở người.

Về lâm sàng, VKDT là bệnh viêm mạn tính ở nhiều khớp ngoại biên với biểu hiện khá đặc trưng: sưng, đau khớp, cứng khớp buổi sáng và đối xứng 2 bên. Ngoài ra, người bệnh còn có các biểu hiện toàn thân (mệt mỏi, xanh xao, sốt, gầy sút…) và tổn thương các cơ quan khác. Khi có các dấu hiệu lâm sàng nêu trên, người bệnh cần đến khám bác sĩ chuyên khoa nội xương cơ khớp càng sớm càng tốt. Bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm và thăm dò cần thiết để chẩn đoán xác định, đánh giá tình trạng bệnh, tiên lượng bệnh và chọn lựa một chiến lược điều trị phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất.

Về điều trị, phối hợp điều trị triệu chứng sưng đau xương khớp lúc đầu bằng một loại thuốc kháng viêm với sử dụng lâu dài nhóm thuốc chống thấp khớp thay đổi được bệnh (là nhóm thuốc hiệu quả nhất, giúp hạn chế sự tiến triển của bệnh và ngăn ngừa tổn thương xương khớp, hạn chế tàn phế) phù hợp với mức độ bệnh, thể trạng bệnh nhân, hoàn cảnh kinh tế... Sau khi khởi bệnh 10 năm, 10 - 15% bệnh nhân VKDT bị tàn phế, phải cần đến sự trợ giúp của người khác. Cho nên đây là bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm, tích cực, dài lâu.

Tại TP.Cần Thơ, bệnh VKDT có thể điều trị được. Chị D. có thể đến các bác sĩ chuyên khoa nội xương cơ khớp để được chẩn đoán sớm và điều trị bệnh bằng các nhóm thuốc đặc hiệu (kể cả kết hợp với nhóm thuốc sinh học thế hệ mới) nhằm hạn chế sự tàn phế do bệnh gây nên.

Chuyên mục trên do Y - Nha khoa Vạn Phước (số 307F Nguyễn Văn Linh, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) tài trợ. Mọi thắc mắc về sức khỏe, bạn đọc có thể gửi email, thư tín về chuyên mục theo địa chỉ: vanphuocclinic@gmail.com, bacsicuaban.tn@gmail.com hoặc Y -  Nha khoa Vạn Phước để được giải đáp và tư vấn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.