Ôm nợ với nhà đầu tư nước ngoài

27/04/2013 10:15 GMT+7

13 công ty ở Việt Nam đang lâm cảnh oái ăm khi không được thanh toán đầy đủ tiền xây dựng, cung cấp vật liệu cho Nhà máy tuyển cao lanh xuất khẩu Đồng Hới - Quảng Bình bởi nhà đầu tư và chủ thầu ở tận trời u.

13 công ty ở Việt Nam đang lâm cảnh oái ăm khi không được thanh toán đầy đủ tiền xây dựng, cung cấp vật liệu cho Nhà máy tuyển cao lanh xuất khẩu Đồng Hới - Quảng Bình bởi nhà đầu tư và chủ thầu ở tận trời u.

Ôm nợ với nhà đầu tư nước ngoài
Nhà máy cao lanh tại Lộc Ninh - Ảnh: M.A

Theo thông tin từ website của nhà máy, năm 1999, Công ty TNHH Quang Binh Bohemia Kaolin Company, Ltd. (viết tắt là QBBK) được cấp giấy phép khai thác cao lanh và xây dựng nhà máy chế biến cao lanh. Việc xây dựng được khởi công vào năm 2002 nhưng vì những trở ngại về mặt tài chính của nhà đầu tư ban đầu nên việc xây dựng bị đình chỉ. Mãi tới tháng 12.2008 dự án được chuyển cho Công ty CP TRADE B.G.M. a.s., (CH Séc) được tiếp tục xây dựng và hoàn thành vào năm 2010, nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động.

Nhà thầu chính là Công ty CP LAVIMONT BRNO (CH Séc). Sau đó, Công ty TNHH LAVIMONT VN được thành lập với chức năng nhiệm vụ là vừa làm đại diện cho công ty tại VN, vừa tổ chức xây dựng nhà máy. Hai công ty đã ký hợp đồng vào ngày 22.11.2009 về việc thực hiện gói thầu lắp đặt, mua sắm các máy móc, thiết bị phục vụ khai thác mỏ cho dự án Kaolin Quảng Bình-Bohemia. Hợp đồng nói rõ, công ty phía VN có trách nhiệm hoàn thành công việc đầy đủ và đúng thời gian theo đúng chi tiết thiết kế và các tài liệu khác được công ty phía CH Séc giao; còn công ty phía CH Séc phải thanh toán cho công ty phía VN khoản tiền tạm ứng như thỏa thuận, các khoản thanh toán khác sẽ được thanh toán theo như công việc thực tế thi công. Để thực hiện, Công ty TNHH LAVIMONT Việt Nam đã thuê, mua sắm thiết bị của nhiều công ty khác ở trong nước (gọi là các nhà thầu phụ).

Gian nan đòi nợ

Ngày 1.10.2010, Nhà máy tuyển cao lanh xuất khẩu Đồng Hới (Quảng Bình) được khánh thành với tổng vốn hơn 35 triệu USD. Lễ khánh thành có đại diện Đại sứ quán CH Séc tại VN, đại diện Bộ Công thương CH Séc và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư cũng như tỉnh Quảng Bình.

Từ đó đến nay, nhà máy hoạt động sản xuất bình thường. Tuy nhiên, tiền xây dựng lắp đặt thì vẫn còn nợ các nhà thầu phụ VN gần 700.000 USD; cụ thể có 12 công ty như: Tổng công ty CP xây dựng công nghiệp VN (Hà Nội), Công ty cơ khí và xây dựng Nam Sơn (Bắc Ninh), Công ty CP xây dựng COSEVCO 72 (Quảng Ngãi), Công ty CP LILAMA 45.1 (TP.HCM), Công ty TNHH HDL (Hà Nội), Công ty TNHH giải pháp điều khiển và tự động hóa (Đà Nẵng)…Trong hơn 2 năm qua, các công ty VN nhiều lần phát công văn đòi nợ nhưng không có kết quả. Các nhà thầu phụ đòi nợ với Công ty TNHH LAVIMONT Việt Nam, còn công ty này lại đi đòi Công ty CP LAVIMONT BRNO. Trong buổi làm việc trực tiếp giữa Tổng công ty CP xây dựng công nghiệp VN với Công ty CP LAVIMONT BRNO vào ngày 20.2.2012 thì Tổng công ty CP xây dựng công nghiệp VN còn đồng ý giảm công nợ từ hơn 111.914 USD xuống còn 96.000 USD với điều kiện phải trả hết toàn bộ trong tháng 3.2012. Nhưng sau đó Tổng công ty CP xây dựng công nghiệp VN vẫn không hề nhận được khoản thanh toán nào.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Quang - Giám đốc Công ty Công ty TNHH LAVIMONT Việt Nam cho biết: “Việc các khoản nợ chưa được giải quyết gây thiệt hại cho các nhà thầu phụ VN và ảnh hưởng tới uy tín của công ty chúng tôi cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt-Séc”.

Kỳ lạ là, theo ông Quang, hiện không ai chịu trách nhiệm việc thanh toán cho các nhà thầu VN; chủ đầu tư và chủ thầu của CH Séc tìm cách đổ lỗi cho nhau. Chủ thầu thì khẳng định với các nhà thầu phụ VN là chủ đầu tư chưa thanh toán, còn chủ đầu tư lại thông báo là đã thanh toán hết cho chủ thầu. Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ thông báo bằng miệng và không có gì để minh chứng. Điều này sẽ gây nhiều tiêu cực về mặt pháp lý và hoạt động kinh doanh của nhà máy, vậy lẽ nào chủ đầu tư lại mong muốn như vậy. Hiện các nhà thầu phụ vẫn chưa ký vào các văn bản bàn giao nghiệm thu công trình, như vậy một phần nhà máy vẫn thuộc sở hữu các nhà thầu VN.

Theo các nhà thầu phụ VN, thời gian nợ kéo dài và lãi suất ngân hàng cao đã khiến doanh nghiệp, nhất là người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Họ mong muốn các cơ quan, ban ngành T.Ư cũng như tại Quảng Bình giúp đỡ có tác động để nhà đầu tư và nhà thầu chính của CH Séc thanh toán đầy đủ tiền. Thực chất số tiền gần 700.000 USD đang nằm ở Séc hay VN? Để làm sáng tỏ vấn đề trên và trả đầy đủ tiền cho các nhà thầu VN thì cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.